Coca Cola Tiêu thụ hơn 100 tỷ chai nhựa dùng một lần mỗi năm, và phần lớn số đó kết thúc ở các bãi rác hoặc trôi dạt ra đại dương.
Một báo cáo gần đây của tổ chức bảo tồn Oceana dự báo rằng đến năm 2030, các sản phẩm của Coca-Cola sẽ thải ra khoảng 602 triệu kg rác thải nhựa vào đại dương và các dòng sông mỗi năm. Các tổ chức môi trường như Greenpeace chỉ trích Coca-Cola vì tiếp tục dựa vào nhựa dùng một lần và duy trì liên kết với nhiên liệu hóa thạch. Trên mạng xã hội, người tiêu dùng đang lan truyền thông tin về tác động môi trường của công ty và kêu gọi tẩy chay sản phẩm.
Ô nhiễm nhựa gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Khi nhựa phân rã, nó biến thành vi nhựa, có thể xâm nhập vào chuỗi thực phẩm, nước uống, máu, phổi và thậm chí mô nhau thai ở người. Đối với động vật hoang dã, đặc biệt là sinh vật biển, nhựa gây ra nhiều hiểm họa chết người. Ngoài ra, sản xuất chai nhựa còn thải ra lượng lớn khí carbon – góp phần vào biến đổi khí hậu.
Để đối phó với các chỉ trích, Coca-Cola tuyên bố sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng tái chế và cam kết thu gom, tái chế lượng nhựa tương đương với tất cả các chai lọ đã bán ra từ nay đến năm 2030. Hãng cũng đã áp dụng nắp chai gắn liền tại một số thị trường nhằm hạn chế tình trạng xả rác nắp chai.
Trong một động thái đáng chú ý, Quỹ Coca-Cola vừa hợp tác với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) để triển khai một dự án toàn cầu nhằm chống ô nhiễm nhựa. Tại Sri Lanka, UNDP sẽ tài trợ 1,1 triệu USD để xây dựng hệ thống quản lý rác thải nhựa, do văn phòng UNDP Sri Lanka điều phối. Đại diện UNDP Sri Lanka, ông Malin Herwig, nhấn mạnh rằng: “Ô nhiễm nhựa là một trong những thách thức môi trường cấp bách nhất hiện nay và việc giải quyết nó đòi hỏi hành động hợp tác và có thể mở rộng quy mô.”
Ông cho biết thêm, dự án này không chỉ giúp giảm rò rỉ nhựa ra môi trường mà còn thúc đẩy thay đổi lâu dài trong cách thức quản lý và định giá nhựa ở Sri Lanka.
Sáng kiến này là một phần của chương trình khu vực trị giá 15 triệu USD do Coca-Cola tài trợ, triển khai tại 9 quốc gia gồm Sri Lanka, Bangladesh, Bhutan, Cambodia, India, Maldives, Nepal, Philippines và Việt Nam.
Mặc dù Coca-Cola vẫn là một trong những nhà sản xuất rác thải nhựa lớn nhất thế giới và từng bị cáo buộc “tẩy xanh”, dự án hợp tác với UNDP lần này được coi là bước đi cụ thể nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa đang ngày càng trầm trọng trên toàn cầu.
Theo Tổng hợp
Huy Hoàng