Kira Learning, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ giáo dục do Andrew Ng đứng đầu, vừa giới thiệu một nền tảng mới đưa các tác tử AI vào lớp học.
Andrew Ng (Chủ tịch Kira Learning) là nhà nghiên cứu AI hàng đầu, giáo sư Đại học Stanford (Mỹ) và từng đồng sáng lập Google Brain. Google Brain là nhóm nghiên cứu về AI được thành lập vào năm 2011 như dự án hợp tác giữa Google và một số nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực học sâu.
Học sâu là lĩnh vực trong AI tập trung vào việc xây dựng và huấn luyện các mô hình học máy sâu, còn được gọi là mạng nơ-ron sâu. Mục tiêu của học sâu là tự động học các đặc trưng và biểu diễn cấp cao từ dữ liệu, giúp máy tính tự động thực hiện các nhiệm vụ phức tạp mà trước đây đòi hỏi sự can thiệp của con người.
Mô hình học sâu thường được xây dựng bằng cách sử dụng nhiều lớp của các nơ-ron. Nơ-ron là các đơn vị tính toán cơ bản mô phỏng theo cách hoạt động của não người. Những mô hình này có khả năng học các biểu diễn phức tạp của dữ liệu thông qua quá trình huấn luyện trên tập dữ liệu lớn.
Học sâu đã đạt được sự chú ý lớn nhờ vào khả năng giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề khác nhau, gồm nhận dạng hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng giọng nói, dịch ngôn ngữ, phân tích dự đoán, robot và nhiều ứng dụng khác trong thực tế. Các mô hình nổi tiếng trong học sâu bao gồm Mạng nơ-ron tích chập (CNN) và Mạng nơ-ron hồi quy (RNN).
Các tác tử AI từ Kira Learning sẽ đảm nhận những công việc lặp đi lặp lại vốn tiêu tốn nhiều giờ làm việc của giáo viên, như chấm điểm, lập kế hoạch bài giảng, phân tích thảo luận trong lớp để đưa ra cái nhìn sâu hơn về học sinh nào đang tiến bộ và em nào đang gặp khó khăn. Nền tảng này cũng cung cấp hình thức dạy một kèm một cho học sinh.
Kira Learning cho biết mục tiêu là giúp giáo viên có thêm thời gian tập trung vào việc định hình quá trình học tập thay vì chỉ đơn thuần truyền đạt kiến thức.
Khi AI ngày càng được tích hợp vào lớp học, Andrew Ng xem đây là một phần trong sự thay đổi lớn hơn về vai trò của giáo viên.
"AI đang giúp tái định nghĩa thế nào là một giáo viên giỏi. Theo truyền thống, chúng ta kỳ vọng giáo viên là những chuyên gia trong môn học. Song khi thị trường lao động thay đổi quá nhanh và các trường đưa vào những môn học mới để chuẩn bị cho học sinh đối mặt thế giới đang phát triển không ngừng, chuyện gì sẽ xảy ra khi một giáo viên được yêu cầu dạy môn hoàn toàn mới, ví dụ khoa học máy tính, mà không có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đó?", Andrew Ng chia sẻ với trang Insider.
Kira Learning từng xử lý tình huống tương tự. Kira Learning ra mắt vào năm 2021 với mục tiêu giúp các giáo viên không có nền tảng về khoa học máy tính có thể giảng dạy hiệu quả môn học này. Thời điểm đó, nhiều bang ở Mỹ bắt đầu thông qua luật yêu cầu khoa học máy tính là môn bắt buộc để tốt nghiệp trung học.
"Khoa học máy tính bắt đầu được đưa vào các trường trung học phổ thông với vị trí ngang hàng các môn như tiếng Anh, Sinh học và Lịch sử. Giữa lúc luật được thông qua và việc trở thành yêu cầu chính thức cho học sinh, các trường thường chỉ có khoảng một đến hai năm chuẩn bị. Điều đó đòi hỏi việc đào tạo khẩn trương", Andrea Pasinetti, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Kira Learning, chia sẻ với trang Insider.
Để giúp giáo viên bắt kịp nhanh chóng, Kira Learning đã phát triển các gia sư AI giúp họ làm chủ môn học, đồng thời xây dựng những trợ lý giảng dạy AI để hỗ trợ trực tiếp trong lớp. Năm 2023, Kira Learning hợp tác với bang Tennessee, một trong những nơi đầu tiên áp dụng luật này, để triển khai nền tảng tại tất cả trường trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập ở bang này. Kể từ đó, nền tảng của Kira Learning đã được áp dụng ở hàng trăm học khu trên toàn nước Mỹ.
Hiện tại, Kira Learning mở rộng nền tảng để bao phủ tất cả môn học. Bộ công cụ tác tử AI mới sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu cuối cùng của công ty là cá nhân hóa quá trình học tập. Đây là điều mà Andrea Pasinetti nói là "gần như không thể" hiện tại trong bối cảnh các trường đang thiếu nhân sự trầm trọng.
