PGS.TS Nguyễn Văn Bích (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, trợ lý Chủ tịch nước Trần Đức Lương giai đoạn 1997-2006) cho biết, thời điểm ông Trần Đức Lương nhậm chức Chủ tịch nước thì Việt Nam mới được xóa bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Mỹ 2 năm.
Đây cũng là giai đoạn khó khăn khi uy tín, vị thế trên trường quốc tế của nước ta chưa cao. Chủ trương của Đảng, Nhà nước khi đó là đẩy mạnh việc thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa và đa phương hóa quốc tế, muốn là bạn với tất cả các nước.
"Thử nghiệm" đầu tiên cho đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới
Thời điểm này, các hoạt động đối ngoại bắt đầu sôi động, mở đầu là Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 tổ chức tại Hà Nội. Đây là hội nghị quốc tế lớn nhất mà nước ta đăng cai tổ chức cho đến thời điểm đó, cũng là lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay diễn ra tại châu Á.
Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 diễn ra tại Hà Nội tháng 11/1997 là hội nghị thượng đỉnh quốc tế đa phương đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Điều trùng hợp là hội nghị được đăng cai tại Việt Nam (11/1997) ngay sau khi Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhậm chức (9/1997). Hội nghị do Chủ tịch nước chủ trì với chủ đề “Tăng cường hợp tác và tình đoàn kết Pháp ngữ vì hòa bình và phát triển kinh tế xã hội", thu hút 35 nguyên thủ các nước.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã chỉ đạo tổ chức và chủ trì thành công hội nghị, góp phần nâng cao vị thế đối ngoại của Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Văn Bích cho rằng đây là "thử nghiệm" đầu tiên khi triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước thời kỳ đổi mới. Thành công của hội nghị đã mở đường cho việc phát triển quan hệ ngày càng sâu rộng với các nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời là kinh nghiệm cho việc đăng cai tổ chức các hội nghị đa phương sau này.
Tổng Bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống Pháp Jacques Chirac tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ năm 1997. Ảnh tư liệu
Ngoài ra, Chủ tịch nước Trần Đức Lương cũng dành sự quan tâm đặc biệt trong việc chỉ đạo ngành ngoại giao và các cơ quan hữu quan; chỉ đạo các nội dung, nhất là trong hợp tác kinh tế và vận động gia nhập WTO; xây dựng chương trình đi thăm hữu nghị chính thức các nước và mời nguyên thủ các nước thăm nước ta...
Từng tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương dự diễn đàn Hội nghị cấp cao thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc (tháng 9/2000), ông Bích cho biết tính đến thời điểm đó, đây là lần thứ hai Việt Nam có nguyên thủ phát biểu tại Liên Hợp Quốc (người đầu tiên là ông Lê Đức Anh).
Ông Bích kể buổi sáng phiên khai mạc, Chủ tịch nước Trần Đức Lương có bài phát biểu quan trọng, đề cập thẳng những ưu tiên mà cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc cần giải quyết. Đó là vấn đề phát triển; xóa đói giảm nghèo; củng cố hòa bình, ổn định, xây dựng các quan hệ quốc tế công bằng, văn minh; tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia. Chủ tịch nước cũng đưa ra sáng kiến lấy thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 là “thập kỷ của những nỗ lực toàn cầu cao nhất nhằm xóa đói, giảm nghèo”.
Đề xuất này được Liên Hợp Quốc đánh giá cao. Và 5 năm sau, khi họp đánh giá 5 năm thực hiện chương trình thiên niên kỷ, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã đánh giá cao và tuyên dương thành tích xóa đói giảm nghèo của Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ 21.
Làm cho quốc tế thấy được một nước Việt Nam hòa bình và tươi đẹp
PGS.TS Nguyễn Văn Bích cũng cho biết trong nhiệm kỳ công tác, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã có nhiều chuyến công du, thúc đẩy, mở rộng hợp tác với nhiều nước châu Âu, châu Á, trong khu vực Đông Nam Á, châu Mỹ và châu Phi.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào Khamtai Siphandon tại Phủ Chủ tịch, ngày 4/1/1999. Ảnh: TTXVN
Nói tiếp đến kinh nghiệm trong tổ chức hội nghị đa phương, ông Bích kể về thành công của Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM 5) tại Hà Nội tháng 10/2004. Khi đó, Chủ tịch nước Trần Đức Lương được phân công chuẩn bị nội dung và chủ trì hội nghị.
