Nhà đầu tư mong Luật Giáo dục có thêm quy định dành riêng cho giáo dục tư thục

Nhà đầu tư mong Luật Giáo dục có thêm quy định dành riêng cho giáo dục tư thục
2 ngày trướcBài gốc
Tọa đàm “Giáo dục tư thục trong kỷ nguyên vươn mình: Từ chính sách đến thực tiễn” do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức đã tạo ra một diễn đàn sôi nổi để các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các cơ sở giáo dục tư thục chia sẻ những vướng mắc đang tồn tại về cơ chế, chính sách, hoạt động. Từ đó đề xuất giải pháp phù hợp để khu vực này có thể phát triển một cách bền vững và đúng với vai trò, vị thế.
Tọa đàm có sự tham dự của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội; ông Lê Như Tiến – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội); ông Trịnh Ngọc Thạch - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội).
Cùng với đó là sự tham gia của hơn 40 thầy, cô là lãnh đạo, đại diện nhiều trường, hệ thống giáo dục tư thục, tập đoàn giáo dục: Hệ thống Giáo dục Newton; Hệ thống giáo dục Đoàn Thị Điểm; Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu; Hệ thống giáo dục FPT; Hệ thống giáo dục IQ School, Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng; Tập đoàn Equest...
Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: Doãn Nhàn
Còn nhiều rào cản khiến nhà đầu tư giáo dục dễ cảm thấy "chạnh lòng, nản chí"
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Bá Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị IQ School cho biết, là một nhà quản lý tâm huyết, gắn bó với giáo dục tư thục, có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Hệ thống giáo dục IQ School từ những ngày đầu tiên, hơn ai hết, ông thấu hiểu những khó khăn, bất cập.
Ông Nguyễn Bá Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị IQ School. Ảnh: Doãn Nhàn.
Chia sẻ một số vướng mắc trong vấn đề gỡ khó cho trường tư thục phát triển, ông Nguyễn Bá Hùng dẫn chứng tinh thần Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó nhấn mạnh kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư giáo dục tư thục, để "gỡ" những vấn đề rào cản phát triển trường tư vẫn là chặng đường rất gian nan.
"Việc xây dựng 1 ngôi trường là vấn đề vô cùng khó khăn đối với những người làm giáo dục chân chính. Tại Hà Nội, thị trường giáo dục có sự cạnh tranh gay gắt và các tập đoàn đầu tư lớn đã có kinh nghiệm cũng như tiềm lực mạnh để làm giáo dục. Tuy nhiên, quy hoạch cứng nhắc cũng làm khó nhà đầu tư. Dù có đất nhưng với quy hoạch ô này làm mầm non, ô đất khác làm trung học cơ sở...khiến nhà đầu tư khó linh hoạt trong việc thành lập trường. Thực tế, nhà đầu tư trước khi thành lập trường hơn ai hết phải biết thị trường cần gì. Quy hoạch rời rạc tách bạch bậc học khiến nhà đầu tư gặp khó", ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng kể thêm: "Ba năm trước, tôi đã nhen nhóm ý định đầu tư phát triển cơ sở giáo dục ở huyện tại tỉnh miền Trung, nhưng khi nhìn vào các thủ tục hành chính, tôi cảm thấy nản lòng. Trong khi đó, người dân nơi đây đều mong muốn giáo dục địa phương phát triển hơn, con em có cơ hội tiếp cận với chương trình đào tạo đa dạng hơn, nhưng thực tế lại vô cùng phức tạp".
Có thể thấy, trên thực tế, dù nhu cầu giáo dục chất lượng cao là có thật, nhưng những người muốn đầu tư giáo dục một cách nghiêm túc lại thường vấp phải nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý, quy hoạch đất đai, thủ tục hành chính và đặc biệt là thiếu chính sách hỗ trợ cụ thể cho các nhà đầu tư giáo dục tư nhân, khiến họ không khỏi "chạnh lòng" trước những ưu đãi cho khối công lập chất lượng cao.
Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang trong quá trình lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục 2019. Vì thế, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục IQ School, các nhà đầu tư sẽ rất phấn khởi nếu Luật Giáo dục có thêm điều khoản dành riêng cho giáo dục tư thục. Chúng ta cần tạo ra một khung pháp lý rõ ràng giúp các nhà đầu tư tự chủ và phát triển hiệu quả hơn trong lĩnh vực giáo dục.
Nhà đầu tư giáo dục tham gia làm nhiệm vụ hoạch định chính sách sẽ sát thực tiễn, tạo sự công bằng công - tư
Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu đánh giá cao Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vừa qua có đăng tải tuyến bài về đề xuất ký hợp đồng với chuyên gia, doanh nhân làm nhiệm vụ của quản lý, lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở tỉnh, thành phố. Bởi trong quá trình vận hành trường tư, từ kinh nghiệm thực tế của nhà trường, nhà đầu tư, lãnh đạo cơ sở giáo dục tư nhân có thể tham gia, đóng góp để góp phần xây dựng chính sách phù hợp với thực tiễn của xã hội.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu chia sẻ từ điểm cầu trực tuyến. Ảnh: Doãn Nhàn.
“Thời gian qua, giáo dục tư thục vẫn chưa có những chính sách riêng, các nội dung về giáo dục tư thục có thể chỉ được đề cập trong một vài dòng ở một vài điều khoản rất nhỏ. Vì thế, tôi cho rằng, cần có những chương mục rõ ràng hơn nữa trong luật giáo dục đối với giáo dục tư nhân. Còn nếu không có những chính sách ưu đãi dành cho giáo dục tư thục, thì sự phát triển sẽ là rất khó khăn.
