Nhà công vụ xuống cấp là một trong nguyên nhân khó giữ chân GV vùng cao

Nhà công vụ xuống cấp là một trong nguyên nhân khó giữ chân GV vùng cao
9 giờ trướcBài gốc
Những giáo viên tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tuy đã gắn bó, tận tâm cống hiến với nghề nhưng vẫn còn nhiều lo toan cuộc sống, do nhà công vụ đã xuống cấp hoặc có nơi chưa có nhà công vụ. Mặc dù ngành giáo dục và địa phương đã có những nỗ lực trong thời gian qua, nhưng việc giải quyết nhu cầu nhà ở công vụ cho giáo viên vẫn còn nhiều vướng mắc.
Nhiều năm kiến nghị xây sửa nhà công vụ nhưng chưa được giải quyết
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Ngô Ban - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) cho biết, hiện có 12 thầy cô đang ở nhà công vụ dành cho cán bộ, giáo viên của nhà trường.
Vị hiệu trưởng chia sẻ: “Do xây dựng từ lâu, nên nhà công vụ bị xuống cấp, hư hỏng một số chỗ ở. Nhà trường đã tu sửa lại để khắc phục tạm thời và giúp thầy cô an tâm hơn. Khu nhà công vụ có tổng 4 phòng với diện tích nhỏ nên giáo viên phải ở chung, gây ra khá nhiều bất tiện. Nếu nhà công vụ được xây dựng mới, để mỗi thầy cô giáo có một phòng riêng, sẽ thoải mái hơn.
Một khó khăn nữa đối với nhà trường chính là nước sinh hoạt. Hiện nay, nhà trường sử dụng nguồn nước lấy từ các khe núi, đến mùa khô thì thiếu nước, vào những ngày trời mưa, cũng sẽ không có nước dùng vì bị bẩn, đục.
Do thiết kế đã cũ nên công trình phụ không có vòi nước. Mỗi khi đi vệ sinh, thầy cô sẽ phải dùng ca múc nước để dội đi. Đây cũng là một trong những bất tiện khi sinh hoạt tại nhà công vụ”.
Ngoài ra, theo vị hiệu trưởng, do không có cán bộ quản sinh tại khu bán trú của nhà trường, thầy cô phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác. Không chỉ làm việc ban ngày, mỗi tối thầy cô đều phải trực luân phiên, không có ngày nghỉ cuối tuần.
“Nhà trường mong được sự quan tâm hơn nữa, có những chính sách cho giáo viên ở vùng cao, có phương án hỗ trợ, đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất như: nhà công vụ cho giáo viên, phòng học bộ môn cho học sinh” - thầy Ban bày tỏ.
Nhà công vụ tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Ảnh NTCC.
Cùng bàn về vấn đề này, một vị hiệu trưởng trường trung học phổ thông tại huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) chia sẻ: “Hầu như, những trường học tại vùng cao cơ sở vật chất còn thiếu thốn, điều kiện sinh hoạt không được đảm bảo, việc đi lại cũng rất khó khăn. Nhà công vụ xuống cấp là một trong những nguyên nhân khó giữ chân được giáo viên vùng cao.
Nhà trường có 1 dãy nhà công vụ cấp bốn đã xây dựng từ lâu. Tổng cộng gồm 12 phòng, trần và tường nhà gần như đã bong tróc hết, cửa ra vào cũng hỏng nhiều. Hiện tại, có 3 giáo viên đang ở nhà công vụ, tuy nhiên điều kiện cơ sở vật chất còn tạm bợ, chưa đảm bảo và đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt.
Do nhà công vụ đã được xây dựng lâu năm và xuống cấp, nên nhà trường tạm thời khắc phục bằng cách thay mái tôn. Việc sửa lại toàn bộ khu nhà vừa tốn kinh phí, vừa không đảm bảo được yêu cầu an toàn. Để thầy cô có nơi ở tốt hơn, nhà trường mong muốn xây dựng nhà công vụ mới khang trang, sạch sẽ nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên yên tâm công tác.
Mặc dù nhiều năm nay nhà trường đã có kiến nghị và đề xuất với chính quyền địa phương, các cấp, các ngành nhưng vẫn chưa được giải quyết”.
Thầy hiệu trưởng tại huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) chia sẻ thêm: “Không chỉ nhà công vụ cho giáo viên xuống cấp, nhà trường hiện tại không có không gian để các em học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, phải sử dụng tạm sân ký túc xá.
Cả trường chỉ đang có 1 phòng học bộ môn. Trong khi đó, có những môn học bắt buộc phải học tập ở các phòng bộ môn mới có thể phát huy được hiệu quả môn học và không làm ảnh hưởng đến các phòng học xung quanh, việc thiếu các phòng học này đã gây ảnh hưởng đến việc giảng dạy của thầy cô và việc tiếp thu kiến thức của các em học sinh”.
