Đền thờ Quan Thượng Láng Nguyễn Duy Thì tại quê nhà, Tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên).
Theo các tài liệu lịch sử còn lưu giữ, Nguyễn Duy Thì sinh năm 1572, giờ Canh Thìn, ngày Ất Mùi, mùng 10 tháng 3. Ông là người làng phủ Tam Đới xưa, nay thuộc Tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên. Ông mất năm 1652, thọ 80 tuổi.
Khi sinh ra, Nguyễn Duy Thì đã có đặc điểm khác thường khi xương dài rủ xuống quá hậu môn. Bản tính thông minh, lại được gia đình dạy dỗ văn chương chu đáo, tìm những thầy giỏi nhất cho theo học nên ông đã sớm trở thành một nho sinh xuất sắc, được nhiều người biết đến.
Danh tiếng của ông vang xa đến mức khi đó, nhà Mạc còn trấn giữ Thăng Long. Nghe tiếng nho sinh học giỏi, đích thân quan Thái Bảo đương thời đã cưỡi voi tới tận nơi thăm để tỏ sự coi trọng. Nhưng Nguyễn Duy Thì lại không đi thi các kỳ thi do nhà Mạc tổ chức và cũng không ra làm quan cho triều đình nhà Mạc.
Năm ông 27 tuổi, khi nhà Mạc bị lật đổ, đất nước chuyển sang thời kỳ vua Lê - chúa Trịnh, Nguyễn Duy Thì đã tham gia khoa thi Mậu Tuất năm 1598 (năm Quang Hưng 21 đời vua Lê Thế Tông) và đỗ Hoàng Giáp.
Ông ra làm quan và từng bước kinh qua nhiều chức vị quan trọng rường cột của quốc gia, trong đó có thể kể đến như Lại bộ Tả thị lang kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám; Lễ bộ Tả thị lang; Thượng thư bộ Công; Thượng thư bộ Binh; Thượng thư bộ Lại kiêm Chưởng lục bộ, Tế tửu Quốc Tử Giám, Thái phó và tước Tuyền Quận công (1648-1649). Ông cũng từng hai lần được triều đình cử đi sứ sang nhà Minh vào các năm 1606 và 1623.
Suốt hơn 50 năm trên quan trường, Nguyễn Duy Thì luôn được người đời biết đến và nể phục bởi tài năng, đức độ, vị quan thanh liêm gần dân, chăm lo cho dân, cho nước, luôn lấy dân làm gốc của đạo trị nước.
Tư tưởng trên được ông thẳng thắn nêu lên trong tờ khải “Đạo Trị nước” gửi chúa Trịnh Tùng, Nguyễn Duy Thì viết: “Nếu làm được chính sách giúp dân, thì trên thuận lòng trời, dưới đẹp ý dân, tự khắc đổi tai vạ làm điềm lành, hằng năm được mùa, mọi nhà, mọi người no đủ, trong nước thái bình, cơ nghiệp nước nhà truyền ức muôn năm từ nay trở đi được lâu dài mãi mãi”.
Tượng thờ Quan Thượng Láng Nguyễn Duy Thì tại đền thờ ở quê nhà, Tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên).
Ông cũng chỉ ra những thói hư, tật xấu, nạn tham quan, cường hào, ác bá là mối nguy cho đất nước, cần phải mạnh tay dẹp bỏ “Chỉ vì người thừa hành chưa biết thể theo đức ý người trên, chỉ chăm làm hà khắc bạo ngược, đua nhau xa xỉ, coi một huyện thì làm khổ dân một huyện, coi một xã thì làm khổ dân một xã, phàm những việc nhiễu dân không việc gì là không làm...”.
Đồng thời khẳng định để đưa đất nước phát triển bền vững, cần lấy dân làm gốc của việc trị nước, cần phải gần dân, thân dân, chăm lo đời sống nhân dân “Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân mà thôi. Lại nghĩ rằng trời với dân cùng một lẽ, lòng dân vui thích tức là được ý trời rồi.
Cho nên người giỏi trị nước, yêu dân như cha mẹ yêu con, thấy họ đói rét thì thương, thấy họ lao khổ thì xót, cấm hà khắc bạo ngược, ngăn thuế khóa bừa bãi, để cho dân được thỏa sống mà không còn tiếng sầu hận oán thán”.
Ngay cả khi hoàn thành nghĩa vụ với quốc gia, dân tộc, được cho cáo quan về quê, mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn thường xuyên lên kinh thành để báo cáo và đề xuất, hiến kế sách giúp nước, cứu nguy, chăm lo bảo vệ nhân dân.
Ông Nguyễn Duy Mùi, hậu duệ của Quan Thượng Láng Nguyễn Duy Thì chia sẻ: “Theo ghi chép của dòng họ, khoảng những năm 1645, khi cụ Nguyễn Duy Thì đã về quê ở, mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng khi có nhân dân đến cậy nhờ cụ đều tận tình giúp đỡ.
Điển hình như việc làng Thạch Đà (Mê Linh) bị nghi oan cho là đất phản nghịch phải chu diệt cả làng, khi được người dân trong làng cầu cứu, ngay trong đêm, cụ Nguyễn Duy Thì đã tức tốc lên kinh thành Thăng Long gặp nhà Chúa để giải oan và cứu được cả làng thoát khỏi cảnh diệt vong.
Để tưởng nhớ công ơn cụ, đến nay, hằng năm vào ngày lễ, Tết, ngày giỗ của cụ, xã Thạch Đà đều cử đại diện chính quyền, người dân và các cụ cao niên trong xã đến để cúng tế và làm giỗ cho cụ”.
Không chỉ là vị quan thanh liêm, gần dân, ông còn là người thầy đáng kính, nhà quản lý giáo dục tài ba, trực tiếp tham gia tuyển chọn hiền tài cho đất nước. Ông làm Giám thí khoa thi Quý Sửu 1613 và khoa thi Quý Hợi 1623; Tư nghiệp rồi Tế tửu Quốc tử giám trong hơn 30 năm (tương đương với chức danh Hiệu trưởng ngày nay).
Với những công lao đóng góp của mình, Nguyễn Duy Thì đã để lại cho hậu thế tấm gương sáng nổi bật trong truyền thống khoa bảng của Vĩnh Phúc và tinh thần tận tụy vì dân, vì nước.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh