Trả lời Báo Điện tử VTC News, chuyên gia Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, ở Việt Nam, các công trình cao tầng được thiết kế theo tiêu chuẩn chống động đất dựa trên TCVN 9386:2012 – “Thiết kế công trình chịu động đất”.
Tiêu chuẩn này chủ yếu tham khảo từ Eurocode 8 (EN 1998-1:2004) của châu Âu, nhưng đã được điều chỉnh phù hợp với điều kiện địa chất và động đất ở Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam không nằm trên vành đai động đất mạnh như Nhật Bản hay Indonesia, nhưng vẫn có các khu vực có nguy cơ động đất trung bình đến cao, đặc biệt là khu vực Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai) có thể có động đất tới cấp 7-8 theo thang MSK-64. Khu vực ven biển miền Trung (Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa) có thể có động đất cấp 6-7. Khu vực TP.HCM và Nam Bộ có nguy cơ động đất thấp, nhưng vẫn có thể chịu ảnh hưởng từ các đứt gãy khu vực.
Nhà cao tầng tại Việt Nam được thiết kế chống động đất theo TCVN 9386:2012. (Ảnh minh họa)
Theo chuyên gia Lê Văn Thịnh, nguyên tắc thiết kế chống động đất theo TCVN 9386:2012 gồm 4 nguyên tắc chính là xác định tải trọng động đất, các phương pháp tính toán, kết cấu chịu lực, biện pháp nâng cao khả năng chống động đất.
Trong đó, công trình được thiết kế để chịu tải trọng động đất bằng cách xác định gia tốc nền thiết kế (ag), dựa trên phân vùng động đất. Gia tốc nền thường dao động từ 0,05g đến 0,2g tùy khu vực.
Với các phương pháp tính toán sẽ gồm phương pháp tĩnh lực ngang, áp dụng cho công trình thấp đến trung bình, giả định lực động đất tác động theo phương ngang.
Phương pháp phổ phản ứng, phổ động đất được xác định theo đặc trưng địa phương để tính toán thiết kế chính xác hơn.
Phương pháp động lực học phi tuyến, dùng cho công trình đặc biệt, mô phỏng đáp ứng của kết cấu khi chịu tải trọng động đất lớn.
Về kết cấu chịu lực chống động đất, các công trình cao tầng thường sử dụng các hệ kết cấu hệ khung – vách cứng (Shear wall frame system), thường thấy ở nhà chung cư, có lõi bê tông cốt thép chịu lực; Hệ khung giằng (Braced frame system) dùng cho nhà cao tầng thép và hệ khung ống (Tube system) áp dụng cho các tòa nhà chọc trời như Landmark 81.
Về các biện pháp nâng cao khả năng chống động đất gồm lõi cứng bằng bê tông cốt thép để tăng độ ổn định. Liên kết dẻo tại các vị trí chịu mô-men lớn để tránh gãy giòn. Giảm trọng lượng công trình bằng cách dùng vật liệu nhẹ hơn. Sử dụng thiết bị tiêu tán năng lượng (dampers) để giảm chấn.
"Nhìn chung, các công trình cao tầng tại Việt Nam hiện nay được thiết kế để chịu được các trận động đất có cường độ vừa phải, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, việc kiểm tra chất lượng thi công và bảo trì công trình vẫn rất quan trọng để duy trì hiệu quả chống động đất", chuyên gia Lê Văn Thịnh nhấn mạnh.
Chất lượng nhà ở của Việt Nam sẽ có các mức chống chịu động đất ra sao?
Theo chuyên gia Lê Văn Thịnh, chất lượng nhà ở tại Việt Nam hiện nay có mức độ chống chịu động đất rất khác nhau, tùy thuộc vào loại công trình, khu vực địa lý và tiêu chuẩn xây dựng.
Trong đó, với nhà ở truyền thống và nhà tự xây bao gồm nhà cấp 4, nhà tạm, nhà tự xây không có kỹ sư thiết kế sẽ rất dễ bị sập khi xảy ra động đất mạnh. Những công trình này thường không tuân thủ các tiêu chuẩn chịu lực, sử dụng vật liệu kém chất lượng và thiếu biện pháp gia cố.
Nhà bê tông cốt thép xây theo kinh nghiệm, có thể chịu được động đất nhẹ nhưng vẫn dễ bị hư hỏng nặng hoặc đổ sập nếu động đất có cường độ lớn (hơn 6 độ Richter).
Với loại nhà ở cao tầng tại đô thị gồm nhà chung cư cũ (xây trước những năm 2000) có nhiều chung cư cũ chưa được thiết kế theo tiêu chuẩn chống động đất hiện đại. Nếu xảy ra động đất mạnh, nguy cơ nứt gãy hoặc sập đổ là cao.
Nhà cao tầng xây theo tiêu chuẩn hiện đại là các tòa nhà mới (xây sau năm 2000, đặc biệt ở Hà Nội, TP.HCM) thường được thiết kế theo các tiêu chuẩn như TCVN 9386:2012 (tiêu chuẩn chống động đất của Việt Nam). Những công trình này có thể chịu được động đất ở mức trung bình (khoảng 6 độ Richter), nhưng nếu cường độ cao hơn, vẫn có nguy cơ hư hại nặng.
Đối với nhà ở tại khu vực có nguy cơ động đất cao như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu (nơi có hoạt động địa chấn mạnh), một số công trình đã áp dụng tiêu chuẩn chống động đất, nhưng đa số nhà ở dân dụng vẫn còn yếu.
"Đa số nhà ở tại Việt Nam chưa đạt chuẩn cao về khả năng chống chịu động đất. Nhà ở tự xây, nhà cấp 4 rất dễ bị hư hỏng hoặc sập. Các chung cư, cao ốc mới có mức chống chịu khá hơn nhưng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn cao như Nhật Bản hay Mỹ. Cần có quy định chặt chẽ hơn về thiết kế và nâng cấp các công trình cũ để giảm thiểu rủi ro khi động đất xảy ra", chuyên gia Lê Văn Thịnh kết luận.
Theo Điều 91 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), các công trình xây dựng phải được thiết kế và thi công đảm bảo khả năng chịu lực, tính ổn định và tính bền vững trong điều kiện động đất. Đặc biệt, đối với những khu vực có nguy cơ động đất cao, công trình phải đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế chống động đất theo quy định của pháp luật.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng (QCVN 02:2022/BXD) cũng quy định chi tiết về các yêu cầu kỹ thuật trong thiết kế và thi công công trình chống động đất. Các tiêu chuẩn này bao gồm việc đánh giá nguy cơ động đất, tính toán tải trọng động đất và thiết kế cấu trúc phù hợp để chống chịu được các tác động của động đất.
Thành Lâm