Nhà đầu tư giữ 'cái đầu lạnh' trước cơn sốt đất

Nhà đầu tư giữ 'cái đầu lạnh' trước cơn sốt đất
2 ngày trướcBài gốc
Nhà đầu tư đi “săn” các lô đất ở vùng ven Hà Nội. Ảnh: Trương Thanh
Người xuống tiền mua đất, kẻ nhanh chóng chốt lời
Vốn là người “làm công ăn lương”, ưu tiên sự ổn định, xưa nay chị Thu Hoa (nhân viên văn phòng) chọn giải pháp gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng để bảo toàn tài sản. Thế nhưng, trong khoảng một tháng trở lại đây, chị quyết định “vượt ra khỏi vòng an toàn” khi đầu tư bất động sản.
“Lãi suất gửi tiết kiệm quá thấp, nhiều nơi chỉ hơn 4%/năm. Do đó, tôi tìm đến bất động sản để có mức lãi suất cao hơn. Với số tiền 2,5 tỷ đồng, nếu tìm nhà trong nội thành Hà Nội, tôi chỉ có thể mua được căn hộ chưa có sổ đỏ hoặc những căn nhà nằm trong hẻm, nhưng nếu tìm tại khu vực ngoại thành, có thể mua được lô đất ở vị trí đẹp, sau một vài năm có khi sinh lời gấp 2-3 lần”, chị Thu Hoa chia sẻ lý do đầu tư nhà đất.
Không giấu sự hào hứng, chị kể, chị vừa đặt cọc một lô đất tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Qua tìm hiểu, những mảnh đất nằm trên trục giao thông chính của thôn, có đường rộng 6 m, tiềm năng kinh doanh tốt, đang được giao dịch với mức giá 19 - 26 triệu đồng/m2.
“Trước đây, tôi cứ nghĩ vùng ven sẽ hoang vu, ít người sinh sống, nhưng thực tế lại khác hẳn. Khu vực này khá đông dân, có hộ đang kinh doanh tạp hóa, quán ăn, cửa hàng điện thoại. Điều này giúp tôi an tâm hơn về khả năng thanh khoản của mảnh đất”, chị Hoa tâm sự.
Trái với chị Hoa, anh Xuân Tùng lại đang trong giai đoạn “chốt lời” một lô đất tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Vào tháng 10/2024, anh mua một mảnh đất rộng 120 m2 với giá 10,8 triệu đồng/m2. Chỉ sau 5 tháng, giá đất tại khu vực này đã tăng lên 15 triệu đồng/m2.
“Sau khi trừ các khoản thuế, phí và hoa hồng cho môi giới, tôi lãi khoảng 470 triệu đồng. Tôi chọn lô đất này vì có ngõ rộng 5,5 m, gần trường mầm non, sân golf, khu dân cư xung quanh cũng khá tấp nập”, anh Tùng nói.
Không chỉ ở Hà Nội, thị trường đất nền các tỉnh lân cận cũng sôi động không kém. Tại huyện Mỹ Hào (Hưng Yên), những mảnh đất có ngõ ô tô đỗ cửa đã tăng giá lên 26 triệu đồng/m2, gần gấp đôi so với hồi đầu năm ngoái. Còn tại nơi đang sốt đất như huyện Văn Giang, những mảnh nằm trong ngõ đang được rao bán lên tới 40 - 50 triệu đồng/m2.
Tại TP. Từ Sơn (Bắc Ninh), những mảnh đất có giá 15 triệu đồng/m2 gần như đã “tuyệt chủng”. Dù giá đã lên khá cao, song giao dịch vẫn diễn ra sôi động, các nhà đầu tư liên tục đến phòng công chứng sang tên, chuyển nhượng. Cá biệt, có trường hợp chủ đất sẵn sàng phá vỡ hợp đồng, chấp nhận đền tiền cọc để bán cho người khác với giá cao hơn.
