Nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh hóa thân và tiếp tục dẫn dắt nền báo chí cách mạng Việt Nam

Nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh hóa thân và tiếp tục dẫn dắt nền báo chí cách mạng Việt Nam
19 giờ trướcBài gốc
(Tiếp theo và hết)
Không ngừng phát triển nền báo chí cách mạng nước nhà ngang tầm lịch sử
Tự lãnh nhiệm về mình sứ mệnh cao cả là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các tổ chức chính trị, xã hội và là diễn đàn của nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam thừa nhận, yêu cầu và đồng thời coi là nhu cầu tất yếu sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, sự tín nhiệm của nhân dân đối với báo chí. Đến lượt mình, Đảng và Nhà nước coi việc lãnh đạo, quản lý báo chí nước ta phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là một tất yếu, một nhu cầu, một công việc quan trọng trong toàn bộ công tác lãnh đạo và quản lý của mình.
Đảng lãnh đạo nền báo chí là nguyên tắc. Trong điều kiện hiện nay, điều đó càng đòi hỏi một cách nghiêm ngặt hơn bao giờ hết. Nguyên tắc này là một bảo đảm để nền báo chí chúng ta giữ vững tôn chỉ, mục đích, thực hiện trọn vẹn sứ mệnh cao cả của mình và phát triển một cách toàn diện. Qua đây, Đảng chủ động và nỗ lực đổi mới năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng. Đảng lãnh đạo báo chí không chỉ bằng đường lối chính trị, thông qua các tổ chức đảng, bằng bộ máy tổ chức, thông qua đảng viên tại các cơ quan báo chí và cơ quan có thẩm quyền khác mà khi cần thiết thông qua hội nhà báo các cấp, thậm chí với từng tờ báo cụ thể, nhưng điều đó không đồng nghĩa với kiểu “cầm tay chỉ việc báo chí” hay “làm thay báo chí”. Ở đây, hơn ai hết và hơn bao giờ hết, lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan trọng: "Bất kỳ người lãnh đạo nào nếu không học nổi những việc thiết thực, những người thiết thực và những bộ phận thiết thực ở cấp dưới, thì nhất định không biết chỉ đạo chúng"(16).
Cùng với sự lãnh đạo của Đảng, công việc quản lý của Nhà nước về báo chí là bảo đảm hết sức cơ bản và điều kiện rất quan trọng bảo đảm cho hoạt động báo chí phát triển đúng hướng, mạnh mẽ, vững chắc và phát huy ảnh hưởng của mình: một là, kiến tạo hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý báo chí; hai là, xây dựng hành lang pháp lý phù hợp và hiệu quả bảo đảm cho hệ thống báo chí vận hành.
Nền báo chí chúng ta chỉ có thể không ngừng phát triển và tiếp tục phát huy sức mạnh đầy đủ và bền vững, khi các vấn đề nêu trên được bổ sung, hoàn thiện một cách hợp lý, kịp thời và đồng bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa bản tin tại Phủ Chủ tịch - Ảnh: TTXVN
Việc xây dựng một hành lang pháp lý bảo đảm cho hoạt động của nền báo chí thật sự nhịp nhàng, hiệu quả, đúng pháp luật phải được xem là sự tổng thành hệ các công cụ pháp lý đồng bộ và cụ thể. Đó là loạt các chế định pháp lý: luật và bộ luật, hệ các chính sách, quản lý vĩ mô, sự phối hợp các cơ quan quản lý liên ngành và chuyên ngành báo chí... “Phát triển đi đôi với quản lý tốt mạng lưới thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, điện ảnh và các hình thức nghệ thuật khác”(17) là việc hết sức cơ bản và quan trọng trong quản lý báo chí. Trong thế giới phẳng, với sự phát triển của công nghệ thông tin, phát triển của mạng xã hội trên nền tảng internet và hiện nay, mọi giới hạn về không gian đều bị dỡ bỏ, dù muốn hay không, đang thách thức báo chí. Và, báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át, gây ra nhiều tác hại. Chúng ta bảo vệ tự do và phát triển tự do của mỗi người và toàn cộng đồng một cách dân chủ, văn minh và tiến bộ, dù ngay cả trên không gian mạng, nhưng không thể không kiên định và nghiêm khắc thực thi pháp quyền trong giữ vững và bảo vệ tự do chính trị, tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. Nhưng, nó sẽ trở thành phản động lực khi nhân danh cá nhân, lợi dụng nhân quyền để sử dụng tự do, dân chủ nhằm xâm phạm tự do, dân chủ về tư tưởng nhằm bôi nhọ, xúc phạm người khác; nhân danh đối thoại công luận để công kích, bôi nhọ cá nhân, tổ chức và xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc. Tự do báo chí, tự do internet, dân chủ mạng xã hội không có nghĩa là tự do tuyệt đối, dân chủ vô giới hạn, phá hoại an ninh chính trị quốc gia. Báo chí đi tiên phong trên phương diện này.
