Nguyễn Thị Bình - bản lĩnh Việt Nam trước báo giới phương Tây tại Hội nghị Paris

Nguyễn Thị Bình - bản lĩnh Việt Nam trước báo giới phương Tây tại Hội nghị Paris
7 giờ trướcBài gốc
BPO - Lịch sử đã đi qua sau 50 năm thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam được hoàn toàn độc lập, nhân dân Việt Nam được ấm no, tự do, hạnh phúc, hướng tới một kỷ nguyên phát triển mới của phồn thịnh, rạng ngời. Hôm nay nhìn lại những thắng lợi của 50 năm trước để thấy cả một hành trình đấu tranh anh dũng, kiên cường trên mọi mặt trận của nhân dân Việt Nam, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng với triết lý sáng ngời: Độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Thắng lợi của đại thắng mùa xuân năm 1975 bên cạnh sự chiến đấu anh dũng hy sinh trên mọi chiến trường thì mặt trận ngoại giao là “bà đỡ” làm tỏa sáng, vẻ vang cho những chiến công oanh liệt đó. Đóng góp vào những thành công to lớn trên mặt trận ngoại giao không thể không nói tới đảng viên Nguyễn Thị Bình, một bản lĩnh Việt Nam tại Hội nghị Paris.
Hiệp định Paris ký kết ngày 27-1-1973, trong các điều khoản của hiệp định quy định buộc Chính phủ Mỹ phải đàm phán theo điều kiện của ta, chấp nhận rút quân về nước… Đây là những tiền đề cho sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn sau này, từ đó góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi hoàn toàn. Đằng sau những thành công trên mặt trận ngoại giao tại Hiệp định Paris là cả dân tộc Việt Nam, trong đó trực tiếp đóng góp vào kỳ tích ngoại giao mang tên Hiệp định Paris là những tên tuổi như Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Cơ Thạch… và nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - một phụ nữ, biểu tượng của khí chất, nhân phẩm và trí tuệ Việt Nam. Trong hành trình hội nghị, bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc đàm phán kéo dài nhất lịch sử ngoại giao thế giới. Người mà sau này như chính báo giới phương Tây lúc bấy giờ ví von như một “ngọn đuốc sáng soi hồn dân tộc”.
Từ người phụ nữ cầm súng tới nữ chiến sĩ duy nhất tại trung tâm hội nghị
Bà Nguyễn Thị Bình sinh ra trong gia đình và quê hương có truyền thống cách mạng Điện Bàn, Quảng Nam. Ngay từ những năm đầu giành độc lập 1945, bên cạnh là người chị cả chăm lo cho gia đình, bà đã bí mật hoạt động cho Việt Minh trong phong trào học sinh, sinh viên lúc bấy giờ với bí danh là Yến Sa. Sự đóng góp, rèn luyện và trưởng thành của bà được Đảng ghi nhận và kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1948. Từ năm 1951, bà bị thực dân Pháp bắt giam và bị tra khảo tại bót Catinat, giam ở Khám Lớn Sài Gòn rồi Khám Chí Hòa trong 2 năm (1951-1953). Năm 1962, bà được Trung ương Đảng đưa trở lại miền Nam với cái tên mới là Nguyễn Thị Bình, giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Mặt trận Giải phóng, hoạt động ở “mảng đối ngoại”, kiêm Phó Tổng thư ký Hội Phụ nữ giải phóng, trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường miền Nam Việt Nam, tới tận những năm 1968. Hội nghị Paris mở ra, bà là một trong những người đầu tiên tham gia hội nghị, đánh dấu sự thay đổi lớn trong cuộc chiến đấu với kẻ thù, chuyển từ cầm súng sang người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận ngoại giao tại Thủ đô Paris.
Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nước ngoài (Ảnh: En.baoquocte).
