Đây không chỉ là một hành vi vi phạm pháp luật, mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy tiêu cực đối với tâm lý và lối sống của thanh thiếu niên.
Chặt biển số xe để khoe trên mạng xã hội
Trào lưu chặt biển số bắt nguồn từ việc một số thanh niên cắt, bẻ hoặc làm biến dạng biển số xe của mình hoặc người khác, sau đó quay video hoặc chụp ảnh để khoe khoang trên mạng xã hội. Những hình ảnh, video này thường được chỉnh sửa, gắn kèm những biểu tượng thể hiện sức mạnh, cá tính, thu hút sự chú ý và lượt thích từ bạn bè và người theo dõi. Điều này tạo ra cảm giác thỏa mãn tạm thời cho các bạn trẻ, khiến họ lầm tưởng rằng đây là cách để thể hiện bản thân và tạo dựng danh tiếng trong cộng đồng mạng.
Nhóm thanh thiếu niên chặt biển số xe bị Công an huyện Tân Sơn bắt giữ.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang vừa bắt giữ nhóm đối tượng: Trần Quốc Ph (sinh năm 2008, trú tại tổ dân phố Hương Đình, phường Tân Phú), Nguyễn Văn N (sinh năm 2009, trú tại tổ dân phố Quan Rùa, phường Đông Cao), Nguyễn Huy M (sinh năm 2009, trú tại tổ dân phố Triều Lai 2, phường Thuận Thành) cùng thuộc TP Phổ Yên, Thái Nguyên về hành vi “Cướp tài sản”. Các đối tượng đều là học sinh khối 10, Trường Trung cấp dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, chiều ngày 19/10, nhóm đối tượng này cùng với Nguyễn Xuân K (sinh năm 2009, trú tại tổ dân phố Quan Rùa, phường Đông Cao); Ngô Thượng Tr (sinh năm 2008, trú tại tổ dân phố Yên Gia, phường Tân Phú) cùng thuộc TP Phổ Yên, Thái Nguyên, cũng là học sinh Trường Trung cấp dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên và Nguyễn Đức H (sinh năm 2009, trú tại tổ dân phố Me, phường Đông Cao, TP Phổ Yên) đã bỏ học, bàn bạc cùng nhau đến cầu Hòa Sơn bắc qua sông Cầu, nối xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang với phường Đông Cao, TP Phổ Yên, Thái Nguyên để tìm đánh các thanh niên là người tỉnh Bắc Giang sang chơi.
Đồng thời, học theo cách làm trên mạng xã hội là chặt biển số của các phương tiện mà các thanh niên Bắc Giang sử dụng. Sau đó, 6 đối tượng này sử dụng 2 xe môtô không mang biển kiểm soát lưu thông trên cầu. Khi đi, Trần Quốc Ph và Nguyễn Huy M mỗi người mang theo 1 con dao dạng dao mèo. Khi đến cầu Hòa Sơn, phát hiện trên cầu có 2 thanh niên đi trên 1 xe môtô là cháu Nguyễn Duy Q (sinh năm 2005, trú tại tổ dân phố số 1, thị trấn Thắng, Hiệp Hòa) đang chở Trần Mạnh Đ (sinh năm 2009, trú tại tổ dân phố số 2, thị trấn Thắng, Hiệp Hòa) đi về hướng huyện Hiệp Hòa thì Nguyễn Xuân K và Ngô Thượng Tr đã nhảy xuống xe để 4 đối tượng còn lại đuổi theo.
Đuổi được khoảng 1,2km thì nhóm của Ph bắt kịp và ép Q dừng xe. Lúc này, Ph đã dùng dao mang theo chặt đứt chắn bùn phía sau của xe môtô do Q điều khiển rồi chiếm đoạt biển số. Sau đó cả nhóm đi về TP Phổ Yên cất giấu biển số vừa chiếm đoạt được.
Biển số xe máy do nhóm thanh thiếu niên chặt của người đi đường.
Ngày 11/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Sơn (Phú Thọ) cũng đã bắt giữ 5 đối tượng tuổi đời còn rất trẻ, có hành vi chặn người đi đường, dùng dao, ống điếu đánh người, đập xe, chặt lấy biển số, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Các đối tượng này cũng chỉ mới sinh năm 2008, 2009.
