Sưng mộng răng là tình trạng nướu bị viêm nhiễm. Khi răng miệng bị các tác nhân gây hại tấn công, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách sản sinh ra kháng thể để chống lại, dẫn đến sưng lợi, nướu phình to, xuất hiện ổ mủ dưới chân nướu gây đau nhức.
Đây chính là ổ mủ, ổ viêm chứa tế bào chết, vụn thức ăn hoặc các vi khuẩn gây hại. Trên thực tế, sưng mộng răng là một giai đoạn của viêm lợi ở mức độ nặng hơn. Tình trạng này có thể xuất hiện ở mọi vị trí trên cung hàm, phổ biến ở răng hàm và vị trí gần răng khôn.
Nguyên nhân gây sưng mộng răng
Sưng mộng răng xuất phát từ rất nhiều lý do khác nhau. Phần lớn liên quan đến quá trình chăm sóc răng miệng dẫn đến các bệnh lý, một số nguyên nhân khách quan khác có thể do tác dụng của thuốc điều trị. Các nguyên nhân có thể kể đến như:
Do vệ sinh răng miệng không đúng cách
Sưng mộng răng là tình trạng nướu bị viêm nhiễm.
Vệ sinh răng miệng không đúng cách nên không loại bỏ được thức ăn, các mảng bám hình thành và tích tụ vi khuẩn. Lâu dần chúng bị canxi hóa thành cao răng. Đây là môi trường giúp vi khuẩn có hại sinh sôi và tấn công vào men răng, gây nên tình trạng viêm nướu. Khi viêm nhiễm không được xử lý sẽ ngày càng nặng hơn và gây sưng mộng răng.
Các bệnh lý răng miệng
Răng miệng mắc phải các bệnh lý phổ biến như sâu răng, viêm nha chu, viêm tủy khiến xuất hiện túi mủ. Vi khuẩn tấn công chân răng, lan rộng ra và gây đau nhức, khó chịu ảnh hưởng sinh hoạt hằng ngày. Những trường hợp này để nặng rất có nguy cơ mất răng vĩnh viễn.
Bệnh lý toàn thân
Một số bệnh như đái tháo đường, HIV/AIDS, hoặc các bệnh tự miễn có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ viêm nướu.
Hút thuốc lá
Nicotine trong thuốc lá làm giảm lưu lượng máu đến nướu, ảnh hưởng đến khả năng chống viêm và làm lành vết thương của nướu.
Mọc răng khôn
Mọc răng khôn vốn là một vấn đề khiến nhiều người lo lắng. Trong đó, sưng mộng răng cũng là một hiện tượng có thể xảy ra khi mọc răng khôn. Răng mọc không thẳng bình thường mà mọc lệch, mọc ngầm đâm vào chân răng số 7 tạo nên khe hở nhét thức ăn gây viêm nướu. Răng còn có thể bị lợi trùm và gây sưng mộng.
Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh
Rất nhiều người có thói quen ăn nhiều đồ cay, nóng, đồ dai cứng ma sát với lợi,... làm nướu rất dễ bị kích ứng và tổn thương. Khi đó vi khuẩn sẽ tận dụng cơ hội xâm nhập và gây nên viêm nướu. Nếu tiếp tục sử dụng các thực phẩm này sẽ khiến bệnh nghiêm trọng hơn.
Trường hợp thường bị sưng mộng răng
Răng hàm: Vì răng hàm nằm ở phía trong nên rất khó vệ sinh bởi vậy khu vực này dễ hình thành ổ vi khuẩn gây sưng viêm.
Răng khôn: Khi mọc răng số 8 hoặc do cơ thể bị thiếu hụt vitamin C sẽ gây sưng mộng chân răng khôn.
Răng có mủ: Bệnh tiến triển nặng và không được điều trị kịp thời dẫn tới mủ trắng trong mộng răng, mủ có thể có mùi hôi khó chịu.
Phụ nữ mang thai: Cơ thể phụ nữ khi mang bầu sẽ có sự thay đổi nội tiết tố nên dễ dàng bị bệnh lý răng miệng, trong đó có bệnh sưng mộng răng.
Sưng mộng răng cần làm gì?
Người bệnh cần súc miệng bằng nước muối để sát khuẩn giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây hại.
Sưng mộng răng là một trong các giai đoạn của viêm nướu răng, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài và không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm khuẩn, sưng viêm và áp xe răng.
Việc nhận biết và sớm điều trị sẽ giúp ngăn chặn tình trạng viêm nặng, tụt lợi và nặng hơn là mất răng vĩnh viễn.
Người bệnh cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Tại nhà, người bệnh cần súc miệng bằng nước muối để sát khuẩn, kháng viêm giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây hại và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm lan rộng. Vì thế, nên súc miệng bằng nước muối hàng ngày để giúp cải thiện tình trạng bệnh.
Cần vệ sinh răng miệng ít nhất hai lần mỗi ngày bằng bàn chải mềm và kem đánh răng chứa fluor. Sử dụng chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ răng để làm sạch vùng giữa các răng.
BS. Phan Đình Tùng