Cần phân định rõ không chỉ về định tính mà cần định lượng cụ thể lực lượng, trước hết là cấu trúc lại hệ thống báo chí và đội ngũ những người làm báo, thật tinh, gọn, nhẹ hợp thành binh chủng tư tưởng, lý luận chỉnh thể đổi mới và ngang tầm. Đổi mới thể chế với các thiết chế cần và đủ bảo đảm vận hành toàn bộ hệ thống theo hướng liên ngành với phương tiện kỹ thuật hiện đại.
Do đó, cấp bách xây dựng và hoàn thiện thể chế với các thiết chế toàn diện, hệ thống và đồng bộ bảo đảm giữa tự do, dân chủ và pháp luật minh bạch, công khai và nhân bản, chủ động và nghiêm khắc trong quản lý hoạt động báo chí. Phương châm chủ đạo ở đây là, giải quyết tổng thể, đồng bộ nhưng cụ thể, phù hợp, hiệu quả và văn hóa. Tất cả đều được quản lý theo luật pháp một cách chủ động, thiết thực và thật sự văn hóa.
Và, trong hành lang pháp lý, nhà báo - công dân và toàn bộ hệ thống báo chí, thực hiện tự do nhất trách nhiệm xã hội của mình, chức năng nghề nghiệp của mình, đóng góp tốt nhất cho đất nước, cho nhân dân. Phương châm chung là phải chủ động và cầu thị nắm lấy và giải quyết toàn bộ điều đó, để mở rộng mọi con đường và mức độ phát triển, bảo vệ báo chí một cách đa diện, phong phú, hiệu quả và thiết thực, bằng pháp luật, với phương tiện kỹ thuật hiện đại.
Nhân tố bảo đảm lãnh đạo, quản lý có ý nghĩa sống còn là công tác cán bộ và cán bộ. Trên lộ trình đổi mới chiến lược cán bộ ngang tầm với đòi hỏi của chiến lược phát triển báo chí trong tầm nhìn tới năm 2030 và năm 2045, trước hết phải coi trọng từ đào tạo cán bộ tới lựa chọn, bố trí và đào tạo lại cán bộ... Không có đội ngũ cán bộ trung thành về chính trị, đủ năng lực về chuyên môn, bảo đảm về phẩm hạnh đạo đức... thì không thể tổ chức thực hiện thành công các yêu cầu và nhiệm vụ phát triển báo chí, nếu không nói làm nản lòng sự tự do, sáng tạo của báo chí, làm rối loạn hệ thống báo chí nước nhà; vô hình trung, Nhà nước cũng tự hạ thấp, thậm chí đánh mất vai trò quản lý của mình.
Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phụ trách báo chí, bảo đảm vững vàng về chính trị và tư tưởng, trong sạch về phẩm chất đạo đức và tinh thông nghề nghiệp; biên soạn giáo trình cho cán bộ chính quyền và cán bộ được phân công theo dõi, quản lý công tác báo chí. Đặc biệt coi trọng bồi dưỡng các tổng biên tập báo, đài bảo đảm có đủ bản lĩnh chính trị và nghề nghiệp, đủ sức đảm đương nhiệm vụ. Người phụ trách cơ quan chủ quản không kiêm tổng biên tập báo, giám đốc nhà xuất bản. Sắp xếp các cơ quan nghiên cứu, đào tạo cán bộ báo chí bảo đảm sự chỉ đạo chặt chẽ về tư tưởng chính trị và thống nhất trong cả nước về mặt này.