Tại cơ quan Công an, nhóm thanh niên trên khai nhận: Sau khi xem được nội dung của một số thanh, thiếu niên trên mạng xã hội TikTok về “chặt biển số xe người lạ mặt đi đường”, ngày 3/9, các đối tượng trên đã gặp nhau, bàn bạc, thống nhất làm theo “trend” trên. Chúng thống nhất thực hiện vào buổi tối, sử dụng từ 2 - 3 xe máy đi trên tuyến đường quốc lộ 32, sau đó, nếu gặp thanh niên lạ mặt, đi kèm ít người thì chặn đánh và chặt lấy biển số xe để thị uy, chụp ảnh khoe trên mạng xã hội.
Vào tối 3/9, cả nhóm di chuyển trên đường quốc lộ 32 theo hướng xã Tân Phú đi xã Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn), khi đi đến gần cây xăng Đức Thọ thuộc khu Mịn - xã Mỹ Thuận thì gặp 2 thanh niên điều khiển xe môtô đi ngược chiều. Cả nhóm quay đầu xe, ép xe trên vào lề đường rồi dùng ống điếu, dao hăm dọa, đập đầu xe máy và chặt biển số xe, sau đó cả nhóm nhặt biển số rồi lên xe bỏ chạy.
Trước đó, Công an quận Hà Đông cũng mới bắt giữ hơn 20 đối tượng để điều tra về hành vi cướp tài sản và gây rối trật tự công cộng. Khoảng 20h ngày 25/8, qua công tác nghiệp vụ, Công an quận Hà Đông phát hiện một nhóm thanh thiếu niên đang tập trung tại khu vực đường Tô Hiệu, phường Hà Cầu.
Mặc dù chúng không mang theo hung khí nhưng lại tụ tập đông, đi xe máy đã được tháo biển kiểm soát và có biểu hiện giống với loại tội phạm đường phố mà thời gian qua xuất hiện liên tục trên địa bàn Hà Nội. Nhận định, đây là tình huống cần phải xác minh, Công an quận Hà Đông đã triển khai lực lượng xuống hiện trường, tuy nhiên khi tới nơi, nhóm đối tượng trên đã giải tán.
Nhận thấy nhóm đối tượng trên có nhiều biểu hiện bất minh, Công an quận Hà Đông đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội tiến hành rà soát. Đúng như nhận định, sau khi áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, công an xác định đây là nhóm đối tượng lấy nick Facebook “Những thằng tù” và “8h Tô Hiệu” (hai nhóm này có khoảng 40 thành viên), là các thanh thiếu niên bỏ học thường xuyên sử dụng hung khí tham gia giao thông trên đường vào đêm, rạng sáng. Đặc biệt nguy hiểm là có hành vi cướp biển kiểm soát xe máy của người đi đường rồi khoe chiến tích trên mạng xã hội.
Quá trình điều tra, chiều tối 28/8, Công an quận Hà Đông và Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội đã làm rõ được các đối tượng có hành vi cướp tài sản, xảy ra rạng sáng 26/8. Các đối tượng mới chỉ từ 13 đến 16 tuổi, trong đó có một đối tượng đang bị áp dụng biện pháp giáo dục do có hành vi cướp tài sản.
Tại cơ quan điều tra, nhóm đối tượng khai nhận vốn cùng là “người làng” với nhau nên kết thành một nhóm. Cũng có vài đối tượng là quen biết qua các nhóm, hội trên mạng xã hội nên rủ đi cùng.
Khoảng 3h ngày 26/8, chúng đi 3 xe môtô không biển kiểm soát tập trung tại khu vực cánh đồng xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ. Cả nhóm bàn bạc, mang theo 1 kiếm, 1 dao mục đích đi chém, cướp biển kiểm soát của người đi đường để về đăng lên mạng xã hội khoe chiến tích.
Ngay sau đó, cả nhóm di chuyển theo đường quốc lộ 6 từ xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ về quận Hà Đông. Đến khu vực địa bàn phường Văn Quán, chúng phát hiện anh Nguyễn Tiến M. (Sinh năm 2004, trú ở phường Văn Quán) điều khiển xe máy Honda Wave biển số 29T1 - 957.xx liền đuổi theo. Anh M. hoảng sợ, vứt xe bỏ chạy thì chúng dùng dao, kiếm chém vào phần đuôi xe, cướp tấm nhựa chắn bùn gắn biển số.
Chưa dừng lại ở đó, cả bọn đi tiếp đến khu vực phường Quang Trung, quận Hà Đông rồi chặn đường một nam thanh niên, dùng hung khí đe dọa và chặt, cướp được 1 biển số 29T2 - 092.xx. Sau đó, cả nhóm bỏ chạy về khu vực xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, chụp ảnh với 2 biển số xe máy vừa cướp được, đăng lên mạng xã hội Facebook.