Là một thành viên trong tiểu ban chuẩn bị hội nghị, ông Bích nhớ rõ rằng ngay từ đầu năm 2004, nhiều hãng thông tấn, báo chí phương Tây đã cố tình xoáy vào những mâu thuẫn trong quan điểm giữa hai lục địa Á - Âu, nhất là vấn đề kết nạp thành viên mới hay sự nghi ngờ việc hội nghị có diễn ra ở Hà Nội hay không...
Trước tình hình đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc với lãnh đạo một số nước để trao đổi và mời tham dự hội nghị.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương gặp Chủ tịch Fidel Castro trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba, ngày 9/4/2000. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Anh Tony Blair là người được các hãng thông tấn phương Tây coi là có điểm khác biệt trong việc kết nạp thành viên mới. Nhưng qua hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đức Lương, ông bày tỏ: "Dư luận vốn vẫn như vậy khi diễn ra các sự kiện chính trị lớn", và tin rằng hội nghị sẽ thành công. Ông cũng nhất trí với Chủ tịch nước Việt Nam rằng "không nên để vấn đề của một nước làm ảnh hưởng đến những mục tiêu tốt đẹp mà hai châu lục phải vươn tới".
Trong quá trình chuẩn bị hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã chỉ đạo sát sao từ chương trình nghị sự đến công tác lễ tân, thể hiện rõ sự tôn trọng và hiếu khách của Việt Nam, làm cho quốc tế thấy được một nước Việt Nam hòa bình và tươi đẹp...
Chủ tịch nước Trần Đức Lương đọc diễn văn khai mạc Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 5 (ASEM 5), sáng 8/10/2004 tại hội trường Ba Đình. Ảnh: TTXVN
Với chủ đề "Tiến tới quan hệ đối tác Á - Âu sống động và thực chất hơn", người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ của 13 nước châu Á, 25 nước châu Âu đã đến Hà Nội tham dự hội nghị. ASEM lần này kết nạp 13 thành viên mới, bao gồm 3 nước còn lại của ASEAN là Campuchia, Lào, Myanmar và 10 nước thành viên mới của Liên minh châu Âu (EU).
Thành công rực rỡ của hội nghị được nhiều lãnh đạo các nước đánh giá cao. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói “điều kỳ diệu nhất của hội nghị cấp cao này chính là việc cuối cùng nó đã diễn ra” và đã đạt được Tuyên bố Hà Nội về quan hệ đối tác kinh tế Á - Âu...
Tổng thống Pháp Jacques Chirac nói với Chủ tịch nước Trần Đức Lương: “Người phương Đông có câu 'nhân vô thập toàn'. Với tôi, hội nghị ASEM 5 chỉ có một khuyết điểm duy nhất, đó là tôi phải chia tay quá sớm với ngài và nhân dân Việt Nam vì có kế hoạch khác...”.
Khi rời Việt Nam, ông đã đặt tay lên ngực và nói với Chủ tịch nước Việt Nam “Tuyệt vời!”, như để nói về thành công của Hội nghị ASEM giống như Hội nghị cấp cao Pháp ngữ tổ chức tại Hà Nội vài năm trước.
Ngày 28/10/2002, tại Điện Élyseé, Tổng thống Pháp Jacques Chirac trao tặng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh hạng nhất cho Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ảnh: TTXVN
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Romano Prodi cho rằng ASEM 5 không chỉ là hội nghị lịch sử với việc kết nạp một lúc 13 thành viên mà còn là hội nghị đầu tiên đề cập nhiều vấn đề thiết thực, trong đó đáng kể nhất là cam kết hợp tác kinh tế. Tất cả các trưởng đoàn cảm ơn về điều này.
Tổng thống Hàn Quốc lần đầu tiên đến Việt Nam thì liên tục bày tỏ sự ngưỡng mộ trước thái độ thân thiện, bầu không khí hòa bình của nhân dân và đất nước Việt Nam...
"Thật vui mừng và tự hào về thành công của hội nghị ASEM 5. Những lời đánh giá chân thành, tốt đẹp của lãnh đạo các quốc gia tham dự đã thể hiện rõ vị thế của Việt Nam được nâng cao một bước trên trường quốc tế" - ông Bích xúc động chia sẻ.
Trần Thường