Trong 2 ngày 26 và 17/11 tại Vũng Tàu, Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển Thị trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - đã tổ chức hội nghị tập huấn về quy trình điều tra an toàn thực phẩm (ATTP) và thu hồi thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) - nhấn mạnh: "An toàn thực phẩm luôn là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền và người dân. Mặc dù mục tiêu là đảm bảo thực phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng và hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm nhưng ngay cả ở các nước phát triển, sự cố ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra".
Ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế).
Theo ông Long, khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, việc truy xuất nguồn gốc và thu hồi các sản phẩm không an toàn là yêu cầu cấp bách để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, với các trường hợp ngộ độc cấp tính, việc xác định nguyên nhân và xử lý nhanh chóng có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng hơn.
Tuy Việt Nam đã có hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ về quy trình xử lý ngộ độc thực phẩm, nhưng việc thực thi ở một số địa phương còn gặp nhiều hạn chế do thiếu nguồn lực cả về nhân sự và kinh phí.
Ông Long cũng bày tỏ sự vui mừng khi các chuyên gia thanh tra thực phẩm từ Canada tới chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý ATTP cho các cơ quan địa phương, đặc biệt trong việc truy xuất và thu hồi sản phẩm không an toàn.
PGS.TS Đặng Văn Chính – Viện trưởng Viện Y tế Công cộng TPHCM - cho biết: "Trước đây, Việt Nam hiếm khi ghi nhận các ca ngộ độc liên quan đến vi khuẩn Clostridium botulinum. Tuy nhiên, những năm gần đây, các vụ ngộ độc do độc tố botulinum đã gia tăng, điển hình là vụ ngộ độc pate Minh Chay, cá lên men của đồng bào dân tộc… Bên cạnh đó, thời gian gần đây cũng liên tục ghi nhận những vụ ngộ độc thực phẩm lớn như ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai, ngộ độc bánh su kem ở TP Thủ Đức (TPHCM)… khiến người dân rất lo lắng.
PGS.TS Đặng Văn Chính nhận định, ngày càng có nhiều vụ ngộ độc xảy ra là do có sự thay đổi trong quy trình chế biến thực phẩm, làm tăng nguy cơ phát sinh độc tố.
PGS.TS Đặng Văn Chính – Viện trưởng Viện Y tế Công cộng TPHCM.
Viện trưởng Viện Y tế Công cộng TPHCM nhấn mạnh, khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, cần ưu tiên kiểm soát nhanh chóng để ngăn ngừa tác động ngay lập tức. Đồng thời, xác định nguyên nhân, nhóm nguy cơ và thực phẩm nhiễm độc để hạn chế nguy cơ lặp lại trong tương lai.
Ông Đỗ Thành Lâm - Giám đốc dự án Safegro - chia sẻ: Dự án này hướng tới nâng cao phúc lợi của người Việt, giúp người dân tiếp cận thực phẩm an toàn; nâng cao năng lực quản lý ATTP tại địa phương. Đồng thời, cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng; tăng nhận thức và thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân đối với các thực phẩm sạch, an toàn.
Hội nghị là bước tiến quan trọng trong việc phối hợp nâng cao năng lực quản lý an toàn thực phẩm, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và thúc đẩy phát triển thị trường thực phẩm an toàn tại Việt Nam.
Buổi tập huấn thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu từ các Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Sở Công Thương của hơn 30 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ, cùng các viện, trường và trung tâm nghiên cứu vùng.
Phạm Thương