Trần nhà bị bong tróc nên thầy cô phải tạm khắc phục bằng cách dùng bạt căng lên trên. Ảnh NVCC.
Tại Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong (Thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), hiện cũng đang gặp những khó khăn tương tự. Thầy Trần Xuân Tiến - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà công vụ của trường đang bị xuống cấp, một số phòng hư hỏng nặng nên chưa đảm bảo được việc sinh hoạt cho thầy cô. Các phòng ở này mặc dù đã được đưa vào kế hoạch xây dựng, nhưng hiện tại chưa có kinh phí để sửa chữa, thực hiện.
Với điều kiện thời tiết tại địa phương, vào mùa mưa, phòng thường ẩm thấp, còn mùa hè lại bị oi bức do nắng nóng. Vì điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo, nên nhiều thầy cô phải ở nhờ người thân gần trường; một số thầy cô khác phải thuê phòng trọ ở ngoài. Tuy nhiên, tiền sinh hoạt và các chi phí khác là vấn đề khá khó khăn với giáo viên vùng khó. Nếu có nhà công vụ, các thầy cô giáo sẽ bớt đi phần nào về gánh nặng kinh tế, điều kiện sinh hoạt được đảm bảo đầy đủ, tiện nghi và yên tâm công tác hơn”.
Cũng theo thầy Tiến, với điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù của tỉnh Quảng Bình, để đảm bảo xây dựng nhà công vụ mới cho giáo viên, hiện còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí. Bên cạnh đó, do được xây dựng từ lâu, đến nay, nhà công vụ đã xuống cấp, nên nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp cũng rất tốn kém.
Cần có thêm những chính sách hỗ trợ giáo viên vùng cao
Chia sẻ về những khó khăn khi sinh hoạt tại nhà công vụ, cô Ma Thị Thâm - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) tâm sự: “Tôi từ Tuyên Quang lên Hà Giang công tác, nên buộc phải ở lại nhà công vụ của trường. Việc thuê trọ bên ngoài cũng bất tiện, do phòng trọ ở xa, đường đi khó di chuyển, tiền thuê nhà và các chi phí sinh hoạt khác lại khá tốn kém so với cuộc sống của giáo viên vùng cao.
Tôi đã ở nhà công vụ của trường 5 năm nay, tuy nhiên phòng ở hiện đã xuống cấp và có dấu hiệu xập xệ, không đảm bảo sinh hoạt. Trong phòng, diện tích chỉ đủ để kê 1 chiếc giường khoảng 2mx2,2m, việc mở cửa ra vào cũng khó khăn.
Tường của nhà công vụ đã bong tróc nhiều, hệ thống thoát nước kém. Nước mưa từ 2-3 tháng ngấm vào tường đến nay vẫn ẩm ướt, không thể khô ráo hoàn toàn. Tôi nhớ, có lần đã cất kỹ máy tính vào túi, nhưng do phòng ở bị ẩm, hơi nước vẫn ngấm vào, làm hỏng máy và không thể sửa chữa.
Cô giáo ở đây ngủ trên giường, ăn trên giường và soạn giáo án cũng trên giường. Nếu không có tình yêu và sự tận tâm với nghề, tôi nghĩ sẽ khó có thể bám trụ”.
Tường của nhà công vụ bị ẩm do ngấm nước, 2-3 tháng không khô. Ảnh NVCC.
“Ngoài nhà công vụ xuống cấp, điện ở trường cũng chập chờn và yếu. Do ở vùng cao, phòng ẩm ướt nên mạng Internet gần như không bắt được. Nhiều khi muốn gọi điện về cho gia đình, nhưng sóng chập chờn, lúc có lúc không. Không chỉ vậy, những ngày trời mưa, nước từ suối nguồn bị bẩn đục, thầy cô phải cầm xô đi xin nước nhà dân về dùng.
Tôi mong muốn có nơi ở ổn định, nhà công vụ được xây mới, có phòng khép kín, để cuộc sống của thầy cô vùng cao đỡ khó khăn và yên tâm công tác hơn”, cô Thâm bày tỏ.
Thầy Hiệu trưởng tại trường trung học phổ thông tại huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) cũng nói thêm: “Nhà trường mong muốn sớm có nhà công vụ, nhằm đảm bảo đời sống sinh hoạt, giúp thầy cô yên tâm công tác. Cùng với đó, có lẽ không chỉ riêng nhà trường, mà các trường học tại vùng khó nói chung đều mong muốn có thêm nhiều chính sách hỗ trợ giáo viên đang công tác.
Hy vọng, tới đây, khi Luật Nhà giáo được thông qua, sẽ là động lực giúp thầy cô có được cuộc sống ổn định, góp phần giữ chân được giáo viên, để thầy cô gắn bó lâu dài và cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục”.
Khánh Hòa
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/nha-cong-vu-xuong-cap-la-mot-trong-nguyen-nhan-kho-giu-chan-gv-vung-cao-post248166.gd