Nguyễn Trần Bá Toàn – Người Việt trẻ chinh phục ước mơ ngôn ngữ qua học bổng thạc sĩ Manaaki của Chính phủ New Zealand

Nguyễn Trần Bá Toàn – Người Việt trẻ chinh phục ước mơ ngôn ngữ qua học bổng thạc sĩ Manaaki của Chính phủ New Zealand
8 giờ trướcBài gốc
Gieo mầm từ những thước phim hoạt hình, nuôi lớn một tình yêu ngôn ngữ
Từ khi còn nhỏ, Bá Toàn đã có niềm đam mê đặc biệt với tiếng Anh. Không phải từ những lớp học thêm hay giáo trình bài bản, mà từ những chiếc đĩa CD, DVD chiếu phim hoạt hình quốc tế mà Toàn xem đi xem lại mỗi ngày. Dù chưa hiểu được hết nội dung, cậu bé ấy vẫn bập bẹ nhại theo từng câu thoại bằng một thứ tiếng xa lạ nhưng đầy mê hoặc. “Chính những lần lắng nghe và bắt chước vô thức ấy đã giúp mình cảm nhận được sự kỳ diệu của ngôn ngữ, và cũng gieo trong mình một mối duyên sâu nặng với tiếng Anh”, Toàn bộc bạch.
Nguyễn Trần Bá Toàn (sinh năm 2001) tốt nghiệp loại Giỏi ngành Ngôn ngữ Anh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM.
Niềm yêu thích tiếng Anh của Toàn lớn dần theo thời gian, không chỉ để giao tiếp mà còn từ khát khao khám phá cách ngôn ngữ vận hành và ảnh hưởng đến tư duy. Khi đứng trước lựa chọn ngành học, dù từng phân vân giữa kinh tế và biên – phiên dịch, Toàn đã tin vào trực giác và đam mê, quyết định theo học ngành Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM.
Trên hành trình học tập, Toàn nhận ra mong muốn sâu sắc không chỉ là chuyển ngữ, mà là hiểu, giải mã và truyền cảm hứng học ngôn ngữ. Vì thế, Toàn quyết định rẽ hướng, chọn chuyên ngành Ngữ học và Dạy tiếng – lựa chọn ít phổ biến nhưng đúng với đam mê.
Bá Toàn nhận giấy khen trong lễ tuyên dương Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường.
Suốt 4 năm đại học, Bá Toàn luôn giữ vững mục tiêu học tập và tinh thần kỷ luật với chính mình. Một trong những cột mốc mà Toàn xem là đáng nhớ nhất chính là hoàn thành khóa luận tốt nghiệp đạt 9.5 điểm, với đề tài nghiên cứu về ngôn ngữ chính trị – một lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi tư duy phân tích sâu sắc và sự nhạy bén trong cách tiếp cận. Thành tích ấy đã giúp Toàn được trao giấy khen của Hiệu trưởng vì thành tích học tập xuất sắc, và cũng góp phần đưa Toàn đến với giải thưởng trong cuộc thi Nghiên cứu khoa học sinh viên toàn trường.
Một trải nghiệm khác cũng để lại dấu ấn với Toàn là khi cùng nhóm tham gia cuộc thi Nghiên cứu khoa học sinh viên. Đề tài mà nhóm thực hiện có phần phức tạp về phương pháp phân tích định lượng, khiến cả nhóm gặp không ít khó khăn và đôi khi rơi vào trạng thái hoang mang. Nhưng chính những lúc ấy, Bá Toàn đã học được cách đối mặt với áp lực, kiên nhẫn tự học lại từ đầu, chủ động tìm tài liệu và kết nối cùng bạn bè để cùng nhau vượt qua thử thách. Với Toàn, mỗi bước tiến học tập không chỉ là thành quả, mà là hành trình rèn luyện tư duy, bản lĩnh và nuôi dưỡng tình yêu học thuật.
