Nguyên nhân nhiều nhân viên muốn nghỉ việc

Nguyên nhân nhiều nhân viên muốn nghỉ việc
15 giờ trướcBài gốc
Công việc quá tải, lương thưởng không như ý khiến nhiều nhân viên muốn nghỉ việc. Ảnh minh họa: V.T.
Ba năm trước, trong quá trình tìm kiếm giám đốc đầu tư cho một tập đoàn tài chính, một ứng cử viên đặc biệt tên là Lưu Soái đã khiến tôi chú ý. Trong câu lạc bộ Lan rất lãng mạn ở Bắc Kinh, chúng tôi bắt đầu một cuộc trò chuyện.
“Nơi làm việc rất ổn, tại sao cậu lại xem xét đến việc rời đi?”, tôi tò mò hỏi tài năng trẻ ấy.
“Nơi làm việc đúng là ổn, tôi có cơ hội tham gia rất nhiều hạng mục lớn. Tôi cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ để tích lũy chuyên môn cá nhân. Nhưng cô biết không, thù lao và tiền thưởng của tôi thực sự khác xa mức trung bình của thị trường! Tiền thưởng cuối năm vừa rồi của tôi chỉ có 10.000 NDT!”
“Thật không công bằng. Mức lương của cậu thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thị trường. Chi phí sinh hoạt ở Bắc Kinh quá cao, những năm gần đây đúng là không dễ dàng. Nhưng cậu còn quá trẻ, mới hơn 20 tuổi, trước hết đừng lấy tiền lương là vấn đề trọng tâm để xem xét việc đi hay ở.
Công ty này mang đến cho cậu cơ hội và tài nguyên mà những nơi khác khó có được. Tôi khuyên cậu tốt nhất hãy làm việc khoảng ba hay năm năm ở đây, rồi suy nghĩ bước phát triển tiếp theo. Làm việc gì cũng có lợi ích và tổn thất!”
“Tôi đã đi làm ba năm rồi, luôn luôn tận tâm với công việc. Mỗi năm, tôi đều vượt chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ. Cấp trên lần nào cũng nói tăng lương cho tôi. Năm nay cũng coi là tăng rồi, nhưng tôi nhìn lại thẻ lương, chỉ tăng có 3%!”
“Lúc đó, tôi đặc biệt muốn làm việc ở công ty này, vậy nên không có bất cứ yêu cầu gì về mức lương. Nay đã làm việc ba năm, so sánh với các đồng nghiệp của tôi, lương cơ bản thấp hơn không phải chỉ một chút ít, mà cách nhau quá xa!”
“Lương cơ bản của công ty chúng tôi thấp nhưng tiền thưởng lại khá cao. Vài năm trước, thu nhập của tôi rất ổn. Nhưng bắt đầu từ năm ngoái, ngành này đã xuống dốc, chỉ lấy được một khoản tiền thưởng rất nhỏ. Vì thế bây giờ, tôi nên xem xét, tìm kiếm cơ hội từ các thị trường bên ngoài!”
Sau khi xem xét kỹ lưỡng và tự cân bằng, Lưu Soái đã từ bỏ ý tưởng ngay lập tức nhảy việc. Cậu đã lựa chọn kiên định, không ngừng nâng cao năng lực và rèn luyện bản thân. Sau mấy năm tích lũy và nỗ lực, cậu đã thăng tiến rất nhanh. Mức lương cũng đã được cải thiện.
Thu nhập cao chưa hẳn là yếu tố quyết định trong công việc, quan trọng hơn là một công việc có giá trị gia tăng cao. Giá trị gia tăng cao này thể hiện ở chỗ: có thể cải thiện tình hình của bạn, mở rộng tầm nhìn của bạn hoặc có một người cố vấn dẫn đường để bạn nhanh chóng và thuận lợi phát triển. Nhất định đừng bị bịt mắt bởi những lợi ích trước mắt, chốn công sở cần những người chạy đường dài!
Lương cơ bản quá thấp sẽ gây bất lợi cho việc phát triển cấp quản lý. Nếu giá trị gia tăng của một công ty không đủ cao, bạn nên lên kế hoạch trước. Mức lương chính là một tiêu chí quan trọng để đo lường giá trị công ty. Mức lương như vậy sẽ khó được đem ra thảo luận trong phỏng vấn khi bạn nhảy việc. Rất có khả năng bạn sẽ bị các nhà tuyển dụng gây áp lực. Đây là thực tế trần trụi mà tôi đã chứng kiến trong những năm qua.
Từ bỏ môi trường làm việc với mức lương cơ bản thấp càng sớm càng tốt. Từ quan điểm của các doanh nghiệp và nhà tuyển dụng, các ưu đãi hợp lý có thể giữ được những tài năng xuất chúng. Đây là vấn đề mà từ những người sáng lập đến cấp trung và cấp cao đều cần chú ý.
Vương Xảo Lâm/ Bách Việt Books & NXB Công thương
Nguồn Znews : https://znews.vn/nguyen-nhan-nhieu-nhan-vien-muon-nghi-viec-post1550452.html