Nhà đầu tư 'quay xe' trước dự báo khó khăn của Vĩnh Hoàn

Nhà đầu tư 'quay xe' trước dự báo khó khăn của Vĩnh Hoàn
14 giờ trướcBài gốc
Thị trường Mỹ trở thành điểm trừ
Vĩnh Hoàn là một trong số ít doanh nghiệp đầu ngành được niêm yết và luôn chiếm tỷ trọng cao tại thị trường Mỹ, đặc biệt là khi Mỹ cấm nhập khẩu hải sản của Nga từ tháng 3/2022.
Theo dữ liệu Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra sang Mỹ năm 2024 đạt 345 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ.
Tương tự thị trường chung, kết thúc năm 2024, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu tăng 24,7%, đạt 12.512,79 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 33,8%, lên 1.302,6 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 14,9% lên 15,1%.
Bước sang năm 2025, Vĩnh Hoàn tiếp tục lên kế hoạch tham vọng với doanh thu tăng 10,3%, lên 13.800 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 22,3%, lên 1.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, gió đã đổi chiều nhanh chóng khi Mỹ công bố thuế quan đối ứng và Việt Nam là một trong số các nước có khả năng chịu mức thuế cao. Dù chưa chính thức áp thuế, còn thời gian đàm phán, nhưng nhà đầu tư đã lo ngại, đánh giá tác động tiêu cực.
Bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Phòng Phân tích chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, ngành thủy sản, đặc biệt là tôm và cá tra - có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ khoảng 1,8 tỷ USD (chiếm 1,5% tổng xuất khẩu sang Mỹ) - sẽ phải đối mặt với việc tăng chi phí do thuế cao. Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam.
“Các nước đối thủ có thị phần xuất khẩu thủy sản vào Mỹ lớn nhất gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Ecuador, thì ngoại trừ Trung Quốc, các nước còn lại đang có mức thuế đối ứng đề xuất thấp hơn nhiều so với Việt Nam (Ấn Độ: 26%, Indonesia: 32% và Ecuador: 10%)”, bà Trang lưu ý.
Thực tế, không chỉ nhà đầu tư lo ngại, lãnh đạo doanh nghiệp cũng đang có góc nhìn thận trọng về sự không chắc chắn của thị trường. Trong đó, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn đánh giá, nếu áp dụng mức thuế đối như công bố đối với hàng hóa của Việt Nam, ước tính mức thuế đáp trả được công bố có thể ảnh hưởng tiêu cực 15 - 30% đến lợi nhuận ròng sau thuế năm 2025. “Tuy nhiên, tình hình vẫn đang diễn biến và tác động thực tế có thể thay đổi tùy theo cách thuế cũng như các yếu tố ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi”, bà Tâm nói.
Như vậy, thành công trong quá khứ của Vĩnh Hoàn là chinh phục được thị trường khó tính Mỹ, giúp duy trì biên lợi nhuận cao, vượt trội so với các doanh nghiệp chỉ khai thác các thị trường châu Á. Tuy nhiên, với rủi ro liên quan thị trường trọng yếu, Vĩnh Hoàn được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức tại thị trường Mỹ nói riêng và hoạt động xuất khẩu cá tra năm 2025 nói chung.
Cổ phiếu liên tục dò đáy
Khi triển vọng ngành thay đổi quá nhanh, cổ phiếu VHC cũng có dấu hiệu bị bán mạnh. Từ ngày 2/4 đến ngày 17/4, cổ phiếu VHC đã giảm 26,9%, từ 62.800 đồng về 45.900 đồng/cổ phiếu. Thị trường chứng khoán cũng điều chỉnh trong cùng thời gian, nhưng Chỉ số VN-Index chỉ giảm 7,6% và thị trường có dấu hiệu phục hồi từ ngày 9/4.
Được biết, với giá đang giao dịch 45.900 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VHC đang giao dịch vùng định giá P/E là 8,4 lần, thấp hơn giai đoạn bình thường là 11 - 15 lần; giao dịch vùng định giá P/B là 1,19 lần, thấp hơn trung bình ngành là 1,4 lần.
Như vậy, cổ phiếu VHC vẫn đang tiếp tục dò đáy và đi ngược xu hướng phục hồi của thị trường, ngay cả khi cổ phiếu VHC giao dịch vùng định giá hấp dẫn so với ngành và so với lịch sử chính cổ phiếu này.
Thực tế, về mặt định giá dựa trên dữ liệu lịch sử là Báo cáo tài chính năm 2024 cho thấy, cổ phiếu VHC giao dịch vùng định giá hấp dẫn sau nhịp tăng mạnh. Tuy nhiên, nhà đầu tư lo ngại, tác động tiêu cực từ mức thuế quan đối ứng (nếu áp dụng) có thể ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, từ đó làm giảm lợi nhuận, đồng thời giảm tỷ suất lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) và dẫn tới định giá P/E tăng lên, kéo theo sự kém hấp dẫn của cổ phiếu trong tương lai.
Duy Bắc
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/nha-dau-tu-quay-xe-truoc-du-bao-kho-khan-cua-vinh-hoan-d269493.html