Như vậy, có thể thấy ngay từ đầu Nguyễn Thị Châu Sa và sau này là Nguyễn Thị Bình đã sớm giác ngộ cách mạng, đi theo tiếng gọi của non sông, đất nước. Ở bất kỳ nhiệm vụ nào, trên cương vị công tác nào, bà vẫn luôn chủ động, tích cực tham gia nhiều hoạt động, thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong kháng chiến chống Pháp, cũng như chống Mỹ. Sự tham gia đóng góp của bà trong công cuộc kháng chiến đã góp phần làm sáng ngời bản hùng ca yêu nước của thế hệ trẻ thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ với những cái tên như bất diệt cùng non sông đất nước của Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm… Họ sẵn sàng xếp bút nghiên để đáp lại lời sông núi, dâng hiến cuộc sống, thanh xuân, tuổi trẻ của mình để tạo nên mùa xuân của dân tộc. Những đóng góp và sự hy sinh lớn lao của họ đã góp phần vào bản hòa ca khải hoàn của dân tộc Việt Nam bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, đất nước hoàn toàn độc lập, tự do như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
Bản lĩnh Việt Nam trước báo giới phương Tây
Trong cuộc chiến tranh trường kỳ, đầy gian khó ấy, bên cạnh những trận đánh oanh liệt trên chiến trường, mặt trận ngoại giao đã trở thành một chiến tuyến đầy trí tuệ, bản lĩnh và kiên cường. Ở đó, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam giản dị, khiêm nhường bà Nguyễn Thị Bình - Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris đã tỏa sáng như một ngọn đuốc hòa bình, bản lĩnh trước báo giới phương Tây và dư luận quốc tế.
Là người phụ nữ duy nhất trong bàn đàm phán 4 bên, bà Nguyễn Thị Bình không chỉ mang trên vai trọng trách đại diện cho lực lượng cách mạng miền Nam mà còn là biểu tượng của khí chất, nhân phẩm và trí tuệ Việt Nam. Một trong những sự kiện đáng nhớ ở Paris những năm này là cuộc họp báo năm 1971, diễn ra với những căng thẳng và kịch tính của nó khi báo giới phương Tây muốn thử thách trí tuệ, sự quả cảm, kiên định… của bà bằng buổi truyền hình trực tiếp ở 2 đầu Paris và Washington. Tại đây, họ đã tập hợp 20 nhà báo, phần lớn ủng hộ Mỹ, một phần người Pháp thì trung lập. Đứng trước sự kiện này, sau này chính bà chia sẻ lại: “Họ yêu cầu chỉ phỏng vấn bà Bình nhằm mục đích thăm dò xem người phụ nữ này có bản lĩnh thực sự không, có làm việc độc lập được không hay chỉ là một người đến “vâng, dạ” theo sự chỉ đạo của Hà Nội. Tuy nhiên, màn thể hiện của bà Bình thực sự khiến nhiều người “cứng họng”. Bên cạnh những tình huống cùng phái đoàn Việt Nam chuẩn bị trước, bà còn biến hóa linh hoạt, đưa ra những luận điệu đanh thép vạch rõ sự phi lý của Mỹ và nêu cao tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam”.
Bà Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn các nhà báo sau khi dự phiên họp đầu tiên bàn về thủ tục của Hội nghị bốn đoàn tại Paris ngày 18-1-1969 (Ảnh: Tư liệu trong cuốn hồi ký).
Trong khoảng vài tiếng đồng hồ căng thẳng dưới ánh đèn của máy ảnh, cùng cánh phóng viên của báo giới phương Tây, một “ngọn đuốc hòa bình” - Nguyễn Thị Bình đã khẳng định bản lĩnh Việt Nam tại Hội nghị Paris. Bà đã bình tĩnh đối đáp, nhẹ nhàng nhưng cương quyết, mạnh mẽ nhưng hòa nhã, nêu rõ thiện chí muốn tìm giải pháp chính trị, chấm dứt đau khổ của nhân dân và kiên quyết đến cùng vì tự do, độc lập và sự thống nhất thiêng liêng của đất nước với tinh thần: Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập cho dân tộc.
