Nhà đầu tư có thể giải ngân bắt đáy ở vùng giá chiết khấu cho mục tiêu lướt sóng ngắn hạn

Nhà đầu tư có thể giải ngân bắt đáy ở vùng giá chiết khấu cho mục tiêu lướt sóng ngắn hạn
15 giờ trướcBài gốc
Chứng khoán ngày 4/12, thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên giao dịch với diễn biến không mấy tích cực. VN-Index chìm trong sắc đỏ ngay từ đầu phiên giao dịch. Tuy vậy, những xáo trộn từ chứng khoán Hàn Quốc hay những biến động địa chính trị không mấy tác động đến thị trường trong nước.
Áp lực bán chiếm ưu thế hơn, đẩy nhiều nhóm ngành cổ phiếu lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Mức điểm thấp nhất của VN-Index trong phiên sáng về gần vùng 1.240 điểm. Sau đó, dòng tiền vào tích cực hơn giúp nhiều cổ phiếu thu hẹp sắc đỏ. Chỉ số VN-Index tiến gần mốc tham chiếu trước giờ nghỉ trưa.
Diễn biến trong phiên chiều có phần tiêu cực hơn, khi áp lực bán vẫn duy trì ở mức cao. Giai đoạn điều chỉnh thể hiện rõ rệt hơn so với trước đó, với áp lực bán khiến cả chỉ số và giá cổ phiếu giảm. Tuy nhiên, điểm tích cực là biên độ giảm không quá sâu và thanh khoản cũng ở mức trung bình.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 9,42 điểm (-0,75%) xuống 1.240,41 điểm. Toàn sàn HOSE có 109 mã tăng, 281 mã giảm và 65 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,67 điểm (-0,3%) xuống 224,62 điểm, với 70 mã tăng, 92 mã giảm và 54 mã đứng giá. UPCoM-Index tiếp tục giữ nguyên mức 92,44 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên hôm qua. Tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 575 triệu cổ phiếu (giảm 14,6%), tương ứng giá trị giao dịch ở mức 13.933 tỷ đồng (giảm 11%). Giao dịch thỏa thuận đóng góp 1.980 tỷ đồng ở sàn HOSE phiên hôm nay, giảm 52,5% so với phiên trước. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt 925 tỷ đồng và 598 tỷ đồng, tăng lần lượt 1,7% và 67%.
Các mã tác động tiêu cực lớn nhất đến VN-Index gồm BID, VHM, CTG, và MWG, lấy đi tổng cộng hơn 3,3 điểm. Ở chiều ngược lại, VCB, SAB, VTP, và PLX đóng góp hơn 1,4 điểm, nhưng không đủ để kéo chỉ số chung lên sắc xanh.
Đáng chú ý, các mã vốn hóa nhỏ lại có diễn biến tích cực. APH bất ngờ tăng trần lên 7.010 đồng/cổ phiếu với lượng dư mua trần hơn 1,2 triệu đơn vị. Các cổ phiếu khác như AGG, HNT, VC2, L14, VCA, DBT, và VHE cũng đồng loạt tăng trần. Đặc biệt, YEG tăng hết biên độ lên 12.750 đồng/cổ phiếu, khối lượng khớp lệnh đạt 6,2 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, sắc đỏ xuất hiện hầu hết ở các nhóm, trong đó nhóm ngành bán lẻ giảm mạnh nhất -1,79%, nhóm chứng khoán giảm 1,52%, nhóm hóa chất giảm 1,37%, nhóm công nghệ thông tin giảm 1,13%, nhóm bất động sản giảm 1%.
Tại nhóm bán lẻ, đà giảm chủ yếu đến từ các mã như MWG (-2,8%), FTR (-0,3%), PET (-1%), DHT (-3,2%)… Nhóm chứng khoán với các mã đóng cửa trong sắc đỏ như VND (-3,6%), VIX (-1,7%), SSI (-1%), HCM (-1,6%), SHS (-1,5%)…
Các mã công nghệ thông tin gây áp lực lên thị trường hôm nay gồm có FPT (-1%), CMG (-3,1%), ELC (-2,6%), SGT (-1%)… Còn tại nhóm bất động sản, các mã giảm nổi bật như DXG (-2,6%), VRE (-2,3%), NVL (-1,9%), DIG (-0,5%), VHM (-2%), TCH (-1,3%).
Ở chiều ngược lại, nhóm dầu khí phục hồi mạnh nhất với mức tăng 0,8%, nhờ đà tăng từ các mã như OIL (+3,4%), BSR (+1%), và LPX (+0,8%). Ngoài ra, nhóm xây dựng và vật liệu tăng nhẹ 0,39%, cùng nhóm hàng và dịch vụ công nghiệp ghi nhận mức tăng 0,05%, với điểm sáng từ HAH (+4,5%), VOS (+2,9%), và DL1 (+5,7%).
