Cảnh báo căn bệnh quen thuộc sau cái chết của Từ Hy Viên

Cảnh báo căn bệnh quen thuộc sau cái chết của Từ Hy Viên
17 phút trướcBài gốc
Công chúng bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của Từ Hy Viên. Ảnh: Vogue.
Showbiz châu Á chấn động trước thông tin nữ diễn viên Từ Hy Viên qua đời ở Nhật Bản vì nhiễm cúm mùa và viêm phổi nặng. Theo Next Apple , minh tinh Vườn Sao Băng hoàn toàn khỏe mạnh khi cùng gia đình sang Nhật Bản du lịch.
Từ Hy Viên có tiền sử bệnh tim và từng bị động kinh, từng phải điều trị tại bệnh viên do lên cơn co giật. Cái chết đột ngột vì biến chứng cúm của cô làm dấy lên lo ngại về sự nguy hiểm của căn bệnh mà nhiều người Việt vẫn coi là "cảm vặt".
Cúm vẫn là căn bệnh người Việt "coi thường"
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, cho biết thực tế, rất nhiều người nước ngoài tử vong vì cúm mùa hàng năm. Ở Việt Nam, dường như còn ít trường hợp không qua khỏi vì cúm nên người dân vẫn coi thường căn bệnh này.
"Mỗi năm, thế giới có khoảng 1 tỷ ca mắc cúm, 3-5 triệu ca diễn biến nặng và 400-700.000 trường hợp tử vong", bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho hay.
Cúm mùa (chủ yếu cúm A và cúm B) gây suy giảm sức đề kháng và hệ thống miễn dịch. Người bệnh có thể tử vong bởi một số lý do như biến chứng viêm phổi do virus, gây suy hô hấp, dùng kháng sinh không tác dụng; viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn gây suy hô hấp; nhiễm khuẩn huyết viêm cơ tim.
"Đặc biệt, người bị cúm mùa biến chứng có thể xuất hiện tăng tình trạng viêm, gây hội chứng tăng đông, dễ hình thành cục máu đông. Do vậy, người có bệnh nền như đái đường, hen phế quản, COPD, bệnh tim mạch... nhiễm cúm mùa làm tăng gấp 5-6 lần nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ não, tắc mạch phổi", bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.
Cúm mùa không đơn thuần là bệnh "vặt" như nhiều người vẫn nghĩ. Ảnh: Duy Hiệu.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho rằng trường hợp của Từ Hy Viên là minh chứng rõ nét cho sự nguy hiểm của cúm mùa.
"Một người có tiền sử bệnh tim mạch, động kinh và từng nhiều lần nhập viện vì biến chứng sức khỏe, điều này khiến cơ thể bệnh nhân dễ bị virus tấn công và không đủ sức chống chọi khi bệnh trở nặng", bác sĩ Thiệu phân tích.
Theo ông, cúm mùa không đơn thuần là bệnh "vặt" như nhiều người vẫn nghĩ. Những người có hệ miễn dịch yếu, bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, phụ nữ mang thai có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng hơn nhiều lần.
Các triệu chứng phổ biến của cúm bao gồm đau đầu, sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp và nói chung là cảm giác khó chịu. Bệnh cúm thường nặng hơn cảm lạnh đơn thuần mặc dù bệnh cũng có thể nhẹ.
"Mức độ nghiêm trọng của bệnh từ các triệu chứng nhẹ đến viêm phổi nặng, viêm não và nhiễm trùng toàn thân, có thể đe dọa tính mạng", bác sĩ Thiệu nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cho hay biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra do bản thân virus cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn/virus khác xảy ra sau nhiễm cúm, làm suy yếu khả năng phòng vệ của cơ thể.
Dấu hiệu cần nhập viện ngay khi mắc cúm
TS.BS Phạm Thị Thuận, Phụ trách Chủ nhiệm khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho hay người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm mùa hoặc sống tại khu vực có bệnh cúm lưu hành có nguy cơ mắc bệnh cao. Các triệu chứng bệnh thường xuất hiện sau 1- 4 ngày (trung bình 2 ngày) sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm (thời gian ủ bệnh).
Các triệu chứng ban đầu điển hình có thể là sốt, nhức đầu, chóng mặt, đau nhức cơ bắp, ăn không ngon, mệt mỏi, có thế xuất hiện triệu chứng tiêu chảy... Triệu chứng bệnh có thể thuyên giảm trong vòng 5-7 ngày, tuy nhiên ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài hơn trong vòng một hoặc hai tuần.
TS.BS Phạm Thị Thuận thăm khám cho trẻ. Ảnh: BVCC.
Tuy nhiên, người dân cần theo dõi những dấu hiệu như:
Sốt cao liên tục không hạ
Khó thở hoặc thở nhanh
Đau ngực
Huyết áp tụt
Nôn nhiều
Co giật
Lơ mơ, không ăn uống được
Bú kém hoặc không bú (ở trẻ em)
SpO2 hạ dưới 95%
Những trường hợp này được đến khám tại bệnh viện ngay để tránh biến chứng nặng của bệnh như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não hoặc suy các tạng, nguy cơ tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng bệnh cúm mùa, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần hiện tốt các biện pháp sau:
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; tránh tập trung nơi đông người khi có dịch xảy ra.
Giữ ấm cơ thể (khi trời lạnh), ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
Tiêm vaccine cúm mùa, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất. Trẻ từ 6 tháng trở lên có thể tiêm phòng cúm mùa mũi đầu tiên, mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất ít nhất 1 tháng. Sau đó, tiêm nhắc lại 1 mũi định kỳ hàng năm do chủng cúm mùa thay đổi theo từng năm.
Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Cách ly người bệnh ở buồng riêng.
Dự phòng bằng thuốc: Có thể điều trị dự phòng bằng thuốc kháng vi rút Oseltamivir (Tamiflu) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng có tiếp xúc với người bệnh được chẩn đoán xác định cúm (theo chỉ định của bác sĩ).
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Phương Anh
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/nguyen-nhan-khien-tu-hy-vien-qua-doi-van-bi-xem-la-benh-vat-post1529093.html