Bá Toàn trong khoảnh khắc ý nghĩa tại lễ tốt nghiệp đại học.
Trưởng thành từ Đoàn – Hội và học bổng giảng dạy số quốc tế
Ngay từ những năm đầu đại học, Bá Toàn đã tích cực tham gia công tác Đoàn – Hội. Từ vị trí Đội phó đội hình tình nguyện cho đến Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn khoa, mỗi cương vị đều là những “lớp học lớn” giúp Toàn rèn luyện kỹ năng tổ chức, quản lý và điều phối hoạt động.
Năm 2023, Bá Toàn tiếp tục ghi dấu ấn khi trở thành một trong những sinh viên Việt Nam nhận được học bổng từ Education New Zealand cho khóa học Digital and Collaborative Teaching and Learning – chương trình đào tạo giảng dạy số và học tập cộng tác trong giáo dục hiện đại. Đó là cơ duyên đến từ quá trình chủ động tìm kiếm cơ hội học tập quốc tế, với mong muốn mở rộng góc nhìn và cập nhật xu hướng giảng dạy hiện đại.
Lễ bế giảng khóa học Chứng chỉ vi mô – chương trình học bổng do Bộ Giáo dục New Zealand tài trợ.
Khóa học không chỉ mang đến cho Toàn kiến thức về công nghệ giáo dục mà còn giúp cậu thay đổi tư duy sư phạm: lấy người học làm trung tâm, khuyến khích tính chủ động và sáng tạo, đồng thời áp dụng phương pháp Agile Education – linh hoạt, thích ứng và liên tục cập nhật.
Chinh phục học bổng Manaaki cùng khát vọng đổi mới phương pháp giáo dục ngôn ngữ
Không dừng lại ở những trải nghiệm trong nước, Bá Toàn tiếp tục hành trình học tập của mình bằng việc chinh phục học bổng Manaaki – một trong những học bổng toàn phần danh giá nhất của Chính phủ New Zealand. Thành tích này không chỉ đến từ năng lực học thuật, mà còn từ một hành trình được định hướng rõ ràng, xuất phát từ khát vọng dùng tri thức toàn cầu để góp phần đổi mới giáo dục tại Việt Nam.
Bá Toàn tham dự buổi Pre-departure briefing.
Ngay sau khi tốt nghiệp, Toàn đã xác lập mục tiêu dài hạn: nghiên cứu và ứng dụng những phương pháp giảng dạy ngôn ngữ hiện đại, phù hợp với bối cảnh giáo dục trong nước. Vì vậy, quá trình chuẩn bị hồ sơ du học không đơn thuần là việc tích lũy thành tích, mà là hành trình xây dựng một câu chuyện thuyết phục – câu chuyện của một người trẻ tin rằng giáo dục chính là con đường kiến tạo tương lai.
Hành trình ấy dẫn Toàn đến với chương trình thạc sĩ Giáo dục – chuyên ngành Giảng dạy và Học Ngôn ngữ tại University of Canterbury ở New Zealand. Tại đây, Toàn tìm thấy sự dung hòa lý tưởng: giữa lý thuyết ngôn ngữ học sâu sắc và thực hành sư phạm hiện đại; giữa tư duy học thuật độc lập và tinh thần hợp tác trong giáo dục; giữa tri thức chuyên môn và triết lý giáo dục đầy tính nhân văn của văn hóa Maori.
Bá Toàn chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Đại sứ New Zealand Ginny Chapman trong buổi Pre-departure briefing.
“Giáo dục với mình không chỉ là dạy chữ, mà là dạy cách hiểu người khác, hiểu chính mình và biết cách đặt câu hỏi với thế giới”, Toàn chia sẻ. Những bài học ấy được nuôi dưỡng mỗi ngày, trong từng buổi học, từng lần đọc tài liệu hay những cuộc trò chuyện với thầy cô và bạn bè đến từ khắp nơi trên thế giới.
