Thanh khoản tăng nhanh, chạm mức cao nhất 2 tháng qua
Sau công bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, sắc xanh lan tỏa toàn thị trường, có thời điểm vượt 1.390 điểm trước khi quay đầu giảm về cuối phiên đi kèm thanh khoản tăng mạnh.
Chốt phiên hôm nay, VN-Index giảm 2,63 điểm xuống 1.381,96 điểm. Thanh khoản giao dịch tăng nhanh, chạm mức 33.400 tỷ đồng - cao nhất 2 tháng qua.
Trong đó, khối ngoại giải ngân mạnh mẽ khi mua ròng 2.411 tỷ đồng - mức kỷ lục từ đầu năm. SSI, MWG và CTG là ba mã được mua ròng mạnh nhất, lần lượt gần 432 tỷ đồng, 294 tỷ đồng và 147 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, DHC, HDC và GVR, song giá trị bán ròng khoảng vài chục tỷ đồng.
Phiên giao dịch hôm nay chứng kiến diễn biến tiêu cực của nhóm bất động sản khu công nghiệp. Hàng loạt cổ phiếu nhóm này đóng cửa trong sắc đỏ, như: KBC (-2,03%), SZC (-5,13%), (-4,09%), BCM (-2,64%), TIP (-2,06%), SIP (-6,77%), NTC (-4,32)…
Nhóm cổ phiếu dệt may cũng đồng loạt giảm mạnh như: TNG (-4,46%), STK (-0,74%), TCM (-3,03%), VGT (-5,38%), MSH (-2,5%), HTG (-2,28)…
Trong khi đó, tại thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu của một số doanh nghiệp Mỹ có chuỗi cung ứng lớn tại Việt Nam đã tăng giá ngay sau thông báo của ông Trump. Chốt phiên 2/7, cổ phiếu Nike tăng 4%. Lululemon tăng 0,5%. Columbia Sportswear lên thêm 1,5%. VF Corporation, sở hữu The North Face và Vans, tăng gần 2%.
Điều này cho thấy các nhà đầu tư quốc tế đang đón nhận thông tin đàm phán một cách lạc quan.
Có thể xem xét những cổ phiếu của doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa cao
Trao đổi với VietTimes, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH), đánh giá thông điệp giảm đáng kể thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam từ Tổng thống Mỹ Donald Trump là tín hiệu tích cực với thị trường chứng khoán. Thời gian qua, VN-Index tăng mạnh một phần do sự kỳ vọng về mức thuế quan mới đã phản ánh vào giá.
Tuy nhiên, ông Huân lưu ý nhà đầu tư cân nhắc mua thời điểm này vì VN-Index đang ở vùng khá cao. Với những nhà đầu tư giá trị, những nhịp điều chỉnh có thể được xem là cơ hội mua vào.
"Nếu vẫn muốn nắm giữ, có thể xem xét những cổ phiếu của doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ có tỷ lệ nội địa hóa cao như thủy sản, gỗ hoặc linh kiện điện tử", ông Huân đưa ra lời khuyên.
Chia sẻ tại chương trình "Cafe cùng chứng" sáng nay, ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), đánh giá việc Việt Nam đạt được thỏa thuận sơ bộ về thuế quan với Mỹ đã phần nào giúp khôi phục niềm tin của dòng vốn ngoại.
Theo đánh giá của SSI Research, các nhóm cổ phiếu có khả năng duy trì tỷ lệ tự do chuyển nhượng cao (free-float), thanh khoản tốt và vốn hóa lớn sẽ là những ứng viên sáng giá để đón đầu dòng tiền ETF nếu khả năng nâng hạng thị trường thành hiện thực.
Ông Hưng nhận định xác suất được nâng hạng bởi FTSE Russell vào tháng 10 có thể lên tới 90%. Với kịch bản này, khoảng 20-30 mã cổ phiếu được dự đoán sẽ được thêm vào các rổ chỉ số của các quỹ ETF lớn. Những cổ phiếu như Vinamilk, Hòa Phát, nhóm Vingroup... nhiều khả năng được hưởng lợi từ việc gia tăng sức mua của khối ngoại, bất kể tác động trực tiếp từ chính sách thuế.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngành chứng khoán cũng được đánh giá là "điểm sáng" trong giai đoạn hiện tại. Thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể trong quý II cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động môi giới, tự doanh và margin, qua đó đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh quý của các doanh nghiệp trong ngành.
Kinh tế trưởng SSI lưu ý thêm nhà đầu tư cần theo dõi sát các cột mốc như ngày 9/7 – thời điểm chốt đàm phán thuế, tháng 10 – thời điểm FTSE công bố quyết định nâng hạng, cùng với kết quả kinh doanh quý II để có cơ sở xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn phù hợp.
Nhật Minh