Các lãnh đạo Kira Learning (từ trái qua phải) gồm Chủ tịch Andrew Ng, Giám đốc điều hành Andrea Pasinetti, Phó chủ tịch phụ trách AI Jagriti Agarwal - Ảnh: Insider
Dùng AI để cải thiện việc học
Andrew Ng từ lâu là người đi đầu trong lĩnh vực AI và giáo dục. Chuyên gia AI hàng đầu này sáng lập các hãng công nghệ giáo dục như Coursera và DeepLearning.AI – nơi đang cung cấp khóa học mới nhất của ông mang tên Vibe Coding 101. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Forbes năm 2014, Andrew Ng từng nói rằng AI có "tiềm năng giải phóng con người khỏi những công việc trí óc nhàm chán".
Hơn một thập kỷ sau, quan điểm đó đã lan rộng trong giới doanh nghiệp, nơi nhân viên sử dụng AI để loại bỏ các công việc lặp đi lặp lại như viết email, phân tích dữ liệu và tổng hợp thông tin. Tuy nhiên trong lĩnh vực giáo dục, thế nào là "lao động trí óc nhàm chán" vẫn còn là câu hỏi mở, đặc biệt khi cả giáo viên lẫn học sinh lo ngại công nghệ sẽ khiến kỹ năng bị trì trệ.
Ở một mức độ nào đó, Kira Learning đang đảo chiều cách sử dụng AI tạo sinh để cắt giảm những việc bận rộn và nâng cao chất lượng học tập.
Công nghệ nền tảng của AI là một loại "công nghệ mang tính đối thoại", theo Andrea Pasinetti. Dù tính chất phương pháp luận của AI có thể giúp học sinh tiếp cận nội dung theo kiểu Socratic (đối thoại qua lại) nhưng công nghệ này cũng được thiết kế để trả lời nhanh nhất có thể. Điều đó có thể cản trở quá trình học thật sự. Các chatbot AI phổ biến hiện nay cạnh tranh với Google để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định.
Kira Learning muốn tạo ra "sự cản trở có tính toán" trong đối thoại giữa học sinh và AI, để các em thực sự "vật lộn" và học được điều gì đó từ quá trình đó.
Cụ thể hơn, nền tảng của Kira Learning có thể hướng dẫn học sinh từng bước giải quyết vấn đề khó, bằng cách tự điều chỉnh theo trình độ hiểu biết của học sinh.
Các tác tử AI của Kira Learning sử dụng những dữ liệu này để cung cấp thông tin cho giáo viên về năng lực học sinh, bằng cách xây dựng bản đồ tri thức, cho thấy các em đã nắm được những gì và còn thiếu gì trong một môn học.
Trường học đang áp dụng công nghệ nhiều hơn
Mô hình kinh doanh của Kira Learning đặt cược vào việc lớp học ngày càng chấp nhận AI, dữ liệu và công nghệ học tập hỗ trợ.
Những năm gần đây, nhiều trường đã bắt đầu áp dụng "công nghệ học tập thích ứng", giúp thu thập và tận dụng dữ liệu về hiệu suất, tiến độ và phong cách học của học sinh để cá nhân hóa trải nghiệm học tập. Công nghệ đó nhằm tăng tính công bằng trong lớp và giúp giáo viên, học sinh sử dụng thời gian hiệu quả hơn.
Điều này trùng hợp với sự phổ biến của các hệ thống quản lý học tập (LMS) trong đại dịch COVID-19. Đó là các phần mềm như Blackboard, Moodle hoặc TalentLMS giúp thiết kế và quản lý lớp học trực tuyến. Theo tổ chức truyền thông phi lợi nhuận EducationWeek, các LMS bùng nổ vào năm 2020–2021.
Theo khảo sát từ EducationWeek với 1.000 lãnh đạo học khu, hiệu trưởng và giáo viên năm 2022, chỉ 6% giáo viên cho biết học khu của họ không sử dụng LMS. Các trường có thể tích hợp Kira Learning vào LMS hiện tại hoặc sử dụng nền tảng này như một LMS độc lập.
Andrea Pasinetti nói việc áp dụng Kira Learning có thể giúp các trường loại bỏ ít nhất 4 - 5 phần mềm, thường là những phần mềm tốn kém nhất.
Các lãnh đạo Kira Learning tin rằng AI sẽ cách mạng hóa mối quan hệ giữa học sinh, giáo viên và công nghệ – điều có thể mở ra những thay đổi sâu rộng hơn trong tương lai.
"Đây là sự chuyển đổi lớn đang diễn ra. Khi bạn không có chuyên môn về lĩnh vực nào đó, bạn gần như đang học cùng học sinh của mình. Tôi nghĩ rằng tư duy này có thể hữu ích", Jagriti Agrawal, nhà đồng sáng lập và Phó chủ tịch phụ trách AI của Kira Learning, nói.
Sơn Vân