Ngân hàng và Chứng khoán được kỳ vọng là hai nhóm ngành tăng tốt trong năm 2025.
Duy trì đà tăng ổn định
2024 là một năm khá thành công đối với diễn biến chung của thị trường chứng khoán Việt Nam. So với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực, VN-Index tăng khoảng 12%, nằm trong nhóm tăng trưởng cao của khu vực. Mặc dù không quá cao như thị trường chứng khoán Mỹ hay Nhật Bản nhưng cao hơn rất nhiều quốc gia châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Indonesia hay Hàn Quốc. Từ diễn biến trên, có thể thấy, Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư tương đối hấp dẫn so với mặt bằng chung trong khu vực.
Theo ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), Việt Nam có câu chuyện nền kinh tế tăng trưởng, thể chế chính trị ổn định và có thành quả rất tốt trong năm 2024. Ngược lại, nhìn vào câu chuyện Hàn Quốc có thể thấy, những nhiễu động về mặt chính trị đã khiến thị trường chứng khoán giảm khoảng 10% so với đầu năm, thậm chí tỷ giá cũng đã trôi về mức rất xa.
“Trong một năm khó khăn nhưng chúng ta không hề thua kém các nước phát triển hơn”, ông Sơn khẳng định.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã ghi nhận năm thứ hai tăng trưởng liên tiếp, với mức tăng 12,1%. Đáy của thị trường đã được thiết lập vào năm 2022 rồi và thị trường chứng khoán đã có hai năm lợi nhuận doanh nghiệp tạo đáy, phục hồi và đi lên rất rõ ràng.
Thanh khoản trung bình toàn thị trường trong năm 2024 đạt trên 21 nghìn tỷ đồng, theo ông Sơn, đây là mức cao chứ không hề thấp. Thanh khoản chỉ sụt giảm từ giữa tháng 7/2024 cho đến nay. Trong năm 2024, giai đoạn thanh khoản cao nhất là 6 tháng đầu năm, có những phiên lên đến 24.000 đến 25.000 tỷ đồng, tương ứng giao dịch tỷ đô mỗi phiên.
Chuyên gia của VPBankS cho rằng, yếu tố tác động tới thanh khoản mạnh như vậy là nhà đầu tư kỳ vọng vào việc nâng hạng thị trường, tăng trưởng kinh tế cao và xuất nhập khẩu tốt trong nửa đầu năm.
Tuy nhiên, thanh khoản giảm từ nửa sau năm 2024, phần lớn ảnh hưởng đến từ tỷ giá cũng như việc nhà đầu tư nước ngoài rút ròng. Giai đoạn rút ròng mạnh nhất cũng là sau tháng 6, đồng pha tỷ giá tăng cao. Khi nhà đầu tư ngoại rút ròng thì tỷ giá cũng chịu tác động. Trong giai đoạn trên, thanh khoản từ nhà đầu tư cá nhân có dấu hiệu thận trọng. Mức sụt giảm sâu nhất vào giữa và cuối tháng 11/2024 khi thị trường tạo đáy. Cho đến nay, thanh khoản đã phục hồi về mức trung bình.
Hành trang cho nhà đầu tư năm 2025
Về chiến lược đầu tư trong năm 2025, ông Trần Hoàng Sơn cho rằng, hành trang đầu tiên mà nhà đầu tư nên mang sang là sự lạc quan. Khi bước vào năm 2025 bằng tâm thế lạc quan thì nhà đầu tư có thể sẵn sàng đón nhận nhiều cơ hội, tránh được thách thức trong nửa đầu năm.
Về mặt danh mục, trong giai đoạn nửa đầu năm, có thể thách thức sẽ vẫn còn, cho nên nhà đầu tư không nên “tất tay” 100% danh mục cổ phiếu, có thể duy trì 50% đổ lại. Sau nửa đầu năm, khi đã có những nhịp điều chỉnh sâu thì có lẽ sẽ là cơ hội tăng tỷ trọng. Tỷ trọng cao có thể duy trì sau tháng 6 và nửa cuối năm bởi thị trường có thể rất tích cực nhờ câu chuyện lớn.
Cụ thể, tỷ trọng cổ phiếu tiền mặt thì trong 6 tháng đầu năm là 50:50. Còn sang giai đoạn cuối năm thì có thể duy trì 100% cổ phiếu hoặc margin cao.
Lựa chọn nhóm ngành để giải ngân, chuyên gia của VPBankS nhận định, Ngân hàng và Chứng khoán là hai nhóm ngành còn nhiều dư địa tăng trong năm 2025. Nhóm ngành Ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dự kiến trong năm 2025 tiếp tục ở mức khoảng 17,7%; Chứng khoán khoảng 15% về lợi nhuận. Với động lực tăng trưởng như vậy, hai nhóm này sẽ thu hút dòng tiền, đặc biệt nếu trong năm 2025, thị trường có những nhịp điều chỉnh sâu thì nhà đầu tư sẽ có cơ hội mua cổ phiếu Ngân hàng, Chứng khoán với định giá hấp dẫn.
“Nhóm cổ phiếu Ngân hàng và Chứng khoán còn dư địa tăng trưởng rất nhiều. Hai nhóm ngành này có thể là tiêu điểm tăng trong năm 2025. Đặc biệt, câu chuyên nâng hạng sẽ thường thúc đẩy rất lớn với cổ phiếu Chứng khoán”, ông Sơn khuyến nghị.
Đối với thanh khoản thị trường, ông Sơn cho rằng, trong khoảng 3 – 6 tháng tới, thanh khoản có thể lình xình, đi ngang, chưa rõ ràng. Nhưng kể từ sau giai đoạn quý II/2025, thanh khoản sẽ bắt đầu tăng, tương đối cao. Nếu xu hướng thanh khoản năm 2024 là "tăng ở đầu năm, giảm về cuối năm" thì năm 2025 sẽ ngược lại "Thấp ở đầu năm nhưng tăng rất cao ở cuối năm".
Nguyên nhân là ở khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đã rõ ràng. Ở các nước khác trước khi nâng hạng, nhà đầu tư nước ngoài thường mua trước từ khoảng 3 tháng. Do đó, trước tháng 9/2025 (thời điểm FTSE Russell đưa ra quyết định), thanh khoản Việt Nam sẽ tăng rất đáng kể và đến đầu năm 2026.
Minh Lâm