Nguyên Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Nhân: 'Mong muốn ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam vươn xa'

Nguyên Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Nhân: 'Mong muốn ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam vươn xa'
4 giờ trướcBài gốc
Ông Nguyễn Văn Nhân. Ảnh: Phương Trang
Phóng viên: Nói đến công nghiệp, ai cũng nghĩ đến nhà máy và đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề. Vậy xin ông cho biết, công nghiệp văn hóa là gì và có điểm khác gì với công nghiệp truyền thống?
Ông Nguyễn Văn Nhân: Nói đến khái niệm về công nghiệp văn hóa, một số nước như nước Anh người ta gọi là công nghiệp sáng tạo (Creative Industries), nhưng gần đây nhất là sau khi UNESCO đưa ra khái niệm công nghiệp văn hóa thì người ta thường dùng cụm từ chung đó là công nghiệp văn hóa.
Công nghiệp văn hóa trước đây là những sản phẩm từ các làng nghề nhỏ, lẻ hay những người làm công tác văn hóa mang tính chất gia đình. Nhưng bây giờ người ta gom lại từ khái niệm hợp tác xã, sau đó là cả một tổ hợp, cả một làng nghề rồi cả một khu vực. Công nghiệp văn hóa giờ đây được coi là một ngành công nghiệp chính thức, bao gồm 12 lĩnh vực, và đóng góp lớn vào đời sống xã hội, chẳng hạn như kiến trúc, điện ảnh... Đây là một ngành công nghiệp "không khói", hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, ví dụ như trong ngành du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, nếu không cẩn thận, có thể gây ô nhiễm môi trường.
Khái niệm công nghiệp văn hóa có tính chất là làm ra nhiều sản phẩm, ta gọi là “sáng tạo văn hóa” để cho nhiều người hưởng thụ. Bởi khi xã hội phát triển, nhu cầu của con người ngày càng cao, họ không chỉ dừng lại ở những giá trị vật chất cơ bản mà còn hướng đến những giá trị tinh thần phong phú và đa dạng. Chính vì vậy, công nghiệp văn hóa không chỉ đơn thuần là việc tạo ra các sản phẩm văn hóa số lượng lớn, mà còn là quá trình liên tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức biểu đạt, nội dung và phương thức tiếp cận để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao đó. Đặc biệt, sức sáng tạo của con người là vô hạn và công nghiệp văn hóa không giới hạn một ai cả, ai cũng có thể tham gia trong lĩnh vực này được.
Phóng viên: Ông có đánh giá như thế nào về sự phát triển của công nghiệp văn hóa tại Việt Nam trong những năm qua từ khi chính thức có Chiến lược Quốc gia về công nghiệp văn hóa?
Ông Nguyễn Văn Nhân: Vào những năm 2000, công nghiệp văn hóa còn ở giai đoạn sơ khai, rất ít lãnh đạo trong nước hiểu rõ về khái niệm này. Nhiều người cho rằng “đã làm văn hóa thì phải mang tính chất tinh thần chứ làm sao sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội được”. Thế nhưng đi nhiều nước, đặc biệt là các nước Tây Âu, bên cạnh ta ở Châu Á thì có Nhật Bản hay Hàn Quốc, Trung Quốc... người ta sử dụng công nghiệp văn hóa là một "quyền lực mềm", tạo ra của cải vật chất rất lớn. Qua quá trình học hỏi và trau dồi kiến thức, có thể nói hiện nay Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng việc phát triển ngành Công nghiệp văn hóa và đã xác định đây là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong Nghị quyết Đại hội lần thứ 13. Chính phủ cũng đề ra các chiến lược cho năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Hiện nay trung bình công nghiệp văn hóa được khoảng trên dưới 4% GDP nhưng con số đấy vẫn là khiêm tốn. Bởi Việt Nam là một quốc gia có bề dày lịch sử hơn bốn ngàn năm, với nguồn lao động trẻ, sức sáng tạo dồi dào và nhiều tài năng trong các lĩnh vực như hội họa, kiến trúc, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn...
Đặc biệt, nhà nước đã chú trọng đến du lịch văn hóa, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân trong nước. Chúng ta còn sở hữu một kho tàng di sản văn hóa quý báu, bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn là một điểm đến ít được biết đến.
Là người làm trong lĩnh vực văn hóa và đã có dịp đến nhiều quốc gia trên thế giới, tôi đã đưa rất nhiều đoàn nghệ thuật Việt Nam đi biểu diễn ở các quốc gia khác, và nhiều người vẫn ngạc nhiên. Thậm chí, ở những vùng xa xôi ở Châu Mỹ, họ vẫn nghĩ Việt Nam là một đất nước còn chiến tranh. Khi các đoàn nghệ thuật của chúng ta biểu diễn giới thiệu những nhạc cụ dân tộc như chiếc đàn bầu thì họ rất thích. Vì vậy, có thể nói rằng sức mạnh mềm của chúng ta là vô hạn, nhưng việc triển khai nghị quyết của Đảng và các chiến lược, chủ trương của Nhà nước, tạo ra hành lang để người dân tham gia và phát huy sức mạnh của toàn dân, đó mới là điều khó.