Nếu có thể đưa các chuyên gia, nhà đầu tư giáo dục, nhà quản lý giáo dục tư thục đứng từ kinh nghiệm thực tiễn đó tham gia xây dựng chính sách, sẽ sát sao hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển giáo dục tư thục nói riêng và thúc đẩy sự phát triển của cả nền giáo dục nói chung. Đồng thời, điều này cũng mang lại sự công bằng và bình đẳng hơn giữa các trường công và tư", cô Thúy bày tỏ.
Trường tư đã chứng minh được họ là những người đi đầu trong đổi mới sáng tạo. Chẳng hạn, nhiều trường tư đã tiên phong trong việc đưa giáo dục song ngữ vào giảng dạy trước khi các trường công áp dụng. Họ chủ động trong việc quản lý nhân lực và thu hút những giáo viên trẻ, có trình độ cao nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài ra, không thể phủ nhận rằng lực lượng giáo viên trẻ đến từ các trường tư sẽ là nguồn nhân lực quý giá cho sự phát triển giáo dục nước nhà.
Cần xác định rõ vai trò, vị thế của giáo dục tư thục
Tại điểm cầu trực tuyến của tọa đàm, Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng bày tỏ sự phấn khởi khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tạo được một diễn đàn sôi nổi để thầy, cô, lãnh đạo khối tư thục có thể chia sẻ những khó khăn trong hoạt động, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp.
Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng chia sẻ từ điểm cầu trực tuyến. Ảnh: Doãn Nhàn.
"Chúng ta phải xác định được vai trò của trường tư thục. Tôi muốn nhấn mạnh rằng trường tư thục ra đời không phải để cạnh tranh với trường công lập. Trường tư luôn nỗ lực đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng, có sự tham gia, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền giáo dục.
Các mô hình trường tư thục ở Hà Nội rất đa dạng, từ các trường có yếu tố quốc tế, các trường thuộc các tập đoàn kinh tế đến những trường đã phát triển lâu năm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa làm rõ nét được vai trò của trường tư cũng như cả những hạn chế, thiếu sót", thầy Lâm chia sẻ.
Theo chia sẻ của thầy Lâm, kỳ tuyển sinh vào 10 năm 2025, số đông các trường tư tuyển sinh chỉ đạt tỷ lệ 20 - 50%. Tại Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, tỷ lệ này đạt 50%. Thầy Lâm cho rằng, thực tế, số học sinh tuyển được không đạt như kỳ vọng mà các cơ sở đặt ra. Vậy lý do xuất phát từ đâu dẫn đến "khủng hoảng" trong tuyển sinh của khối trường tư thục?
"Theo tính toán của Sở Giáo dục và Đào tạo, vẫn ở trong tỷ lệ cho phép, nhưng thực tế thì trường tư tuyển sinh rất khó khăn, nguồn tuyển học sinh cũng ít ỏi. Dù là trường công lập hay tư thục, mỗi loại hình đều có sứ mệnh và vai trò riêng trong hệ thống giáo dục, và đều xứng đáng được tồn tại, được ghi nhận. Điều quan trọng là cần nhận diện những rào cản, bất cập đang cản trở sự phát triển của các trường, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp", thầy Tùng Lâm bày tỏ.
Trong bối cảnh hiện nay, mọi cơ sở giáo dục - không phân biệt công hay tư, đều phải góp phần vào nhiệm vụ chung là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Giáo dục cần hướng đến sự phát triển toàn diện, đào tạo những cá nhân đáp ứng yêu cầu, phục vụ cho sự phát triển lâu dài và bền vững của quốc gia.
Trước đề xuất và ý kiến từ phía cơ sở giáo dục tư thục về việc đề xuất thí điểm ký hợp đồng chuyên gia, nhà đầu tư giáo dục để thực hiện một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý ở sở giáo dục và đào tạo thành phố lớn, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) của Quốc hội, đánh giá đây là một đề xuất hợp lý, phù hợp với thực tiễn.
Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) của Quốc hội. Ảnh: Doãn Nhàn.
Nhìn từ kinh nghiệm của một số quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Pháp, ông Tiến cho rằng, hệ thống trường tư của họ rất phát triển, với những cơ chế cởi mở. Do đó, trường tư được đánh giá có chất lượng đào tạo tốt, tự chủ cả về tài chính, học thuật.
"Chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng các chính sách hiện hành liên quan đến giáo dục tư thục, bởi vì hệ thống này có vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước. Ðặc biệt trong bối cảnh Nhà nước thúc đẩy xã hội hóa giáo dục thì các nhà đầu tư vào lĩnh vực này cũng góp phần giúp giảm gánh nặng ngân sách, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao cho học sinh.
Tôi rất mong rằng, từ cuộc tọa đàm này, các ý kiến của thầy cô sẽ là nguồn đóng góp quý giá giúp các chính sách giáo dục sát thực tiễn hơn, từ đó tạo ra môi trường thuận lợi, công bằng cho cả giáo dục tư thục và công lập phát triển mạnh mẽ", ông Lê Như Tiến bày tỏ.
Thi Thi
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/nha-dau-tu-mong-luat-giao-duc-co-them-quy-dinh-danh-rieng-cho-giao-duc-tu-thuc-post253078.gd