Theo đó, vào 12h trưa 24/5, tại khu vực kiểm tra vé và băng chuyền hành lý của Vietnam Airlines ở nhà ga T3, hành khách bất ngờ khi thấy nước mưa chảy xuống từ các khe mái.
Nước chảy ngay tại quầy làm thủ tục khiến nhân viên, khách hàng đều bối rối. Hình ảnh ghi lại cho thấy nước mưa chảy xuống từ các mối nối trần, tạo nên những vệt loang kéo dài.
Cần phải nhắc lại rằng, đây là lần thứ hai nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bị dột nước mưa, gây lo ngại về chất lượng công trình dù mới được khánh thành, đưa vào sử dụng.
Trước đó hôm 7/5, cũng sau mưa lớn, hành khách từng ghi nhận dột mái tại khu vực phòng chờ ra cửa khởi hành.
Đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - chủ đầu tư nhà ga T3) cho biết đã chỉ đạo nhà thầu nhanh chóng rà soát, khắc phục.
Theo đó, đại diện Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), đơn vị phụ trách thi công phần mái, xác nhận tình trạng nước chảy từ trên trần nhà xuống dưới sảnh, ngay khu vực của Vietnam Airlines trưa 24/5.
Nước chảy thành dòng ở nhà ga T3- Tân Sơn Nhất trong cơn mưa trưa ngày 24/5 (ảnh cắt từ clip)
Theo lý giải của Hancorp, nước từ mái nhà ga được thu gom qua hệ thống máng, ống thoát xuống hố ga hạ tầng. Một mối nối của ống thoát nước bị hở gioăng nên nước thoát ra ngoài. Do là ống dọc nên lực nước dội xuống rất lớn, thoát ra bên ngoài, xuống sàn nhà ga.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, đơn vị đã cho khắc phục ngay, kỹ sư, công nhân lên mái để kiểm tra toàn bộ hệ thống ống thoát, đến nay không còn rò rỉ nước. Trong tối 24/5 nhà thầu đã thay thế gioăng và xử lý triệt để mối nối.
Không chỉ liên tục bị dột, sàn lát đá nhà ga T3 còn bị phản ánh về việc thi công lát đá lem nhem, các khe hở lớn gây mất mỹ quan.
Nhà ga T3- sân bay Tân Sơn Nhất là dự án trọng điểm do ACV làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng.
Công trình được khởi công vào cuối năm 2022, khánh thành vào ngày 19/4 và chính thức đi vào vận hành từ ngày 30/4/2025.
Với quy mô hơn 112.500m2 sàn, bao gồm một tầng hầm và bốn tầng nổi, nhà ga T3 được thiết kế tách biệt khu vực đi và đến, trang bị 90 quầy thủ tục, 20 quầy bagdrop, 42 quầy check-in và 27 cửa ra máy bay. Ngoài ra, hạng mục nhà xe kết hợp dịch vụ phi hàng không cũng có quy mô lớn với hai tầng hầm và bốn tầng nổi, rộng 130.000m2.
Khi đi vào hoạt động, nhà ga T3 dự kiến phục vụ 20 triệu lượt hành khách nội địa mỗi năm, góp phần giảm áp lực quá tải cho nhà ga T1 và nâng tổng công suất khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách/năm.
Hiện tất cả các chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines đã được chuyển sang khai thác ở nhà ga T3.
Dự án xây dựng nhà ga T3 chia thành 3 gói thầu chính. Trong đó, gói thầu số 12 - xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga có giá trị lớn nhất và do liên danh 6 nhà thầu cùng thực hiện, với Hancorp đảm nhận phần mái.
N.T