Lễ trao Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia lần thứ 16 (2024-2025) được tổ chức với sự tham dự của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các đồng chí lãnh đạo đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương.
Đại diện ACV nhận giải thưởng “Vì sự phát triển Kiến trúc”.
Lễ trao Giải thưởng đã vinh danh những công trình kiến trúc tiêu biểu, ghi dấu ấn sâu đậm trong dòng chảy phát triển của đất nước, trong đó có công trình kiến trúc "Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài" được xướng danh với hai hạng mục giải thưởng: Giải Vàng danh giá hạng mục Công trình Kiến trúc Đặc biệt và Giải thưởng "Vì sự phát triển Kiến trúc".
Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia là giải thưởng cấp quốc gia cao quý nhất được trao trong lĩnh vực kiến trúc do Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội KTS Việt Nam, Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức.
Giải thưởng được tổ chức xét chọn, trao giải định kỳ 2 năm 1 lần. Giải thưởng nhằm thúc đẩy sáng tạo, tôn vinh tác giả, tác phẩm kiến trúc xuất sắc trên toàn quốc, góp phần định hướng phát triển nền kiến trúc Việt Nam và nâng cao nhận thức cộng đồng về nghệ thuật kiến trúc.
Nhóm thiết kế Nhà ga hành khách T2 – Cảng HKQT Phú Bài nhận giải Vàng.
Ông Lê Văn Khiên, Thành viên HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đại diện chủ đầu tư cùng nhóm thiết kế là các kiến trúc sư Kyo Ariyoshi, Nguyễn Đăng Quang, Hiroyuki Enomoto, Phạm Tiến Thắng và cộng sự đã vinh dự đón nhận các giải thưởng.
Thành tựu này không chỉ là sự ghi nhận cho một công trình hạ tầng hàng không hiện đại, mà còn là minh chứng cho một triết lý thiết kế sâu sắc, nơi các yếu tố cấu thành cơ sở được thấu hiểu và tối ưu hóa để tạo ra giá trị gia tăng bền vững, một tác phẩm kiến trúc biết trân trọng quá khứ, đối thoại với hiện tại và sẵn sàng cho những vận hội tương lai.
Công trình Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, với vẻ ngoài đương đại và quy mô ấn tượng, là kết tinh của một quá trình nghiên cứu khoa học, đặt nền tảng trên sự thấu hiểu các yêu cầu cơ bản và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Ngoại thất của nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.
Nhà ga hành khách T2 là một thông điệp kiến trúc, được truyền cảm hứng từ những biểu tượng trường tồn của vùng đất: Sự uy linh của quần thể Núi Ngự, vẻ đẹp thơ mộng của dòng Hương Giang và chiều sâu của di sản văn hóa - lịch sử cố đô.
Ngoại thất của Nhà ga hành khách T2 mang đậm dấu ấn kiến trúc cung điện Huế với các lớp mái chồng xếp ấn tượng, được cách điệu và áp dụng một cách hiện đại.
Từ hướng đường tiếp cận, mái công trình trải dài và vươn lên, tạo nên hình ảnh như cung điện Huế đang vút cao vào bầu trời. Thiết kế này không chỉ thể hiện một biểu tượng của quá khứ mà còn là khát vọng vươn lên, mở ra một tương lai hiện đại, đầy triển vọng.
Bên trong nhà ga, không gian được thiết kế mở, chào đón hành khách một cách ấm áp và thân thiện. Mái đua lớn không chỉ tạo điểm nhấn kiến trúc mà còn bảo vệ hành khách khỏi những cơn mưa đặc trưng của Huế.
Ngoại thất của Nhà ga hành khách T2 mang đậm dấu ấn kiến trúc cung điện Huế, với các lớp mái chồng xếp ấn tượng.
Ánh sáng tự nhiên được đưa vào qua hệ thống lưới tản nhiệt bằng gỗ, chiếu sáng bề mặt bể cảnh trên sân hiên, làm cho không gian trở nên trong lành và hòa hợp với thiên nhiên. Đây là một không gian không chỉ đơn thuần là nơi giao thông mà còn mang lại trải nghiệm đáng nhớ cho mọi du khách.
Nhà ga hành khách T2 được quy hoạch dựa trên những dự báo khoa học về nhu cầu hành khách, đồng thời tích hợp các giải pháp quy hoạch mở rộng dài hạn. Điều này đảm bảo công trình có thể linh hoạt thích ứng với những biến động và tăng trưởng của ngành hàng không trong bối cảnh toàn cầu hóa, duy trì chất lượng dịch vụ vượt trội đồng thời tối ưu hóa chi phí xây dựng và vận hành.
Việc khéo léo đáp ứng các đặc điểm và tình huống vận hành đa dạng không chỉ làm tăng hiệu quả của các chức năng xây dựng nhà ga mà còn duy trì và nâng cao giá trị công trình trong nhiều năm tương lai.
Với hai giải thưởng danh giá, Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài đã một lần nữa khẳng định vị thế là một công trình kiến trúc tiêu biểu, một biểu tượng văn hóa đáng tự hào của Thừa Thiên Huế và là một đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kiến trúc quốc gia.
Công trình không chỉ là một nút giao thông trọng điểm mà còn là một ấn tượng đáng nhớ, minh chứng thuyết phục cho sự dung hợp hài hòa giữa kiến trúc đương đại, hiệu quả vận hành tối ưu và sự thăng hoa của các giá trị di sản trường tồn.
Biển Ngọc