Tôi nghĩ rằng trong nền kinh tế thị trường người ta đều tính đến việc làm sao để có lợi nhuận, làm sao phải có lời, đó là thực tế cuộc sống. Một họa sĩ vẽ tranh mà không bán được, hay một tác phẩm nghệ thuật, ca nhạc biểu diễn không có người xem, thì họ sẽ không thể tiếp tục sáng tạo. Cho nên tôi cũng rất mừng trong những năm gần đây, khái niệm công nghiệp văn hóa đã được quan tâm và dần dần được rất nhiều bạn trẻ để ý và chú trọng phát triển.
Điển hình, Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch có đề cập và nhấn mạnh đến 2 buổi biểu diễn "Anh trai vượt ngàn chông gai" và "Anh trai say hi” đã thu hút hàng ngàn khán giả. Sự thu hút đông đảo như vậy chính là minh chứng cho tính đại chúng, và đó chính là công nghiệp văn hóa.
Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, hành lang pháp lý của chúng ta có rồi, cũng như chúng tôi từng nói “Nó giống như cái xa lộ trên đường đi, điều chúng ta cần làm là tìm cách thu hút càng nhiều những người tham gia giao thông”. Bây giờ việc cần làm là làm sao thu hút được càng nhiều người tham gia vào lĩnh vực văn hóa càng tốt.
Rất nhiều hội thảo, rất nhiều cuộc họp cũng đã nói rồi nhưng mà tôi nghĩ rằng việc phát triển công nghiệp văn hóa vẫn chưa xứng được với tiềm năng của Việt Nam. Cho nên tôi rất mong trong thời gian tới sẽ tiếp tục trên sự phát triển này để làm sao chúng ta phấn đấu 2030 con số đạt 7% GDP và tiến xa hơn nữa đến năm 2045 có thể đạt được trên 10% GDP để sao cho sức mạnh mềm có thể đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước, giúp chúng ta từ một đất nước hiện nay đang phát triển có thu nhập trung bình cao rồi sẽ cố gắng để theo như Nghị quyết của Đảng đến năm 2045 chúng ta sẽ trở thành một đất nước phát triển có thu nhập cao trên thế giới.
Phóng viên: Nói đến công nghiệp văn hóa, ngoài sự chuyên nghiệp của các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thì còn phải nói đến đội ngũ nhà đầu tư và bán hàng chuyên nghiệp. Ông nghĩ gì về những đội ngũ này? Cũng như đội ngũ này cần phải làm gì để phát triển ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam?
Ông Nguyễn Văn Nhân. Ảnh: Thanh Yến
Ông Nguyễn Văn Nhân: Làm việc gì chúng ta đều cần phải tính đến yếu tố thị trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam, điều này vẫn còn yếu, đặc biệt là công tác khảo sát thị trường. Thực tế là một bộ phận lớp trẻ hiện nay và nhiều khán giả thường ưa chuộng các bộ phim của Hàn Quốc, bởi vì quốc gia này không chỉ sản xuất phim mà còn chú trọng đến việc nghiên cứu thị trường và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khán giả.
Công tác điều tra dư luận và khán giả là một yếu tố mà chúng ta còn thiếu sót và cần phải tiếp tục đầu tư, không chỉ về vật chất mà đầu tư cả về con người. Khi học ở bên Anh, tôi rất tâm đắc với câu nói của thầy mình, rằng “dù kĩ thuật, khoa học có phát triển đến đâu thế nhưng đến cuối cùng vẫn phải là con người quyết định”. Cho nên đào tạo con người trong lĩnh vực này, làm sao để sản phẩm văn hóa nó đến thị trường, chúng ta phải xem thị trường cần gì và lúc đó đội ngũ sáng tác mới tìm hiểu để tìm ra hướng đi phù hợp.
Ví dụ, dù tôi không thích nhạc Rap, nhưng thể loại này lại rất thịnh hành và phù hợp với giới trẻ, trong khi đó, các thế hệ lớn tuổi có thể lại yêu thích những điệu quan họ, chèo... Vì vậy, rất cần có một đội ngũ chuyên trách về Marketing.
Phóng viên: Theo ông, các trường đại học về kinh tế - thương mại cần tham gia như thế nào trong tổng thể chung của công nghiệp văn hóa Việt Nam?
Ông Nguyễn Văn Nhân: Tôi nghĩ rằng, đặc biệt đối với các trường đại học, nhất là những trường đào tạo về kinh tế và thương mại, cần chú trọng giảng dạy bộ môn Marketing - là một môn khoa học nghiên cứu về tâm lý và nhu cầu của con người, tìm hiểu những cái người ta cần. Điều quan trọng là làm sao để kết nối con người với con người, vì thực chất, sản phẩm văn hóa cũng là một loại hàng hóa, và mục tiêu cuối cùng là giúp người dân tiếp cận và thưởng thức chúng một cách tốt nhất.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Anh Thy - Thanh Yến - Phương Trang (Thực hiện)
Nguồn VHPT : https://vanhoavaphattrien.vn/ong-nguyen-van-nhan-nguyen-pho-cuc-truong-cuc-htqt-bo-vhttdl-mong-muon-nganh-cong-nghiep-van-hoa-cua-viet-nam-vuon-xa-a27750.html