Ký ức khó quên
Về hưu đã 10 năm, nhưng kỷ niệm về những ngày đầu tiên đứng trên bục giảng vẫn vẹn nguyên trong tâm trí cô Đặng Thị Cúc (SN 1959, tổ 3, phường Đoàn Kết).
Là giáo viên lịch sử, đến nay, dù đã về hưu song cô Đặng Thị Cúc (SN 1959, tổ 3, phường Đoàn Kết) vẫn luôn đọc báo, coi tin tức để nắm bắt các thông thời sự trong và ngoài nước. Ảnh: Vũ Chi
Tốt nghiệp chuyên ngành Sử-Địa Trường Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn, cô được phân công về giảng dạy tại Trường cấp 1, 2 xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Đó là ngôi trường nghèo nhất của tỉnh Bình Định lúc bấy giờ, tường vách đất, mái lợp lá tranh.
Điều kiện vật chất thiếu thốn, cô trò phải thường xuyên đi chặt tre về làm bàn ghế ngồi, đào củ mì nấu độn cơm ăn cho đỡ đói. Nhưng cũng chính vì vậy, tình cảm cô trò rất gần gũi. Có quả dưa chuột, nải chuối chín, học sinh cũng mang lên lớp biếu cô. Vậy nên dù đồng lương ít ỏi chỉ 55 đồng/tháng, nhưng cô vẫn quyết tâm gắn bó với nghề.
Trải qua nhiều lần chuyển công tác, năm 1988, cô Cúc chuyển về Trường THCS Nguyễn Huệ (thị xã Ayun Pa). Nổi tiếng là cô giáo khó tính nhất trường, nhưng các tiết dạy của cô Cúc luôn sôi nổi. Bởi xen kẽ vào nội dung trong sách giáo khoa, cô thường lồng ghép vào bài giảng thông tin thời sự trong và ngoài nước, tạo hứng thú cho học sinh.
“Tôi vẫn nhớ như in, có 1 học sinh giỏi của lớp nhưng điểm Lịch sử chỉ được 6, 7. Khi học sinh và phụ huynh thắc mắc, tôi đã phân tích rằng: Để đạt được điểm 9, 10 môn Lịch sử thì các em không chỉ học thuộc bài mà còn phải kể được câu chuyện lịch sử. Muốn vậy, ngoài kiến thức cô giáo ghi trên bảng, các em phải ghi chép được những lời cô giảng và diễn đạt lại bằng suy nghĩ của bản thân. Từ đó, em học sinh ấy rút được kinh nghiệm và điểm Lịch sử luôn đạt 9, 10”-cô Cúc hồi nhớ.
Cũng từng trải qua nhiều gian khổ nhưng nhờ tình yêu với nghề giáo, cô Siu H’Prưng (SN 1965, tổ 3, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ việc. Buổi sáng lên lớp, buổi chiều lên rẫy hái rau rừng, tìm măng, đào củ mì đổi gạo, tối đến đi dạo bán bánh kẹo. Yêu nghề nên cô dành hết mọi tình cảm cho học trò.
38 năm gắn bó với Trường phổ thông cơ sở 2 nội trú huyện Ayun Pa (nay là Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám), điều làm cô giáo H’Prưng trăn trở nhất là tình trạng học sinh nghỉ học. Không ít lần cô phải lội suối, lên nương rẫy vận động học trò đến lớp.
Dù đã về hưu nhưng cô Siu H’Prưng vẫn lưu giữ bằng khen do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng như một kỷ vật trong quãng đời làm nhà giáo. Ảnh: Vũ Chi
"Có lần trong làng tổ chức ăn nhà mả, học sinh nghỉ học hết. Tôi phải đến tận nơi tìm học trò. Thấy tôi, học trò bỏ chạy. Tôi vội chạy theo nhưng không may té ngã, chảy máu tay. Học trò vội chạy lại đỡ tôi đứng dậy và xin lỗi rối rít, hứa sẽ không bao giờ bỏ học nữa. Lớp tôi nhờ vậy luôn duy trì sĩ số, không có tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng"-cô H’Prưng chia sẻ.
Năm 2008, cô là 1 trong 2 nhà giáo duy nhất của tỉnh được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen đã có nhiều thành tích thực hiện nhiệm vụ giáo dục dân tộc, giai đoạn 1986-2008.
Trăn trở với nghề
Đến nay, dù đã nghỉ hưu, nhưng mỗi dịp 20-11, cô Cúc, cô H’Prưng vẫn nhận được nhiều lời chúc, lời thăm hỏi của học sinh cũ, được mời về trường dự tọa đàm kỷ niệm. Với 2 cô đó là niềm hạnh phúc nhất.
Cô Cúc tâm sự: Gần đây, theo dõi thông tin qua mạng xã hội, tôi biết được đạo đức của một số giáo viên bị xuống cấp trầm trọng. Sự quan tâm thái quá của một số phụ huynh cũng làm cho truyền thống “tôn sư trọng đạo” bị ảnh hưởng.
“Theo tôi, để nâng cao chất lượng giáo dục, cùng sự đầu tư cơ sở vật chất rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường-gia đình-xã hội. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo cần dạy học bằng cả cái tâm của mình, trước khi dạy kiến thức phải dạy học sinh cách làm người. Có như vậy mới đào tạo được những thế hệ học trò có đức có tài để dựng xây đất nước”-Cô Cúc trải lòng.
Còn với cô H’Prưng, mỗi dịp trở lại thăm trường luôn hướng ánh mắt về cây bàng cổ thụ do chính tay mình trồng từ những năm đầu nhận công tác, về bục giảng, nơi mình từng dạy dỗ bao thế hệ học trò.
Hội Cựu giáo chức thị xã Ayun Pa tổ chức tọa đàm, trao giấy khen và kỉ niệm chương cho các nhà giáo về hưu. Ảnh: Vũ Chi
Cô H’Prưng bày tỏ: “Thật mừng vì so với trước đây, trường lớp đã được đầu tư xây dựng khang trang. Thu nhập của giáo viên đã được cải thiện hơn trước rất nhiều giúp thầy cô yên tâm gắn bó với nghề. Tuy nhiên, điều làm tôi trăn trở nhất là vẫn còn nhiều học sinh đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Các em đang rất cần sự chung tay của toàn xã hội để theo đuổi giấc mơ con chữ”.
Với kinh nghiệm và uy tín của mình, cô Cúc và cô H’Prưn đều được bầu vào Ban Chấp hành Hội Cựu giáo chức thị xã Ayun Pa. Ông Lê Văn Ba-Chủ tịch Hội-cho hay: Sau 12 năm thành lập, hiện Hội Cựu giáo chức thị xã có 150 hội viên. Mặc dù đã nghỉ hưu, rời xa bảng đen, phấn trắng nhưng từ trong sâu thẳm lòng mình, các thầy, cô vẫn luôn hướng về mái trường, nơi có bao thế hệ đồng nghiệp, học sinh thân yêu.
Vì vậy, hàng năm, Hội đều kêu gọi các nguồn lực tặng học bổng, xe đạp, sách vở giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt. Riêng năm 2024, Hội đã trao 5 suất học bổng cho 5 học sinh nghèo Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (xã Ia Rbol); ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão Yagi 16,6 triệu đồng. Thông qua các hoạt động, các thầy cô giáo đã về hưu mong muốn đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài; qua đó chung tay nâng cao chất lượng ngành giáo dục địa phương.
VŨ CHI