Gia đình không thể vô can
Trào lưu chặt biển số rồi khoe trên mạng xã hội gần đây nổi lên như một vấn đề nghiêm trọng tại nhiều địa phương, không chỉ gây thiệt hại tài sản mà còn phản ánh sự ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, làm dấy lên lo ngại về hành vi của giới trẻ. Mục đích của các vụ việc chặt biển số xe là để đăng lên mạng xã hội khoe... chiến tích. Nhóm trước làm, nhóm sau thấy vậy học theo. Các vụ việc chủ yếu diễn ra tại các khu vực nông thôn, vùng ngoại ô.
Những đối tượng trong hai nhóm “Những thằng tù”, “8h Tô Hiệu” và tang vật.
Trào lưu chặt biển số không phải là xu hướng nguy hại duy nhất đang lan tràn trên mạng xã hội. Trước đó, hàng loạt trào lưu như “đua xe ngông”, “bẻ khóa xe đạp điện”, hay thậm chí những hành vi bạo lực được quay lại và phát tán trên mạng xã hội cũng đang lan truyền và thu hút sự tham gia của nhiều thanh thiếu niên. Nguyên nhân sâu xa của những hành vi này bắt nguồn từ sự thiếu hụt ý thức xã hội và sự mê mải tìm kiếm sự công nhận từ cộng đồng ảo.
Sự phát triển của công nghệ thông tin mang lại nhiều tiện ích, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho những giá trị sai lệch về đạo đức, lối sống dễ dàng lan truyền. Thanh thiếu niên, với tâm lý chưa hoàn thiện và dễ bị tác động, trở thành đối tượng dễ bị lôi kéo vào các trào lưu tiêu cực. Một số bạn trẻ sẵn sàng thực hiện những hành vi bất hợp pháp hoặc nguy hiểm chỉ để nhận được vài lượt thích, chia sẻ, hay bình luận khen ngợi trên các nền tảng mạng xã hội.
Những hành động này không chỉ gây hại cho bản thân người tham gia mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho người khác. Đặc biệt, những thử thách như “tự thử thách giới hạn chịu đựng” hay “tự làm đau để được công nhận” có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần và thể chất.
Theo một chuyên gia tâm lý, những trào lưu nguy hiểm thu hút giới trẻ tham gia vì đánh trúng vào tâm lý muốn được công nhận, thể hiện bản thân của họ. Những trào lưu này là biến thể của những dạng hành vi muốn tạo nên “trend” hoặc trò nghịch ngợm của tuổi trẻ mà không được cân nhắc về hậu quả. Các bạn trẻ bị tò mò hoặc bị lôi kéo, không được gia đình quản lý, hướng dẫn nên muốn tạo ra một điều gì đó thu hút sự chú ý và sự thừa nhận của xã hội mà không ý thức được ở sau đó có rất nhiều nguy hiểm.
Việc lặp lại những hành vi này có thể khiến thanh thiếu niên hình thành thói quen sai lệch, mất đi khả năng tự kiểm soát và phân biệt giữa đúng sai. Bên cạnh đó, những hành vi vi phạm pháp luật, nếu không được ngăn chặn kịp thời, có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tương lai của chính các bạn trẻ.
Để ngăn chặn sự lan truyền của những trào lưu độc hại, cần sự chung tay của gia đình, nhà trường, xã hội và các cơ quan chức năng. Các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian hơn để theo dõi và định hướng con em mình sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, có trách nhiệm. Nhà trường cần tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống và ý thức xã hội cho học sinh, giúp các em hiểu rõ hơn về những giá trị thực sự trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội cũng cần có cơ chế kiểm soát nội dung chặt chẽ hơn, ngăn chặn việc phát tán những nội dung vi phạm pháp luật hoặc mang tính bạo lực, tiêu cực. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường quản lý, xử phạt nghiêm khắc những hành vi vi phạm nhằm răn đe và ngăn ngừa sự lặp lại của những hành động này.
Điều cần thiết là gia đình, xã hội và các cơ quan chức năng cùng chung tay để xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, an toàn, đồng thời giáo dục các em về giá trị thực sự của cuộc sống. Hơn hết, mỗi thanh thiếu niên cần có sự tỉnh táo và ý thức trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, để tránh bị lôi kéo vào những xu hướng tiêu cực, gây hại cho bản thân và người xung quanh.
Ngọc Mai