Thận trọng khi “khiêu vũ” cùng giá đất
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc SGO Homes lưu ý, thị trường bất động sản đang chứng kiến cơn sốt đất cục bộ tại nhiều địa phương, với mức tăng giá đột biến trong thời gian ngắn. Nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố, bao gồm xu hướng dịch chuyển dòng vốn và những thông tin về sáp nhập địa phương.
“Cuối năm 2024, khi giá bất động sản Hà Nội đạt đỉnh, nhiều nhà đầu tư đã rút khỏi khu vực nội đô, chuyển hướng sang các thị trường vùng ven để tìm kiếm cơ hội sinh lời tốt hơn. Bước sang năm 2025, xu hướng này càng được thúc đẩy, khi Nhà nước tiếp tục tăng cường các chính sách hỗ trợ thị trường, đặc biệt là tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho hàng loạt dự án tại các tỉnh”, ông Chung bình luận.
Thị trường bất động sản đang chứng kiến cơn sốt cục bộ tại nhiều địa phương, nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố, bao gồm xu hướng dịch chuyển dòng vốn và những thông tin về sáp nhập địa phương.
Tuy nhiên, nếu để chỉ ra nguyên nhân căn bản khiến giá đất tăng mạnh trong thời gian qua, thì đó chính là những thông tin liên quan đến việc sáp nhập địa phương. Theo Tổng giám đốc SGO Homes, thị trường đã ghi nhận lượng giao dịch lớn và việc giá đất tăng không phải là do “bơm thổi”.
“Đơn cử, tại Bắc Giang, khi có thông tin sẽ sáp nhập với Bắc Ninh, chỉ trong vòng hai tuần qua, giá đất đã tăng 20 - 30%. Ngoài ra, lượng giao dịch trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đều đồng loạt đi lên”, ông Chung dẫn chứng.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, đợt tăng giá này chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Hiện nhiều nhà đầu tư đang rơi vào trạng thái FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội) trước các thông tin về sáp nhập tỉnh, thành phố. Trên thực tế, quá trình này không thể tạo ra những thay đổi lớn ngay lập tức cho các địa phương.
“Việc phát triển kinh tế, nâng cấp hạ tầng cần có thời gian. Thậm chí, nhà đầu tư sẽ phải chờ 3 - 5 năm mới có thể thấy những chuyển biến rõ rệt tại địa phương”, một chuyên gia lưu ý.
Dù tỏ ra vui mừng khi lượng khách hàng tìm đến doanh nghiệp đã tăng đáng kể trong thời gian qua, thanh khoản cũng tốt hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng ông V.A, giám đốc một công ty bất động sản bày tỏ lo ngại khi giá đất nhiều nơi có diễn biến khó lường.
“Thị trường đất nền hiện có nhiều tiềm năng, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Giá đất đang ‘nhảy múa’. Có nơi tăng vọt 30 - 50% chỉ trong 1 - 2 tháng mà chả vì lý do gì”, ông V.A cho hay.
Điều đáng lo ngại là nhiều nhà đầu tư đang chạy theo tâm lý đám đông, sẵn sàng rót những đồng tiền chắt chiu cả đời vào những tin đồn tăng giá. Chính những thông tin chưa được kiểm chứng này đã thổi bùng những “cơn sóng” bất thường trên thị trường đất nền.
“Trong bối cảnh hiện tại, tôi cho rằng, nhà đầu tư nên xuống tiền tại những khu vực có nội lực phát triển thực sự. Bên cạnh đó, người mua không nên sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn để ‘lướt sóng’. Khi thông tin về sáp nhập trở nên rõ ràng, thị trường sẽ bình ổn trở lại, thậm chí không tăng mạnh như kỳ vọng”, ông V.A khuyến cáo.
Thanh Vũ
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/batdongsan/nha-dau-tu-giu-cai-dau-lanh-truoc-con-sot-dat-d259578.html