Các cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí trước hết chủ động thực hiện đúng đắn, sáng tạo các định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng. Một mặt, phối hợp chặt chẽ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... toàn xã hội song hành với các cơ quan báo chí; mặt khác, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của cơ quan báo chí.
Trước mắt, các cơ quan báo chí đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí theo tầm nhìn và lộ trình gắn với kinh tế số, kinh tế báo chí truyền thông, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ mới vào hoạt động báo chí, truyền thông một cách chỉnh thể, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Các cơ quan cần hệ thống hóa thông tin trở thành dữ liệu lớn, cùng với thuật toán nhằm tạo ra giá trị để phát triển nền kinh tế tri thức; đa dạng hóa các sản phẩm báo chí trên đa nền tảng công nghệ hiện đại trong chiến lược phát triển bạn đọc.
Chưa lúc nào như hiện nay, những lực lượng công kích, chống phá nền báo chí cách mạng đã và đang sử dụng chính báo chí âm mưu tạo nên tình trạng “mù màu về tư tưởng”, “hỗn loạn về đội ngũ” nhằm làm rối tình hình, tan vỡ hệ thống và đội ngũ những người làm báo, vô hình trung hạ bệ đường lối chính trị của Đảng, bôi nhọ, công phá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở mọi nơi, mọi lúc, mọi phương diện và mọi mức độ, thậm chí ngay từ bên trong đội ngũ. Do đó, các đồng chí lãnh đạo và quản lý hệ thống cơ quan báo chí tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, trình độ quản lý chỉnh đốn tình trạng “báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thiếu tính định hướng; một số người làm báo thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp”(18), như Đảng ta yêu cầu; bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên, biên tập viên cả về chính trị, tư tưởng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp; trước hết “thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành”(19). Nghĩa là, “cần phải có tính Đảng mới làm được việc. Kém tính Đảng, thì việc gì cũng không làm nên”(20).
Hợp tác song phương, đa phương dưới mọi quy mô và một cách cầu thị trong hệ thống báo chí nước nhà; đồng thời, chủ động giao lưu, hợp tác quốc tế về báo chí với thái độ không ảo tưởng, không huyễn hoặc; không rụt rè, co thủ, càng không kỳ thị, xa lánh… Kết hợp chặt chẽ hợp tác song phương với hợp tác đa phương, dưới quy mô và hình thức phù hợp, nhằm tập trung nghiên cứu, trao đổi những vấn đề báo chí cơ bản, công nghệ làm báo, nhất là những vấn đề chúng ta còn thiếu hoặc còn hạn chế nhằm khẳng định vị thế, sức mạnh, uy tín và sự đóng góp to lớn hơn nữa của nền báo chí nước nhà với báo chí thế giới một cách xứng đáng.
Đến lượt mình, Hội Nhà báo Việt Nam cùng toàn thể đội ngũ nhà báo tiếp tục thấu triệt, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác báo chí, quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Tự mình nâng cao bản lĩnh chính trị, bảo vệ đạo đức nghề nghiệp, thành thạo chuyên môn nghiệp vụ, nuôi dưỡng nhiệt huyết, tìm tòi, khám phá, sáng tạo những tác phẩm báo chí xuất sắc.
Trên nền móng 100 năm, tiếp bước nhà báo vĩ đại Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, dân tộc ta không ngừng xây dựng và phát triển một nền báo chí cách mạng Việt Nam vững mạnh, trong sạch vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó cũng là tấm lòng và hành động của những người làm báo nước nhà quyết không phụ sự tin cậy, ủy thác và nguyện càng không phụ mối "duyên nợ với báo chí" của Người, dưới ngọn cờ của Đảng, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới phồn vinh trong tầm nhìn 2045.
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.289.
(17) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.111-112.
(18) Xem Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 8-4-2020, của Ban Bí thư Trung ương, khóa XII, Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới, Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử, số ra ngày 15-4-2020.
(19) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.122.
(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.307.
TS. Nhị Lê
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/171101/nha-bao-vi-dai-ho-chi-minh-hoa-than-va-tiep-tuc-dan-dat-nen-bao-chi-cach-mang-viet-nam