Theo báo cáo toàn cảnh thị trường bán lẻ trực tuyến năm 2024 do Metric.vn phát hành, bất chấp đà tăng trưởng doanh số hơn 37% so với năm 2023, đạt 318 nghìn tỉ đồng, số lượng nhà bán phát sinh đơn hàng trên 5 sàn phổ biến tại Việt Nam vẫn giảm tới 20,25%, tương đương 650 nghìn nhà bán.
Nhà bán nhọc nhằn
Làm rõ thêm về bức tranh này, Metric cho biết, trong năm 2024, chỉ tính riêng trên Shopee, nền tảng chiếm phần lớn thị trường kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam, đã có hơn 324 triệu sản phẩm được nhập khẩu, tạo ra hơn 14,2 nghìn tỉ đồng doanh thu. Tốc độ tăng trưởng lần lượt đạt 37,9% và 42,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Các con số trên, cùng với sự hiện diện của 31,5 nghìn nhà bán nước ngoài hiện có trên sàn, đang tạo áp lực cạnh tranh trực tiếp với các shop nội địa trên thị trường bán lẻ trực tuyến", báo cáo chỉ rõ.
Nói với PLO, bà Nguyễn Kiều Trang, chuyên viên phân tích thị trường tại Metric, cho biết dù thương mại điện tử Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng mạnh về doanh số, sự cạnh tranh đang thay đổi rõ rệt, đòi hỏi nhà bán phải có chiến lược bài bản hơn để thích nghi.
Bà Trang cũng chỉ ra, hiện nay nhà bán nội địa đang chịu áp lực từ sự gia tăng nhanh chóng của hàng hóa xuyên biên giới, đặc biệt từ Trung Quốc. Chưa kể, chi phí vận hành trên các sàn cũng ngày một cao, buộc nhà bán phải tính toán kỹ lưỡng hơn trong việc quản lý tài chính và tối ưu hiệu suất bán hàng.
Ở góc độ nhà bán, chị Thanh Đan (TP.HCM), kinh doanh thời trang trên hai sàn TMĐT lớn, đồng tình và cho biết chị cảm nhận rõ ràng những áp lực khi kinh doanh online trong suốt 2 năm qua. Nhất là khi các sàn TMĐT liên tục thay đổi các chính sách về chi phí kinh doanh trên sàn và chính sách đổi trả hàng hóa.
"Nhiều khi sản phẩm gửi đi nguyên vẹn nhưng khách lại tận dụng quyền lợi trả hàng của các sàn để sử dụng sản phẩm rồi mới hoàn hàng trở lại với lý do hàng lỗi, hoặc không còn nhu cầu. Người bán sẽ vừa phải trả tiền cho khách, vừa mất chi phí đóng gói hàng hóa, nhiều khi là mất tiền vận chuyển, lỗ cả hai đầu. Chưa kể, những người kinh doanh thời trang nội địa tự may tự sản xuất như chúng tôi còn gặp áp lực đến từ thời trang nhanh của Trung Quốc", chị Đan chia sẻ.
Cũng theo chị Đan, những áp lực của nhà bán còn đến từ các phiên livestream tỉ đồng, khi mà ở đây các thương hiệu đưa ra mức giảm sâu chạm đáy, khiến người dùng đổ xô mua hàng livestream. Chưa kể, làn sóng hàng giá rẻ ngoại nhập được giao nhanh, miễn phí vận chuyển đang "bành trướng" trên các sàn hiện hữu, cũng đang tạo áp lực vô hình cho nhà bán, khi người tiêu dùng đã có những so sánh về giá cả - dịch vụ.
Trong năm 2024, số lượng hàng ngoại nhập liên tục tăng trưởng, khiến cuộc đua thương mại điện tử trở nên nhọc nhằn hơn với các nhà bán hàng nội địa, nhất là nhà bán hàng nhỏ lẻ.
Thương mại điện tử ngày càng cạnh tranh khi có thêm nhiều nhà bán quốc tế gia nhập thị trường. Ảnh: HẠ QUYÊN
Anh Võ Quốc, kinh doanh các sản phẩm camera trên một sàn thương mại điện tử cho biết, bán hàng trên thương mại điện tử ngày càng khó, hiện nay chi phí kinh doanh nhà bán bỏ ra không còn là chi phí kho xưởng, nhân công, mà còn rất nhiều chi phí khác từ phí sàn, thuế, chạy quảng cáo, phí xử lý hoàn hàng...
"Cộng tất thảy sẽ dao động từ 43 - 50% cho các loại chi phí cần phải chi ra khi kinh doanh trực tuyến. Con số này nếu tính toán không khéo sẽ lỗ về doanh thu, ngay cả khi doanh số bán ra tăng trưởng", ông Quốc nói.
Dẫu vậy, nhìn theo một hướng tích cực, ông Trần Lâm, Giám đốc điều hành của Natural House, lại cho rằng thị trường càng chật chội, càng cạnh tranh thì càng thể hiện năng lực của doanh nghiệp. Ngay cả khi các doanh nghiệp nước ngoài gia nhập Việt Nam, nếu cùng thực hiện những chính sách thuế, phí tương tự nội địa thì cuộc chơi bình đẳng.
"Câu chuyện khó khăn của thị trường không chỉ mới đây. Cái khó này thường diễn ra đối với các nhà bán không có sự chuẩn bị, tính toán tới thuế, phí hay thiếu kinh nghiệm điều chỉnh nhịp thị trường. Do đó, với các nhà bán hàng làm đúng, làm đủ thì thị trường càng chặt chẽ, càng là cơ hội để thể hiện những chiến lược của doanh nghiệp và tìm hướng đi đúng đắn", ông Lâm nói.