Như chính bà đã chia sẻ trong hồi ký của mình: “Kết thúc họp báo, tôi thở phào vì đã hoàn thành một nhiệm vụ phức tạp. Đồng chí Xuân Thủy điện thoại khen ngợi: “Cô rất dũng cảm”. Nhiều bạn Pháp, nhất là các bạn nữ thì gọi điện hoan hô, coi đây là một thành công quan trọng. Nhiều ngày sau, báo chí còn tiếp tục nói đến sự kiện này”.
Hay như có lần phóng viên nước ngoài cố ý “cài những câu hỏi” hóc búa để kiểm chứng trí tuệ và bản lĩnh của bà như: “Bà có phải là đảng viên cộng sản không?”, thì bà chỉ mỉm cười: “Tôi là người yêu nước, đảng tôi là đảng yêu nước, kiên quyết đấu tranh cho độc lập, tự do của đất nước”. Hoặc báo giới phương Tây hỏi xoáy, mang hàm ý móc mỉa về sự hiện diện của quân đội miền Bắc tại miền Nam, bà đã thẳng thắn, mượn diễn đàn này để khẳng định cho một chân lý, khát vọng của dân tộc Việt Nam trước toàn nhân loại: “Dân tộc Việt Nam là một, người Việt Nam ở Bắc cũng như ở Nam đều có nghĩa vụ chiến đấu chống xâm lược”.
Hoặc như trong tình huống mà nhà báo phương Tây rõ ràng có ác ý với bà thì ngay và trong thời khắc ấy, bà đã bình tĩnh, đối đáp thật đanh thép với họ bằng những lập luận mà chính họ sau này đều nể phục người phụ nữ Việt Nam ấy: “Tên bà là hòa bình nhưng chỉ nói về chiến tranh?”. Bà chia sẻ: “Có thể nói gì khác là lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ và nêu rõ ý nghĩa cuộc chiến đấu của nhân dân ta, vì hòa bình và độc lập, tự do”; “Nhân dân ta không hề muốn chiến tranh, chính thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã buộc nhân dân phải đứng lên tự vệ”.
Bà Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa, cháu gái cụ Phan Châu Trinh, cha là Trưởng ban Công binh Nam Bộ. Năm 1968, bà Bình đại diện cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tham gia đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Suốt gần 5 năm diễn ra cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử thế giới, bà đã tham gia các cuộc họp báo, có sự kiện lên đến 400 nhà báo, trả lời phỏng vấn, tham dự các hội nghị quốc tế với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao, đi khắp các châu lục tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Việt Nam.
Có thể thấy, bằng những lời lẽ đanh thép nhưng đậm chất nhân văn, bà đã thể hiện rõ ràng lập trường chính nghĩa của dân tộc Việt Nam - một dân tộc yêu hòa bình, nhưng quyết không khuất phục trước áp bức, cường quyền. Trước báo giới phương Tây, bà là tiếng nói đầy tự tin, điềm tĩnh, làm bật lên tinh thần tự chủ, độc lập, khát khao hòa bình, thống nhất, là tiếng nói yêu nước sâu sắc của một dân tộc anh hùng. Giữa nơi ngoại giao khắc nghiệt, bà đã giữ vững cốt cách của người phụ nữ Việt Nam kiên trung, nhân hậu, bản lĩnh và đầy trí tuệ.
Những phát ngôn của bà trong các phiên đàm phán tại Paris, những bài trả lời phỏng vấn với báo chí quốc tế, không chỉ mang tầm vóc ngoại giao mà còn là những thông điệp văn hóa, tinh thần, đánh động lương tri của nhân loại tiến bộ. Chính sự bản lĩnh và khéo léo ấy trên diễn đàn hội nghị cũng như diễn đàn báo chí đã góp phần làm nên thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, tạo thế và lực cho chiến trường quân sự giành thắng lợi cuối cùng. Hiệp định Paris được ký kết năm 1973 là cột mốc ngoại giao trọng đại, ghi dấu ấn vai trò đặc biệt của bà Nguyễn Thị Bình trong lịch sử dân tộc.
(còn nữa)
Lê Thạch - Thùy Linh
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/172000/nguyen-thi-binh-ban-linh-viet-nam-truoc-bao-gioi-phuong-tay-tai-hoi-nghi-paris