Nước mưa tràn xuống từ khe mái, ướt cả khu vực kiểm tra vé
Khoảng trưa ngày 24/5, khi cơn mưa trút xuống nhiều khu vực ở TP.HCM, tại Nhà ga T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảnh tượng dột nước tiếp tục tái diễn. Tại khu vực kiểm tra vé hành khách và khu vực băng chuyền hành lý, nước mưa từ các khe hở trên mái nhà chảy xuống từng dòng, tạo nên những vũng nước lớn, làm ướt sàn nhà và gây bất tiện cho hành khách đang làm thủ tục và nhận hành lý.
Một số hành khách tỏ ra bất ngờ khi chứng kiến cảnh tượng này tại một công trình hàng không hiện đại vừa mới khánh thành chưa đầy một tháng. “Tôi không nghĩ nhà ga mới lại bị dột nhiều đến vậy. Chỗ nào cũng thấy nước nhỏ xuống, phải tránh né liên tục,” một hành khách chia sẻ.
Không phải lần đầu tiên bị dột
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Nhà ga T3 gặp tình trạng tương tự. Trước đó, vào ngày 7/5 – chỉ vài ngày sau lễ khánh thành – khu vực nhà ga cũng đã từng bị dột khi gặp mưa. Hình ảnh hành khách đi máy bay phải né nước, nhân viên dùng xô chậu hứng nước đã từng gây xôn xao trên mạng xã hội.
Sự tái diễn của tình trạng dột nước khiến dư luận đặt câu hỏi lớn về chất lượng thi công cũng như quy trình nghiệm thu công trình quy mô lớn này.
Video do người dân cung cấp
Nhà ga T3 có tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công từ cuối năm 2022, hoàn thành và khánh thành vào ngày 19/4/2025, sau đó chính thức đi vào vận hành từ 30/4/2025 – đúng dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhà ga có tổng diện tích mặt sàn 112.500m², công suất phục vụ lên đến 20 triệu lượt hành khách nội địa mỗi năm. Đây là công trình trọng điểm nhằm giảm tải cho Nhà ga T1 vốn quá tải nhiều năm qua, đồng thời nâng tổng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách mỗi năm.
Công trình gồm 3 hạng mục chính: ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn. Trong đó, nhà ga hành khách có một tầng hầm, bốn tầng nổi với 90 quầy thủ tục, 20 quầy bagdrop tự động, 42 quầy check-in và 27 cửa ra máy bay. Hạng mục nhà xe kết hợp dịch vụ phi hàng không rộng tới 130.000m², gồm hai tầng hầm và bốn tầng nổi.
Tại lần dột đầu tiên ngày 7/5 thì chiều 8/5, đại diện chủ đầu tư dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cho biết, ngay trong ngày 8/5 các đơn vị sẽ xử lý dứt điểm tình trạng “dột nước” ở nhà ga T3. Tại thời điểm đó trao đổi với phóng viên VOV, ông Lê Khắc Hồng, Trưởng Ban quản lý Dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cho biết, nguyên nhân của việc nhà ga T3 bị dột là do thời tiết tại TP.HCM thời gian qua nắng nóng, nhiệt độ trên bề mặt kính tăng cao đến 70- 80 độ C, dẫn đến bung lớp keo silicon, tạo khe hở. Do đó vào chiều 7/5, khi TP.HCM có trận mưa lớn đã dẫn đến tình trạng “dột nước”. Ông Hồng cho biết thêm: “Nhà ga T3 khi hoàn thành và đưa vào khai thác ngay mà chưa có thời gian để theo dõi, điều chỉnh. Từ khi thi công xong và đưa vào khai thác cũng chưa có trận mưa nào để theo dõi. Do đó việc phát hiện ra sự cố trên sớm cũng là điều tốt để điều chỉnh”.
Nhiều chuyên gia cho rằng giải thích của phía ban quản lý dự án là chưa hợp lý, bởi công trình có giá trị 11 nghìn tỷ không thế kỹ sư không tính toán đến việc co ngót do thời tiết được, nếu quả thật đơn vị thi công khẳng định như vậy thì cần phải xem xét năng lực của họ ở các dự án trọng điểm khác.
Và thực tế chứng minh lần dột thứ 2 trưa nay ngày 25/5 cho thấy có thể loại bỏ yếu tố thời tiết quá nóng vì nhiều ngày qua thời tiết TP.HCM nhiệt độ bình thường có mưa nhẹ vào buổi chiều.
Hiện chưa có phản hồi chính thức từ phía chủ đầu tư về nguyên nhân của sự cố dột nước. Tuy nhiên, sự cố này một lần nữa cho thấy cần có sự rà soát kỹ lưỡng về chất lượng thi công, thiết kế và giám sát các hạng mục cơ bản như hệ thống thoát nước và mái che – những yếu tố lẽ ra không thể gặp lỗi tại một công trình quy mô và hiện đại bậc nhất cả nước.
Trong khi chờ đợi giải pháp khắc phục triệt để, hành khách vẫn đang tiếp tục trải nghiệm cảm giác vừa xếp hàng kiểm tra vé, vừa phải né tránh dòng nước từ mái nhà – một hình ảnh không đáng có tại một trong những nhà ga hàng không lớn nhất Việt Nam.