Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Trong các thỏa thuận mới đây với Bộ Tư pháp Mỹ, Credit Suisse nhất trí nộp phạt 511 triệu USD và thừa nhận sai phạm vì giúp khách hàng Mỹ giấu tổng cộng hơn 4 tỷ USD với mục đích trốn thuế.
Đáng chú ý, hành vi này của ngân hàng Thụy Sỹ vi phạm một thỏa thuận đã có với nhà chức trách Mỹ cách đây hơn 1 thập kỷ vì lý do tương tự - đồng nghĩa sai phạm vẫn tiếp diễn sau khi Credit Suisse đã nhận tội và cam kết không tái phạm, tờ báo Finacial Times cho hay.
Ngày 5/5, ngân hàng UBS - đơn vị đã mua lại Credit Suisse trong một cuộc giải cứu khẩn cấp vào năm 2023 - cho biết bộ phận có tên Credit Suisse Services sẽ nộp hai khoản tiền phạt với tổng trị giá hơn nửa tỷ USD. Số tiền phạt này bao gồm 372 triệu USD vì giúp khách hàng chuẩn bị tờ khai thuế thu nhập giả mạo, và 139 triệu USD theo một thỏa thuận không truy tố liên quan tới việc khách hàng là người đóng thuế Mỹ trốn thuế thông qua chi nhánh cũ của Credit Suisse ở Singapore.
“UBS không liên quan đến hành vi trên và không khoang nhượng với bất kỳ hành vi trốn thuế nào”, UBS nói trong một tuyên bố. Trên thực tế, hồi năm 2009, UBS cũng có một thỏa thuận trị giá 780 triệu USD với cơ quan công tố Mỹ vì lý do tương tự.
Hiện Credit Suisse đã trở thành một bộ phận có tên Credit Suisse Services thuộc UBS, nên các thỏa thuận giữa Credit Suisse và Bộ Tư pháp Mỹ được ký kết bởi các nhà điều hành của UBS.
Thỏa thuận thứ nhất khép lại cuộc điều tra đã kéo dài nhiều năm của Bộ Tư pháp Mỹ - cơ quan cáo buộc Credit Suisse giúp khách hàng Mỹ che giấu tài sản và thu nhập khỏi Thuế vụ Mỹ (IRS) trong ít nhất 475 tài khoản ở nước ngoài.
Cùng ngày 5/5, Credit Suisse chấp nhận một thỏa thuận khác để tránh bị Mỹ truy tố liên quan tới các tài sản mà ngân hàng này mở ở Singapore cho khách hàng Mỹ để trốn thuế. Tổng tài sản nằm trong các tài khoản duy trì từ năm 2014 đến năm 2023 này là hơn 2 tỷ USD - Bộ Tư pháp Mỹ cho hay.
Đáng nói hơn là các hành vi này vi phạm một thỏa thuận nhận tội vào năm 2014 giữa Credit Suisse với nhà chức trách Mỹ. Năm đó, Credit Susse nhất trí nộp phạt 2,6 tỷ USD - mức phạt cao nhất từ trước đến nay mà Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra trong một vụ án hình sự về thuế - vì giúp người đóng thuế Mỹ là giả hồ sơ thuế.
UBS đã phát hiện ra những tài khoản bí mật mà Credit Suisse mở khách hàng Mỹ ở Singapore sau khi UBS và Credit Suisse sáp nhập. Sau đó, UBS đã báo cáo thông tin này với Bộ Tư pháp Mỹ - các công tố viên liên bang cho biết. Theo các thỏa thuận mới ký, Credit Suisse Services và UBS phải hợp tác với các cuộc điều tra mà Bộ Tư pháp Mỹ đang tiến hành.
Hồi năm 2023, Ủy ban Tài chính thuộc Thượng viện Mỹ phát hiện Credit Suisse đồng lõa giúp khách hàng siêu giàu Mỹ trốn thuế, và không báo cáo số tài sản gần 100 triệu USD trong những tài khoản bí mật ở nước ngoài thuộc về một gia đình Mỹ. Cuộc điều tra của ủy ban này được tiến hành sau khi một số nhân viên cũ của Credit Suisses tiết lộ rằng hoạt động trốn thuế vẫn tiếp tục “sau khi ngân hàng này có thỏa thuận nhận tội và lĩnh án phạt”.
Trước khi ngấp nghé bờ vực sụp đổ vào tháng 3/2023, Credit Suisse đã vướng vào một loạt bê bối, bao gồm một bản án hình sự về việc ngân hàng này cho phép những kẻ buôn ma túy rửa tiền ở Bulgaria; dính líu đến một vụ án tham nhũng ở Mozambique; một vụ bê bối gián điệp liên quan tới một cựu nhân viên và một nhà điều hành; vùng một vụ rò rỉ lớn dữ liệu khách hàng với giới truyền thông. Mối quan hệ của Credit Suise với nhà tài chính Lex Greensill - người sáng lập của công ty Greensill Capital phá sản hồi năm 2021 - và với công ty quản lý quỹ tai tiếng đã sụp đổ Archegos Capital Management càng làm gia tăng cảm giác về một định chế tài chính không có sự quản lý chặt chẽ đối với các sự vụ của mình.
Nhiều khách hàng của Credit Suisse đã trở nên chán ngán và rút tiền khỏi nhà băng này, dẫn tới dòng vốn chảy khỏi Credit Suisse nhiều chưa từng thấy vào cuối năm 2022.
An Huy