Khi làm việc nhóm, các thành viên cần có sự tương tác và thấu hiểu lẫn nhau. Ảnh minh họa: S.P.
Vài năm trước, tôi có dịp ăn trưa với một người bạn làm bác sĩ cấp cứu tại bệnh viện địa phương. Chúng tôi thưởng thức bánh tortilla [1] và salsa [2] trong một không gian riêng biệt, yên tĩnh tại nhà hàng Mexico, nơi cả hai đều yêu thích. Không gian ở đây chủ yếu được trang trí bằng những chiếc mũ rộng vành và các tác phẩm nghệ thuật Tây Ban Nha rực rỡ.
Bao quanh chúng tôi là những âm thanh dịu dàng phát ra từ một bài hát nào đó. Đúng là một bữa trưa hoàn hảo!
Tôi đã hỏi anh ấy một câu hỏi đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của bản thân về cách làm việc nhóm: Trong phòng cấp cứu, mọi người sẽ phối hợp với nhau như thế nào?
Anh đáp: Chúng tôi hiểu rõ nhu cầu của từng người trong đội và biết đâu là cách tốt nhất để hỗ trợ họ. Nếu cả đội tập trung đáp ứng yêu cầu của nhau, chúng tôi sẽ cứu sống được bệnh nhân.
Ngay lúc đó, tôi đã hiểu thế nào là Nhà lãnh đạo phụng sự (hay Nhà lãnh đạo công bộc). Họ là những vị thủ lĩnh luôn nỗ lực hỗ trợ cho người khác trước tiên.
Trong lịch sử thế giới có ghi nhận một số tên tuổi của các nhà sáng lập tôn giáo đã lãnh đạo mọi người theo phong cách này, như Đức Jesus, Nhà tiên tri Muhammad, thái tửTất Đạt Đa và thời hiện đại có Mẹ Teresa.
Tuy nhiên, cái khoảnh khắc khi nghe anh bạn thân chia sẻ, tôi bắt đầu nghĩ sâu sắc hơn về khái niệm "tinh thần cống hiến" khi làm việc nhóm.
Nhiều người trong chúng ta thích hỗ trợ cho người thân khi ở nhà, làm tình nguyện trong nhà thờ và cả cho cộng đồng, nhưng ta hiếm khi nhìn thấy thái độ cống hiến tương tự trong đội nhóm. Nếu các thành viên biết chú ý đến nhu cầu của người khác, cả nhóm sẽ gặt hái được nhiều thành quả bất ngờ.
Mức độ quan tâm và tin tưởng trong nhóm sẽ tăng lên đáng kể khi mỗi người trở thành người cống hiến cho đồng đội. Tôi gọi đây là “hiệu ứng cống hiến”.
Tác động tích cực này sẽ xảy ra khi một người bắt đầu tập trung hỗ trợ người khác. Khi làm như thế, họ sẽ yêu quý và quan tâm hơn đến người mà họ đang hỗ trợ.Càng quý mến, quan tâm bao nhiêu, khao khát cống hiến càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Đó là nền tảng vững chắc, thói quen lành mạnh cho quá trình làm việc nhóm và quan trọng hơn cả, là cho cuộc sống!
Tình thương của bố mẹ dành cho con cái là ví dụ điển hình về tinh thần cống hiến. Khi mới lọt lòng, đứa trẻ hoàn toàn lệ thuộc vào cha mẹ. Chúng chưa thể làm gì ngoài việc ăn, ngủ, ợ hơi và “đi” ra tã. Lúc đó các ông bố bà mẹ sẽ chăm con không biết mệt, chẳng chợp mắt được bao nhiêu, tất bật dọn dẹp rồi thay tã.
Tình yêu của bố mẹ dành cho đứa trẻ ngày một sâu sắc hơn, bất kể trẻ đòi hỏi nhiều như thế nào. Tuy nhiên, ý nghĩa của tình thương và tinh thần cống hiến không chỉ dừng lại ở đó. Trong vòng tay nuôi nấng đầy yêu thương, tình cảm của em bé dành cho cha mẹ cũng sâu đậm hơn rất nhiều.
[1] Bánh tortilla: Một loại bánh mì dạng dẹt được làm từ bột bắp hoặc bột mì, có xuất xứ từ Mexico và các nước Nam Mỹ.
[2] Xốt salsa: Một loại xốt trong ẩm thức Mexico, nguyên liệu chính của salsa thường là cà chua, hành tây, ớt và một số gia vị khác.
Michel G.Rogers/ Bách Việt Books & NXB Dân trí