Nhiễm trùng là một tình trạng phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhiễm trùng có thể gây những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.
Thế nào gọi là bị nhiễm trùng?
Nhiễm trùng là tình trạng cơ thể bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng, dẫn đến phản ứng viêm và tổn thương mô. Khi các mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hóa hay các vết thương, tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm hoặc qua các con đường khác, chúng có thể nhân lên nhanh chóng và gây rối loạn chức năng của các cơ quan và hệ thống trong cơ thể.
Nhiễm trùng là tình trạng viêm nhiễm do sự xâm nhập và tấn công của các vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng.
Nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Một số tình trạng nhiễm trùng có thể tự khỏi với hệ miễn dịch khỏe mạnh, trong khi một số người có hệ miễn dịch yếu có thể cần can thiệp điều trị y tế chuyên sâu.
Biểu hiện khi cơ thể bị nhiễm trùng
Khi bị nhiễm trùng, cơ thể thường phản ứng bằng cách phát ra những triệu chứng đặc trưng với một số dấu hiệu phổ biến:
Sốt và ớn lạnh.
Cảm giác đau nhức, đặc biệt là ở các khớp và cơ bắp.
Cơ thể cảm giác mệt mỏi, uể oải.
Vùng da bị nhiễm trùng có thể sưng lên và trở nên đỏ, đặc biệt là khi nhiễm trùng xảy ra ở da hoặc các mô mềm.
Ho và hắt hơi.
Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy.
Đau đầu hoặc đau họng: Nhiễm trùng cũng có thể gây ra các cơn đau đầu hoặc đau họng, tùy thuộc vào vùng bị ảnh hưởng.
Khi nhiễm trùng không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí đe dọa tính mạng. Đó là: mất nước, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết.
Nguyên nhân yếu tố nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng
Những người có hệ miễn dịch suy yếu do bệnh lý như HIV/AIDS, ung thư hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch dễ bị nhiễm trùng hơn.
Người cao tuổi và trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
Những người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim hoặc bệnh phổi mãn tính…
Căng thẳng kéo dài và chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng
Hút thuốc lá và tiêu thụ rượu bia quá mức có thể làm giảm khả năng phòng vệ của cơ thể, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.
Sống trong điều kiện thiếu vệ sinh, đông đúc hoặc không có tiếp cận với nguồn nước sạch có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.
Khi mang thai, hệ miễn dịch của mẹ bầu sẽ giảm xuống, làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
Những người làm việc trong môi trường y tế hoặc tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân có nguy cơ cao hơn .
Nguyên nhân nhiễm trùng thường do virus, vi khuẩn, nâm, ký sinh trùng, prion gây ra.
Việc chẩn đoán chính xác loại nhiễm trùng là điều vô cùng quan trọng để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.
Xét nghiệm chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng hiệu quả
Việc chẩn đoán chính xác loại nhiễm trùng là điều vô cùng quan trọng để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Việc chẩn đoán nhiễm trùng thường bắt đầu bằng việc khám lâm sàng kỹ lưỡng. Bác sĩ sẽ dựa vào những triệu chứng các xét nghiệm máu, nước tiểu, phân, đờm, các hình ảnh chụp X-quang, CT, MRI , sinh thiết, tiền sử bệnh và kết quả khám thực thể để đưa ra những nghi ngờ ban đầu để đưa ra những phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao nhất.
Điều trị nhiễm trùng phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra chúng. Đối với các bệnh nhiễm virus, phương pháp điều trị thường tập trung vào việc giảm nhẹ triệu chứng cho đến khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tự xử lý tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, một số bệnh nhiễm virus có thể được điều trị bằng thuốc kháng virus.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để bảo vệ sức khỏe và giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng.
Tiêm vaccine
Tiêm phòng vaccine là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm. Đối với trẻ em, việc tiêm phòng cần được thực hiện theo lịch trình từ khi mới sinh cho đến khi trưởng thành và già đi. Tiêm chủng là hành trình trọn đời, bao gồm các loại vắc xin quan trọng như vắc xin phòng bệnh sởi, quai bị, rubella, bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, viêm màng não, viêm não Nhật Bản,…
Đối với người trưởng thành, người lớn tuổi cũng cần tiêm phòng định kỳ các loại vaccine như cúm, viêm phổi, viêm gan và các loại vaccine theo khuyến cáo, hướng dẫn của bác sĩ.
Thay đổi thói quen sinh hoạt và ăn uống
Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi tiếp xúc với các bề mặt công cộng.
Che miệng khi ho hoặc hắt hơi giúp ngăn ngừa sự phát tán của vi khuẩn và virus vào không khí và bảo vệ người xung quanh.
Đảm bảo làm sạch và khử trùng các đồ dùng cá nhân.
Ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc để cung cấp đủ vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa cho cơ thể.
Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
Thực hiện các hoạt động thể chất thường xuyên như đi bộ, chạy, bơi lội hoặc tập yoga.
Thực hiện khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và nhận được tư vấn kịp thời để phòng ngừa.
Bs. Hoàng Minh Thái