Một người phụ nữ nghỉ ngơi gần những chiếc lều tạm dựng ngoài trời ở Mandalay vào ngày 31/3, ba ngày sau trận động đất chết người ở Myanmar. Ảnh: AFP.
Trận động đất dữ dội có cường độ 7,7 độ richter xảy ra vào thứ Sáu tuần trước gần thành phố ở miền Trung Myanmar, khiến hơn 2.000 người thiệt mạng, với lo ngại số người chết có thể tăng thêm đáng kể.
Các cơn dư chấn ban đầu đã phá hủy nhiều ngôi nhà trên khắp thành phố, và các cơn dư chấn liên tục đã khiến cư dân của những người may mắn thoát nạn cảnh giác không muốn ở trong nhà.
"Chúng tôi không dám về nhà vì lo tòa nhà bên cạnh sẽ đổ sập xuống chúng tôi", bà Hlaing Hlaing Hmwe, 57 tuổi, cho biết. "Trẻ em muốn về nhà vì thời tiết ở đây rất nóng".
Nhiệt độ trong hôm 1/4 tại thành phố hơn 1,7 triệu người này lên tới gần 40 độ C. Bà Hlaing Hlaing Hmwe cho biết họ sẽ không thể chịu đựng được lâu hơn nữa, vì vậy bà đang cân nhắc về việc tìm đến một tu viện để tìm nơi trú ẩn.
"Chúng tôi nghe nói rằng các tu viện cũng bị sập nhưng vẫn còn một tu viện khác mà chúng tôi có thể đến", bà nói.
Một người đàn ông đi dọc theo con đường, mang theo lều tạm để dựng, ngủ ngoài trời ở Mandalay vào ngày 31/3. Ảnh: AFP.
Mặc dù ngủ ngoài trời giúp giảm nguy cơ sập nhà, nhưng một người dân khác, ông Soe Tint, cho biết các tiện nghi cơ bản như nước, điện và nhà vệ sinh lại rất khó tìm. Tuy nhiên, nếu muốn tránh nguy hiểm tiềm ẩn thì ngủ ngoài trời vẫn tốt hơn.
"Chúng tôi không cảm thấy an toàn khi ngủ ở nhà mình", cư dân Mandalay 71 tuổi cho biết. "Vì vậy, chúng tôi chuyển ra ngủ ngoài cánh đồng này".
Các tòa nhà bên cạnh nhà ông cao tới 6 hoặc 7 tầng, và ông cho biết chúng hiện đang bị nghiêng do các đợt dư chấn.
"Tôi thậm chí còn nghĩ rằng nhịp tim của chính mình là một trận động đất", ông nói.
Hàng trăm cư dân Mandalay đang phải ngủ ngoài trời trong lều vì sợ phải trở về nhà sau trận động đất mạnh hôm 28/3. Ảnh: AFP.
Đồ đạc chưa thu gom
Tại hội trường thi Phật giáo U Hla Thein, nơi một phần của tòa nhà bị sập khi hàng trăm nhà sư đang làm bài thi, ít nhất 60 chiếc cặp sách chưa lấy được chất đống trên một chiếc bàn bên ngoài. Sách giáo khoa, vở và hộ chiếu và nhiều thứ khác vẫn nằm bên trong những chiếc cặp đó.
"Đây là đồ đạc của các nhà sư đã tham dự kỳ thi", một người tham dự cho biết, đồng thời nói thêm rằng còn có một đống đồ đạc nữa ở nơi khác.
Xe cứu hỏa và xe nâng hạng nặng đã đỗ bên ngoài và một đội cứu hộ Ấn Độ đã làm việc trên đống đổ nát của tòa nhà. Một sĩ quan Ấn Độ cho biết có mùi hôi thối bốc ra từ bên trong.
Một người phụ nữ nghỉ ngơi gần những chiếc lều tạm dựng ngoài trời ở Mandalay vào ngày 31/3. Ảnh: aFP.
"Chúng tôi không biết có bao nhiêu người còn mắc kẹt ở bên dưới tòa nhà", ông nói.
Một viên chức cứu hỏa Myanmar xác nhận: "Nhiều xác chết đang được đưa ra. Không thể có người sống sót".
Làm phức tạp thêm nỗ lực phục hồi là cuộc nội chiến tàn khốc đang diễn ra ở Myanmar, bùng nổ vào năm 2021 khi chính quyền quân sự lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi. Kể từ đó, giao tranh giữa quân đội và một nhóm các lực lượng chống chính quyền quân sự đã khiến cơ sở hạ tầng và nền kinh tế của Myanmar trở nên tồi tệ.
Đất nước này đang trải qua một tuần để tang, theo thông báo của chính quyền quân sự, với một phút mặc niệm được tổ chức vào trưa thứ Ba theo giờ địa phương – thời điểm chính xác mà trận động đất xảy ra hôm 28/3.
Giao thông đã trở nên nhộn nhịp hơn trong thành phố kể từ sau trận động đất, nhưng một tài xế cho biết số lượng phương tiện vẫn ít hơn bình thường.
Soe Tint, người chuyển ra ngủ ở cánh đồng cùng gia đình mình, rất mong muốn được trở về với sự thoải mái khi còn ở nhà của mình. "Không ai biết sẽ mất bao lâu", ông nói.
Theo Daily Mail, AFP
Huyền Chi