“Giáo dục không chỉ là truyền đạt kiến thức – mà còn là cách ta nhìn thế giới, đối thoại với nó và kiến tạo điều mới mẻ cho cộng đồng mình yêu quý”, nam sinh nhấn mạnh. Với Bá Toàn, câu nói ấy không chỉ là kim chỉ nam cho hành trình học tập, mà còn là lời hứa lặng lẽ anh tự nhắn gửi với chính mình từ những ngày đầu bước vào con đường học thuật.
Bá Toàn ghi lại khoảnh khắc đời thường tại New Zealand.
Tại Đại học Canterbury, New Zealand, Bá Toàn được trải nghiệm một môi trường học tập đề cao tính chủ động, phản biện và tự kiến tạo tri thức. Mỗi buổi học không chỉ là một giờ giảng, mà là một hội thảo học thuật nơi sinh viên tham gia vào các cuộc đối thoại trí tuệ, thách thức lập luận, phân tích các giả định và tạo ra những góc nhìn mới.
“Trước mỗi buổi học, mình phải đọc hàng chục trang tài liệu, từ đó nghiệm ra quan điểm cá nhân. Thầy cô không tìm kiếm câu trả lời đúng – họ tìm kiếm lập luận có chiều sâu”, Toàn chia sẻ. Chính trong môi trường này, Toàn đã rèn luyện được tư duy phản biện, khả năng phân tích độc lập và sự linh hoạt trong cách tiếp cận vấn đề. Những lớp học kết hợp văn hóa bản địa, như triết lý Manakitanga của người Maori, càng giúp Toàn nhận ra rằng giáo dục không chỉ là việc truyền đạt tri thức, mà còn là hành trình nuôi dưỡng sự đồng cảm, hiểu biết và tôn trọng.
Bá Toàn với avatar chiến dịch Xuân Tình Nguyện.
Không dừng lại ở tấm bằng thạc sĩ, Bá Toàn đã vạch ra cho mình một lộ trình dài hơi: tiếp tục học lên Tiến sĩ trong lĩnh vực Ngôn ngữ học ứng dụng hoặc Giáo dục ngôn ngữ, đặc biệt là khai phá tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục. Song hành với việc nghiên cứu, anh ấp ủ ước mơ được trở về Việt Nam để đào tạo giáo viên ngôn ngữ thế hệ mới – những người không chỉ giỏi phương pháp mà còn thấm nhuần tinh thần sáng tạo, khai phóng và bản địa hóa trong giáo dục.
“Mình muốn chương trình đào tạo tiếng Anh tại Việt Nam không còn là bản sao cứng nhắc của giáo trình nước ngoài, mà trở thành một hệ sinh thái học tập thực sự dành riêng cho người Việt, trên nền tảng kết hợp giữa lý thuyết ngôn ngữ học và trải nghiệm văn hóa bản địa”, anh nói.
Bá Toàn cùng gia đình lưu giữ kỷ niệm trong ngày tốt nghiệp đại học.
Nam sinh nhắn nhủ: “Mọi người cần đặt ra và trả lời câu hỏi: mình là ai, mình đang ở đâu, thế mạnh của mình là gì và điều gì khiến mình hạnh phúc. Đừng quá lo lắng nếu hiện tại bạn chưa có gì nổi bật. Hãy theo đuổi những gì bạn thực sự đam mê, không ngừng tò mò và học hỏi. Đừng để nỗi sợ thất bại ngăn cản bước chân của mình. Con đường tri thức có thể dài và đầy gian nan, nhưng chỉ cần kiên định, bạn sẽ đến được nơi mình xứng đáng có mặt”.
(Ảnh: NVCC)
Nguyễn Linh Chi
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/nguyen-tran-ba-toan-nguoi-viet-tre-chinh-phuc-uoc-mo-ngon-ngu-qua-hoc-bong-thac-si-manaaki-cua-chinh-phu-new-zealand-post1739306.tpo