Áp thấp phía Tây mở rộng gây nắng nóng
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 3 ngày tới (28/7-30/7), áp thấp phía tây mở rộng, thời tiết thủ đô Hà Nội và khu vực lân cận nhiệt độ tăng dần, trời nắng nóng. Mức nhiệt cao nhất xu hướng tăng từ 35-37 độ C, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 25-28 độ C, độ ẩm thấp nhất 55-60%.
Dự báo từ mai (29/7) đến 1/8, miền Bắc tiếp tục có nắng nóng diện rộng và gay gắt, ít khả năng xảy ra mưa lớn diện rộng. Tuy nhiên, cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ có thể xuất hiện các cơn dông nhiệt vào chiều tối những ngày nắng nóng, thường gây mưa dữ dội kèm lốc sét, gió giật mạnh. Các cơn dông nhiệt này chỉ có thể dự báo trước 45 phút đến 1 giờ đồng hồ.
Áp thấp nóng phía Tây mở rộng khiến nắng nóng ở miền Bắc lan rộng.
Dự báo ngày mai (29/7), nắng nóng mở rộng ra các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực phía đông các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, nhiều nơi nắng nóng gay gắt trên 37 độ.
Về tình hình nắng nóng, theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, những ngày tới khu vực Bắc Bộ (ngoại trừ Lai Châu, Điện Biên) có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ cao nhất phổ biến trong đợt nắng nóng này khoảng 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Ông Hưởng cho biết, ngày 29/7, nắng nóng có xu hướng mở rộng ra Trung Bộ. Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực phía Đông các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55 - 60%. Thời gian nắng nóng kéo dài từ 11 - 16 giờ.
"Nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 31/7 - 1/8. Trong khi đó, nắng nóng ở khu vực Trung Bộ có khả năng kéo dài nhiều ngày" - ông Hưởng nhận định.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng là cấp 1.
Các chuyên gia nhận định, nhiệt độ cao kết hợp với độ ẩm thấp khiến thời tiết trở nên khá oi bức và khó chịu, đặc biệt vào buổi trưa và đầu giờ chiều. Người dân được khuyến cáo hạn chế ra đường vào giờ cao điểm nắng và bổ sung đủ nước để tránh sốc nhiệt.
Do ảnh hưởng của nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ cao xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Cơ quan khí tượng lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.
Trước đó, từ đầu năm 2025 đến nay, đã xuất hiện 7 đợt nắng nóng diện rộng xảy ra tại Bắc Bộ, Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Mưa bão dồn dập trong những tháng tới
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cho biết tình trạng thời tiết dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới khi mưa bão xuất hiện thường xuyên hơn trên Biển Đông, gây ra các đợt mưa lớn trên đất liền Việt Nam. Xen giữa những đợt mưa lớn, miền Bắc và miền Trung sẽ có một số đợt nắng nóng.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong những năm tác động của El Nino mạnh hay La Nina mạnh có thể làm cho biến động của cơn bão trở nên bất thường. Tuy nhiên, chúng tôi cảnh báo rằng năm nay mặc dù không phải là năm El Nino mạnh hay La Nina mạnh thì diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới vẫn phức tạp, cần lưu ý và đề phòng.
Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới năm nay xấp xỉ trung bình nhiều năm, cả mùa dao động trong khoảng 11 - 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và trong đó có khoảng 5 - 6 cơn tác động trực tiếp đến đất liền nước ta.
"Chúng tôi cũng không loại trừ khả năng có thể xuất hiện các cơn bão mạnh và rất mạnh (tức sức gió trên cấp 12) trong mùa bão năm nay. Đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, nhiều yếu tố bất lợi làm hoạt động của bão tăng cường độ đột ngột thường xuyên hơn", ông Mai Văn Khiêm cho biết.
Cơ quan khí tượng cho biết, hiện tượng ENSO tiếp tục trong điều kiện trung tính, với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương ở mức tương đương so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 8 - 10, ENSO có khả năng duy trì trạng thái trung tính với xác suất từ 70 - 90%.
Từ nay đến tháng 10, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện đến 7 cơn bão (áp thấp nhiệt đới). Trong đó, có khoảng 3 cơn đổ bộ vào đất liền nước ta. Các đợt bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa tây nam hoạt động mạnh gây gió lớn, sóng to ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền trên biển. Số lượng các cơn bão này tương đương với trung bình nhiều năm. Do ảnh hưởng của bão kéo theo khả năng gây ra các đợt mưa vừa, mưa to xuất hiện ở các khu vực trên cả nước.
Dù mưa bão xuất hiện thường xuyên nhưng trong tháng 8, tiếp tục xuất hiện một số đợt nắng nóng, chủ yếu tại khu vực Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Huế và duyên hải nam Trung bộ; số ngày nắng nóng có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tô Hội