Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương qua đời là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và gia quyến.
Là người có trọn vẹn 3 năm công tác bên cạnh nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương (giai đoạn 2002-2006), bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, không giấu được sự xúc động khi nghe tin ông qua đời.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương nói chuyện với đồng bào các dân tộc xã Phong Dụ, huyện miền núi Tiên Yên (Quảng Ninh), năm 1997. (Ảnh: Trọng Nghiệp/TTXVN)
Vào một lần gần đây, khi nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương vào Nam, bà Trương Mỹ Hoa có đến thăm ông và dù biết ông có bệnh nhưng việc ông ra đi lúc này - với bà - vẫn quá đỗi đột ngột.
Người lãnh đạo trầm tĩnh, tận tụy
Suốt gần hai thập kỷ sau khi về hưu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa vẫn giữ liên lạc, thi thoảng thăm hỏi nhau. Một lần, khi ông Trần Đức Lương vào Nam, biết bà Trương Mỹ Hoa đang bệnh, đã đến thăm, động viên, chia sẻ khiến bà rất cảm động.
Bà Trương Mỹ Hoa nhớ lại: “Lần trước có dịp ra Hà Nội, tôi đi thăm, ông nói với tôi “sinh ly tử biệt là chuyện bình thường, ai rồi cũng phải đến lúc đó”. Tôi hiểu, nhưng là những người cộng sự từng gắn bó với nhau, ai mất đi, người còn lại cũng đều tiếc thương cả”.
Luật Thi đua, Khen thưởng là nỗ lực lớn của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương để thực hiện đúng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”.
Theo bà Trương Mỹ Hoa, trước khi được bổ nhiệm Phó Chủ tịch nước, bà đã có quãng thời gian tiếp xúc với nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương ở nhiều vị trí khác nhau. Khi về làm Phó Chủ tịch nước và được làm việc trực tiếp với ông, bà càng hiểu rõ hơn về một lãnh đạo mực thước, sâu sắc nhưng cũng vô cùng giản dị, hiền lành.
“Ông là người lãnh đạo trầm tĩnh, chỉn chu, tận tụy, hết lòng, hết sức vì công việc. Những việc ông làm đều trên tinh thần trách nhiệm cao, hành động để có kết quả cuối cùng, chứ không vì hào nhoáng hay tiếng vang, nên nhiều việc ông cống hiến rất thầm lặng…” – bà Hoa chia sẻ.
Với bà, dù là nguyên thủ quốc gia nhưng ông rất gần gũi với người dân, cởi mở, ôn tồn với cấp dưới. Ông luôn nhẹ nhàng chia sẻ và thông cảm, sẵn sàng dẫn dắt để cấp dưới làm tốt công việc của mình, vì vậy ông được nhiều cán bộ quý trọng.
Nguyên Chủ tịch nước đặc biệt chú ý đến những nữ cán bộ, chia sẻ và động viên họ về những công việc mà phụ nữ thường phải gánh vác trong gia đình. Đây là sự động viên lớn đối với những nữ cán bộ từng đồng hành cùng ông.
Đóng góp quan trọng trong thúc đẩy chính sách pháp luật
Thời gian làm Phó Chủ tịch nước, bà Trương Mỹ Hoa được nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương phân công nhiệm vụ giúp việc cho Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp. Bà phụ trách nhiều công tác quan trọng, trong đó có công tác thi đua, khen thưởng, công tác văn phòng Chủ tịch nước và nhiều nhiệm vụ khác.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng quà và chúc Tết công nhân Tổ 10 (Công ty Môi trường và Đô thị TP Hà Nội) đang làm nhiệm vụ trong đêm giao thừa Tết Kỷ Mão 1999. Ảnh: TRỌNG NGHIỆP/TTXVN
Với vai trò Chủ tịch nước, ông Trần Đức Lương đã có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy các chính sách pháp luật, nổi bật là việc đặt nền móng cho Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003.
Đây là đạo luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về động viên tinh thần thi đua, khen thưởng trong xã hội, khích lệ và tôn vinh những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất và các lĩnh vực khác, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Bà Trương Mỹ Hoa chia sẻ, trong nhiệm kỳ của ông, công tác thi đua, khen thưởng đã được thực hiện rất hiệu quả. Bên cạnh việc ban hành Luật Thi đua, Khen thưởng, dưới sự chỉ đạo của ông, Nhà nước còn tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 35/1998 về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới. Điều này đã thúc đẩy các phong trào hành động cách mạng từ cơ sở đến Trung ương, tạo ra không khí thi đua sôi nổi ở mọi ngành nghề và mọi cấp, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.
Theo bà Trương Mỹ Hoa, Luật Thi đua, Khen thưởng là nỗ lực lớn của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương để thực hiện đúng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”.
Luật này không chỉ giúp tôn vinh những cống hiến xuất sắc mà còn khuyến khích mọi người lao động, sản xuất hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ đó, thi đua và khen thưởng đã trở thành động lực quan trọng, lan tỏa trong các phong trào hành động cách mạng.
Như thế, trong suốt nhiệm kỳ làm Chủ tịch nước, bên cạnh những dấu ấn sâu đậm trong việc củng cố chính trị, kinh tế và đối ngoại của Việt Nam sau chiến tranh, ông Trần Đức Lương đã có đóng góp quan trọng vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp lý của Việt Nam.
Nhiều bộ luật quan trọng được ra đời, trong đó có Luật Thi đua, Khen thưởng (năm 2003), Luật Doanh nghiệp (năm 2005), Luật Đầu tư (năm 2005),… đã giúp tạo dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau này.
Và chính nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là người có công trong việc tạo dựng nền tảng đó, một di sản pháp lý lâu dài và bền vững cho đất nước.
LÊ THOA