Nhà giáo cần chính sách ưu tiên thực chất

Nhà giáo cần chính sách ưu tiên thực chất
2 ngày trướcBài gốc
Đó là việc chuyển từ quản lý nhân sự sang quản lý nguồn nhân lực. Đa phần các ý kiến đóng góp đều ủng hộ cơ chế tuyển dụng riêng cho ngành giáo dục.
Cô trò Trường Tiểu học Phương Mai (Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh.
Không xây dựng chính sách ban ơn
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho rằng, việc xây dựng, ban hành dự thảo Luật Nhà giáo là rất cần thiết. Nghề giáo là nghề cao quý mà cả xã hội tôn trọng, tôn vinh. Vì vậy, các chính sách với nhà giáo cần đầy đủ, đồng bộ, thiết thực để làm sao những người làm giáo dục phải sống được bằng đồng lương và thôi thúc công tác, giảng dạy thật tốt. Để việc chăm lo cho đời sống của giáo viên đi vào thực chất, không còn là khẩu hiệu suông, ông Đào Ngọc Dung nêu quan điểm, để nhà giáo không phải lo dạy thêm, bươn chải cuộc sống, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề lương, phụ cấp của giáo viên.
Tiếp đó, về các chính sách ưu đãi khác phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng, loại hình giáo dục. Đơn cử như chính sách với giáo dục trong đại học (ĐH), điều cần quan tâm nhất là việc tự chủ thực sự, tự chủ tài chính, quyền hạn trong công tác cán bộ. Bởi, tự chủ ĐH là khâu đột phá trong giáo dục, cũng là điểm nổi bật mà dự Luật nêu ra. Cùng với đó, chính sách về nhà ở, nhà công vụ cũng cần lưu ý, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Nhà công vụ cần được sử dụng đúng nghĩa. Khi hết thời gian công tác cần trả lại, không thể biến nhà công vụ thành nhà riêng.
Ông Đào Ngọc Dung cũng chỉ ra thực trạng là hiện nay trường học chưa đáp ứng yêu cầu, nhà tạm, nhà dột nát vẫn còn nhiều. Để giải quyết được tồn tại này, cần quy định rõ Nhà nước có trách nhiệm đầu tư ngân sách xây dựng kiên cố trường học, cùng với đó là huy động hỗ trợ từ xã hội.
Ông Dung nhấn mạnh, khi dự thảo mới được lấy ý kiến, có những chính sách đặc thù mà bản thân nhà giáo cũng không thích. Vì vậy, cần lựa chọn những chính sách ưu tiên thực chất; cần xây dựng các nguyên tắc về chính sách ưu đãi thực sự với lĩnh vực giáo dục, nhà giáo dục, nhà quản lý, chứ không phải chính sách “ban ơn” đặc thù riêng.
Ông Thái Văn Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) nêu rõ, trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo. Về chế độ, chính sách đối với nhà giáo, ông Thành đề nghị, cần xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách đối với nhà giáo (như tiền lương, phụ cấp, chế độ thu hút, ưu đãi…), nguồn lực của Trung ương và nguồn lực của địa phương như thế nào để đảm bảo Luật có tính khả thi, hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống.
Ngành giáo dục được chủ động tuyển dụng
Điểm mới của dự thảo Luật trong tuyển dụng giáo viên đó là giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ GDĐT, Bộ LĐTBXH là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.
Đề xuất trao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo này đã nhận được sự ủng hộ của các nhà giáo cũng như các chuyên gia. Góp ý dự thảo Luật Nhà giáo, ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Đoàn Cần Thơ) ủng hộ dự thảo Luật đề xuất cơ chế tuyển dụng riêng dành cho ngành giáo dục để có thể tuyển đúng người và có đội ngũ nhà giáo đủ mạnh. Theo ông Phương, tuyển dụng giáo viên phải có cơ sở giáo dục tham gia chứ để ngành nội vụ thì không trọn vẹn và cần quy định điều kiện đặc cách để tuyển dụng. Ông Phương cho rằng, phải mở cửa rất lớn để quyền tuyển dụng của các cơ sở giáo dục mạnh lên và theo hướng là mình đi tìm người tài về cho đơn vị chứ không phải là mở cửa để người ta đi vào.
Bà Tô Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ, quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ, từ trước đến nay, trường học chỉ được quyền tuyển dụng giáo viên hợp đồng. Còn nhà trường thiếu giáo viên biên chế các bộ môn sẽ đề xuất trình lên cấp trên và cấp trên trình ngành nội vụ. Ngành giáo dục sẽ phối hợp với ngành nội vụ để tuyển dụng nhà giáo và giao về cho các trường thiếu. Do đó nếu trả quyền tuyển dụng đội ngũ cho ngành giáo dục sẽ giảm được những phiền hà về thủ tục hành chính đồng thời cũng trả quyền tự chủ cho ngành. Khi đó, câu chuyện tuyển dụng con người cho ngành sẽ thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh, trúng, đúng nhu cầu. Khi giao quyền cho ngành vẫn nên có sự tương tác phối hợp với các ngành khác nhằm quản lý hài hòa, không để xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ sẽ tiếp thu nghiêm túc, cầu thị và đầy đủ ý kiến của xã hội để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, nâng tầm Luật Nhà giáo, để trong thời gian tới báo cáo Chính phủ và có thể trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2025.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, đối với vấn đề về tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo cũng cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với các quy định liên quan tại Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Bộ luật Lao động…
Dung Hòa
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/nha-giao-can-chinh-sach-uu-tien-thuc-chat-10294296.html