Top 5 cổ phiếu ghi nhận khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường gồm VND (20,4 triệu đơn vị), DXG (19 triệu đơn vị), VIX (15,7 triệu đơn vị), HPG (12,5 triệu đơn vị) và VRE (10,7 triệu đơn vị). Xét về giá trị giao dịch, FPT dẫn đầu với 813,7 tỷ đồng, tiếp theo là MWG (518,8 tỷ đồng), HPG (334,6 tỷ đồng), DXG (325,6 tỷ đồng) và MSN (296 tỷ đồng).
Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua
Khả năng cao sẽ điều chỉnh về mốc hỗ trợ quanh 1.220 điểm
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
VN-Index giảm điểm khá sâu và đóng cửa ở mức gần thấp nhất ngày. Đi kèm với biên độ giảm lớn là thanh khoản có sự gia tăng so với các phiên trước, khối lượng khớp lệnh trên HSX đã vượt mức trung bình 20 phiên (+0,74%) cho thấy tín hiệu tiêu cực trong ngắn hạn.
Khả năng cao VN-Index sẽ điều chỉnh về mốc hỗ trợ quanh 1.220 điểm, tại mốc này chúng tôi ưu tiên vị thế mua lại danh mục đã căn bán chốt lời ở vùng 1.249 điểm trước đó.
Xác suất thị trường điều chỉnh mạnh là không cao
Chứng khoán AIS
Áp lực bán gia tăng khiến VN-Index quay về kiểm định mốc hỗ trợ ngắn hạn 1.240 điểm (tương đương giá trị MA20 ngày). Bên cạnh đó, khối ngoại bán ròng trở lại tiếp tục là yếu tố gây áp lực lên thị trường chung.
Chúng tôi cho rằng xác suất thị trường điều chỉnh mạnh là không cao. Trong những phiên giao dịch tới, VN-Index sẽ có một số rebound, phục hồi và tiếp tục tích lũy trong vùng 1.240-1.260 điểm.
Cơ hội bắt đáy ở vùng giá chiết khấu
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Mặc dù chỉ số VN-Index ghi nhận nhịp điều chỉnh giảm nhưng vẫn có thể nhận thấy sự phân hóa giữa các cổ phiếu trên thị trường, theo đó mở ra cơ hội cho nhà đầu tư giải ngân bắt đáy ở vùng giá chiết khấu cho mục tiêu lướt sóng ngắn hạn.
Các cổ phiếu nên được quan tâm sẽ là các cổ phiếu không phá vỡ xu hướng đi lên, hoặc duy trì được dòng tiền và đang cho tín hiệu bứt phá từ vùng nền hỗ trợ đã được kiểm chứng. Trong đó, một số nhóm ngành đáng chú ý là phân đạm, ngân hàng, công nghệ-viễn thông, dầu khí.
Cơ hội hồi phục trong những phiên tới
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Bất chấp những nỗ lực phục hồi trong phiên, tín hiệu gia tăng của áp lực cung giá thấp, khiến VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất về cuối phiên, đã phần nào cho thấy sự mất kiên nhẫn của bên nắm giữ cổ phiếu.
Việc hình thành một thân nến đỏ dài cũng để ngỏ khả năng mở rộng thêm của nhịp điều chỉnh. Mặc dù vậy, khi chỉ số lùi về sâu trong vùng hỗ trợ gần, lực cầu giá thấp được kỳ vọng sẽ gia tăng và mang lại cơ hội hồi phục trong những phiên tới.
Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể trải lệnh, mở lại từng phần vị thế trading ngắn hạn khi chỉ số hoặc các mã cổ phiếu mục tiêu lùi về các vùng hỗ trợ.
Giải ngân khi có các tín hiệu xác nhận rõ ràng hơn về xu hướng
Chứng khoán Asean
Chúng tôi cho rằng thị trường trong nước sẽ có thể có thêm một vài pha rung lắc trong các phiên tới. Tuy nhiên,quan điểm về xu hướng hồi phục chủ đạo vẫn được giữ vững cho đến khi các yếu tố vĩ mô và dòng tiền có sự thay đổi theo hướng bất lợi gây ảnh hưởng thị trường.
Trong giai đoạn này, nhà đầu tư nên tập trung quan sát các cổ phiếu đầu tư dài hạn có nền tảng cơ bản và triển vọng kinh doanh tích cực.
Cân nhắc giải ngân khi thị trường có các tín hiệu xác nhận rõ ràng hơn về xu hướng tăng điểm trở lại đi kèm với sự gia tăng tốt về thanh khoản, đồng thời theo sát diễn biến tỷ giá và các thị trường thế giới để quản trị các rủi ro ngắn hạn.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.
Bảo Châu
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/nha-dau-tu-co-the-giai-ngan-bat-day-o-vung-gia-chiet-khau-cho-muc-tieu-luot-song-ngan-han-post556454.html