Tìm chất riêng để phát triển
Theo đánh giá của bà Kiều Trang, năm 2025 thương mại điện tử vẫn sẽ phát triển, và cũng là thời điểm sàng lọc mạnh mẽ của bán lẻ trực tuyến.
"Thị trường khi không còn dễ vào, dễ thắng, thì người kinh doanh phải biết tìm ra lợi thế riêng của mình. Thời điểm này những nhà bán hàng nào biết cách đầu tư vào thương hiệu, dữ liệu và công nghệ sẽ có cơ hội phát triển bền vững hơn. Một trong những thuận lợi lớn nhất mà các nhà kinh doanh TMĐT tại Việt Nam có thể vui mừng là hành vi mua sắm trực tuyến tiếp tục phổ biến, đặc biệt với những nhóm ngành hàng như làm đẹp, thời trang,... hay đặc biệt là Bách hóa - Thực phẩm, đạt mức tăng trưởng lên đến 76,3% trong năm 2024.
Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng tin tưởng vào TMĐT, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nhà bán, nhất là nội địa, khi chúng ta có lợi thế về chăm sóc khách hàng, hiểu hành vi tiêu dùng", bà Trang nói.
Bên cạnh đó, chuyên gia của Metric cho rằng, các sàn TMĐT cũng đang không ngừng tối ưu hóa hệ sinh thái của mình, giúp nhà bán tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn. Đồng thời, xu hướng tiêu dùng cũng đang dịch chuyển sang các sản phẩm có thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng, tạo cơ hội cho các thương hiệu Việt xây dựng lợi thế cạnh tranh nếu đầu tư đúng hướng.
Ở góc độ nhà bán, ông Trần Lâm cho biết, để đi đường dài, hiện nay thay vì phụ thuộc gia công, Natural House đã đầu tư xây dựng nhà máy, chủ động sản xuất. Đồng thời tập trung vào nguyên liệu thiên nhiên, minh bạch nguồn gốc và quy trình sản xuất chuẩn chỉnh nhằm xây dựng niềm tin với khách hàng.
Nhà sáng lập này cho rằng các thương hiệu kinh doanh hiệu quả không phải là những thương hiệu rẻ nhất, mà là những thương hiệu mang lại giá trị thực cho khách hàng.
Thay vì phụ thuộc gia công, ông Lâm đầu tư nhà máy và vùng nguyên liệu sạch để sản xuất sản phẩm. ẢNH: THU HÀ
Bà Trang cũng gợi ý, trong năm 2025, dựa trên những nghiên cứu về hành vi tiêu dùng, Metric dự báo, người tiêu dùng sẽ tiếp tục bị cuốn hút bởi các sản phẩm tốt cho sức khỏe, sản phẩm xanh - bền vững.
"Nhà bán cũng nên tận dụng mối liên kết giữa cơn sốt mạng xã hội và thương mại điện tử, để chủ động tạo ra các chiến dịch kinh doanh phù hợp", bà Trang gợi ý.
Ở góc độ hiệp hội, ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (Vecom) cũng cho rằng, hiện nay cơ quan quản lý cũng đang từng bước xây dựng Luật chuyên ngành thương mại điện tử, và từ tháng 4 này, các sàn thương mại điện tử sẽ thu thuế thay cho nhà bán. Đây là tín hiệu vui bởi thị trường được quản lý dưới luật sẽ trở nên công bằng cho cả người bán - người mua - nền tảng.
"Nhà nước cũng thể hiện sự cứng rắn trong quản lý đối với các nền tảng xuyên biên giới khi mà Temu, Shein bị buộc ngưng hoạt động tại Việt Nam khi chưa hoàn tất các thủ tục đăng ký. Hay việc nhà nước đã chính thức bãi bỏ việc miễn thuế VAT đối với đơn hàng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng.
Bên cạnh đó, những thay đổi mới về quản lý thuế, khi yêu cầu cá nhân cư trú và không cư trú đều phải kê khai thuế trên sàn thương mại điện tử. Tôi cho rằng đây là bước tiến để quản lý chất lượng hàng hóa, lẫn nhà bán trên môi trường online. Khi càng minh bạch thì kể cả các nhà bán ngoại vào Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh công bằng", ông Minh nói.
Nhà bán hàng cần tìm lợi thế riêng. ẢNH: THU HÀ
Bà Nguyễn Kiều Trang, cũng nhìn nhận, việc xây dựng những thể chế, chính sách dành cho TMĐT là một việc tất yếu nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và bền vững hơn. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa trên sàn, giúp các thương hiệu có uy tín củng cố niềm tin với người tiêu dùng.
Gần đây, các sàn giá rẻ của Trung Quốc như Temu, Shein đang lao đao tại Mỹ bởi chính sách thuế mới của Mỹ và cả EU, điều này dấy lên lo ngại các nền tảng trên sẽ tập trung về thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Ông Nguyễn Bình Minh cho rằng, các nhà bán Việt cần chuẩn bị tâm lý và kịch bản kinh doanh khi có làn sóng mở rộng đầu tư của nhà các nhà bán ngoại. Dù vậy, ông tin rằng chính phủ Việt Nam đang xây dựng các hành lang pháp lý chặt chẽ, quản lý các nền tảng TMĐT xuyên biên giới, để tạo sự công bằng cho doanh nghiệp nội địa.
THU HÀ