Từ trái sang: Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa. Ảnh: EPA
Theo tờ The Conversation, số tiền bị thu hồi chắc chắn là một đòn giáng đối với Hungary, nhưng quyết định này còn có những tác động kinh tế và địa chính trị rộng hơn. Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Thủ tướng Hungary Viktor Orban liên tục phớt lờ các tiêu chuẩn và nguyên tắc dân chủ của khối. Câu hỏi lúc này là liệu ông Orban đã hết lựa chọn hay chưa.
Nguyên nhân sâu xa
EU đã huy động và phân phối lại một lượng lớn tiền tài trợ cho các quốc gia và khu vực nghèo hơn của mình. Kể từ những năm 1970, một bộ công cụ tài trợ phức tạp đã xuất hiện dưới biểu ngữ “chính sách gắn kết”. Trong giai đoạn ngân sách 2021-27, EU đã phân bổ 392 tỷ euro cho chính sách gắn kết, bổ sung thêm 750 tỷ euro tiền tài trợ và các khoản vay giá rẻ từ chương trình EU thế hệ tiếp theo. Các khoản tiền này có thể được sử dụng để phát triển cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường và hỗ trợ cho khu vực tư nhân (đặc biệt là nền kinh tế xanh).
Không có tổ chức khu vực nào khác làm được điều gì tương tự. Đối với các quốc gia nghèo trong khối, các khoản tiền này có thể chiếm một tỷ lệ đáng kể trong GDP và việc phân phối một khoản tiền lớn như vậy sẽ trao quyền lực tiềm ẩn cho Ủy ban châu Âu.
Đáng chú ý, EU cũng là một tổ chức coi việc ủng hộ các giá trị dân chủ và pháp quyền - những điều kiện tiên quyết để trở thành thành viên của khối. EU tự coi mình là thành trì của các giá trị tự do và chủ nghĩa hiến pháp: không có chỗ cho những người theo chủ nghĩa độc đoán.
Tuy nhiên, EU đã chậm trễ trong việc thực thi quy tắc này với Hungary. EU cáo buộc rằng, sau khi lên nắm quyền vào năm 2010, thủ tướng Hungary đã bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm tăng cường quyền lực cá nhân và đảng cầm quyền (Fidesz) của ông. Ông Orban thậm chí còn bị cáo buộc sử dụng trực tiếp tiền của EU cho những mục đích này.
Ông Orban được bảo vệ trong một thời gian nhờ tư cách thành viên của Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) hùng mạnh trong Nghị viện châu Âu. Nhưng cuối cùng, ông Orban đã đi quá xa, xa lánh những đồng minh cũ của mình (rời khỏi nhóm EPP vào năm 2021), đó là lúc EC bắt đầu có biện pháp chống lại ông.
Vào năm 2020, EC đã đưa ra cơ chế điều kiện pháp quyền, giúp việc đình chỉ hoặc rút tiền từ các quốc gia thành viên dễ dàng hơn nhiều nếu có lo ngại về cam kết của họ đối với nền dân chủ. Cơ chế này đã được sử dụng chống lại Ba Lan và Hungary vào năm 2022. Sau đó, Ba Lan đã có tổng cộng 136 tỷ euro được giải tỏa khi chính phủ mới của họ đồng ý với các điều khoản của Brussels. Hungary cũng đã bị đóng băng hơn 30 tỷ euro trong cùng kỳ.
Trong cuộc đối đầu này, Thủ tướng Orban vẫn đe dọa và thỉnh thoảng sử dụng quyền phủ quyết quốc gia của mình để ngăn cản hành động của Liên minh châu Âu nhằm ủng hộ Ukraine. Vào tháng 12/2023, 10,2 tỷ euro tiền quỹ gắn kết đã được giải ngân, trong một quyết định được diễn đạt khá quanh co ngay trước cuộc bỏ phiếu quan trọng về viện trợ và gia nhập Ukraine. Tuy nhiên, hơn 20 tỷ euro nữa vẫn bị giữ lại.
Một báo cáo của ủy ban về pháp quyền tại Hungary vào tháng 7/2024 lưu ý rằng, dưới các áp lực từ EC, chính phủ của ông Orban đã thực hiện một số cải cách, nhưng báo cáo vẫn lưu ý các vấn đề mang tính hệ thống như độc lập tư pháp và truyền thông.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cùng các thành viên của đảng Fidesz sau khi kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) ở Budapest được công bố, ngày 9/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Tác động với Hungary
Cần lưu ý rằng việc EC quyết định thu hồi 1,04 tỷ euro của Hungary hôm 1/1 theo một nghĩa nào đó chỉ là vấn đề kỹ thuật. Các khoản tiền sẽ tự động được rút sau hai năm kể từ khi lệnh đình chỉ bắt đầu. Nhưng dù sao thì điều này vẫn rất quan trọng vì nó ngụ ý rằng tình trạng hiện tại sẽ không chỉ như vậy. Nếu không có sự thay đổi, Hungary có thể mất phần tiền còn lại vĩnh viễn.
Những hàm ý của quyết định nói trên rất đa dạng. EU đang thay đổi theo hướng cứng rắn hơn nhằm bảo vệ các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền. Tuy nhiên, thay đổi này diễn ra vào thời điểm ngày càng nhiều những người theo chủ nghĩa dân túy bản địa (ưu tiên cho người dân thường bản địa hơn là tầng lớp tinh hoa hoặc người nhập cư) lên nắm quyền ở EU.
Liệu EU có thể duy trì cách tiếp cận nghiêm ngặt của mình hay áp lực từ các chính phủ sẽ làm dịu đi? Và liệu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, một đồng minh của ông Orban, có sẵn lòng hoặc có thể giúp được gì cho Hungary trong cuộc tranh chấp này?
Bản thân ông Orban đã phản ứng giận dữ trước sự mất mát nguồn quỹ nói trên và đã đe dọa sẽ sử dụng quyền phủ quyết quốc gia của mình một cách mạnh mẽ hơn - điều mà ông đã từng đe dọa sẽ làm trong quá khứ. Tuy nhiên, Hungary đang ở trong tình thế kinh tế mong manh nên không rõ ông Orban có thể chịu được mức độ đối đầu nào.
Trong khi đó, tâm lý phản đối Thủ tướng Orban đang gia tăng trong Hungary và nhà lãnh đạo phe đối lập đang lên Peter Magyar đã tuyên bố rằng ông có thể "mở khóa" hàng tỷ USD từ quỹ của EU. Đây có thể là một khẩu hiệu tranh cử mạnh mẽ của ông Magyar. Nó cũng sẽ đồng nghĩa với việc, căng thẳng với EU sẽ ảnh hưởng tới phạm vi chính trị trong nước của Hungary theo một cách rất rõ ràng.
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo The Conversation)