Quang cảnh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ Kyiv Post, Ngoại trưởng Liên bang Nga Sergey Lavrov ngày 27/4 khẳng định Moskva sẽ không từ bỏ quyền kiểm soát Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia – cơ sở hạt nhân lớn nhất tại Ukraine và châu Âu.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã được đưa vào một đề xuất hòa bình của Mỹ dành cho cả Kiev và Moskva. Đề xuất cho rằng Mỹ sẽ kiểm soát nhà máy này như một khu vực trung lập, cung cấp điện cho cả các vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát lẫn khu vực do Nga kiểm soát.
Tuy nhiên, ông Lavrov tuyên bố Moskva chưa từng nhận được bất kỳ đề xuất nào như vậy. Ông tái khẳng định khẳng định lập trường kiên quyết của Nga về quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân quan trọng này, đồng thời phủ nhận những đề xuất quốc tế liên quan đến việc chuyển giao quyền kiểm soát nhà máy này cho bất kỳ quốc gia nào khác.
Ngoài ra, ông Lavrov cũng nhấn mạnh rằng nếu không có những cuộc tấn công liên tiếp từ Ukraine nhằm vào nhà máy này, gây nguy cơ thảm họa hạt nhân cho châu Âu và Ukraine, các yêu cầu về an toàn tại nhà máy đã được thực hiện đầy đủ.
Điểm nóng của khủng hoảng năng lượng và lo ngại hạt nhân
Nhà máy Zaporizhzhia từ lâu đã trở thành điểm gây tranh cãi giữa Nga và Ukraine, không chỉ vì ý nghĩa năng lượng mà còn vì các nguy cơ về an toàn hạt nhân. Kể từ năm 2022, khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, hai bên liên tục cáo buộc nhau tấn công vào khu vực này, làm dấy lên lo ngại toàn cầu về khả năng xảy ra một thảm họa hạt nhân tương tự Chornobyl năm 1986.
Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất tại Ukraine và cả châu Âu, với công suất phát điện đạt khoảng 5,7 gigawatt (GW) thông qua 6 lò phản ứng. Để so sánh, tổng công suất phát điện lắp đặt của Estonia chỉ đạt 2,3 GW vào tháng 1/2021.
Trong khi đó, nhà máy điện hạt nhân lớn thứ hai của Ukraine – Nhà máy điện hạt nhân Nam Ukraine – chỉ đạt công suất 2,85 GW, với ba lò phản ứng nước áp suất kiểu VVER-1000.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng tiết lộ rằng mức tiêu thụ điện cao nhất vào mùa đông 2023 – 2024 đã đạt 18 GW, cho thấy Zaporizhzhia đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia.
Tình hình kiểm soát nhà máy kể từ năm 2022
Nhà máy này nằm gần thành phố Enerhodar, ở phía Tây Bắc vùng Zaporizhzhia, nơi Nga đã giành quyền kiểm soát một phần từ tháng 3/2022. Sau các cuộc giao tranh ngắn ngày 3 và 4/3/2022, quân đội Nga đã chiếm đóng hoàn toàn khu vực nhà máy. Đội ngũ kỹ thuật Ukraine buộc phải tiếp tục vận hành nhà máy dưới sự kiểm soát và hiện diện của quân đội Nga.
Kể từ thời điểm đó, nhà máy đã dừng hoạt động hoàn toàn, dù vẫn còn kết nối với lưới điện Ukraine. Trong thời gian kiểm soát, Nga đã triển khai thêm binh lính, vũ khí hạng nặng và thậm chí đặt mìn xung quanh nhà máy. Moskva sau đó chính thức chuyển quyền quản lý nhà máy cho Tập đoàn nhà nước Rosatom, dưới sự giám sát của các quan sát viên từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Tại sao Ukraine muốn giành lại nhà máy?
Từ góc nhìn của Ukraine, ngoài yếu tố chủ quyền lãnh thổ, việc giành lại nhà máy là điều thiết yếu trong chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ukraine muốn giành lại nhà máy này bởi năng lượng hạt nhân chính là “xương sống” của nguồn cung cấp điện cho nước này, đặc biệt là sau chiến dịch quân sự toàn diện của Nga hồi năm 2022.
Trước cuộc xung đột, theo Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA), khoảng 55% sản lượng điện của Ukraine đến từ các nguồn hạt nhân. Phần còn lại dựa vào khí đốt, dầu mỏ và các nguồn năng lượng tái tạo khác.
Kể từ khi xung đột leo thang, Ukraine đã nỗ lực duy trì hệ thống năng lượng bằng cách mở rộng các nhà máy hạt nhân khác. Đặc biệt, Kiev có kế hoạch mở rộng Nhà máy Khmelnitsky ở miền Tây với bốn lò phản ứng mới – bao gồm hai lò AP-1000 của Mỹ và hai lò VVER-1000 do Liên Xô thiết kế – với tổng công suất dự kiến vượt 6 GW.
Tuy nhiên, kế hoạch này gặp trở ngại lớn khi Bulgaria từ chối bán hai tổ máy VVER-1000 cho Ukraine vào tháng 4/2025. Sự kiện này làm dấy lên lo ngại về tương lai năng lượng của Ukraine và càng làm tăng quyết tâm của Kiev trong việc giành lại Zaporizhzhia.
“Quân bài” chiến lược trong tay Moska
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: THX/TTXVN
Dù nhà máy không còn phát điện, Nga rõ ràng xem việc kiểm soát cơ sở này là một “quân bài” chiến lược trong các cuộc đàm phán tương lai, hơn là một cơ sở năng lượng thuần túy. Tổng thống Vladimir Putin từng ám chỉ kế hoạch tái khởi động nhà máy vào tháng 4/2024, nhưng đến nay vẫn chưa có bước triển khai cụ thể.
Việc khởi động lại nhà máy không chỉ đòi hỏi nguồn lực kỹ thuật và tài chính lớn mà còn cần giải quyết vấn đề hạ tầng phân phối điện. Nếu muốn đưa điện từ nhà máy vào hệ thống Nga, Moskva sẽ phải xây dựng mạng lưới truyền tải riêng biệt – một quá trình phức tạp và khó khả thi trong tương lai gần.
Ngược lại, nếu nhà máy trở lại tay Ukraine, Tổng thống Zelensky từng cảnh báo rằng sẽ mất ít nhất hai năm để khôi phục vận hành do hư hỏng và nguy cơ an toàn nghiêm trọng.
Ngoài ra, hiện tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là pháo đài hoàn hảo vì Ukraine không thể tấn công trực tiếp vì lo ngại về thảm họa hạt nhân.
Hiện tại, Nga có lợi thế rõ ràng: Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vừa là công cụ răn đe quân sự do Ukraine không thể tấn công trực tiếp vì lo ngại thảm họa hạt nhân, vừa là đòn bẩy chính trị trong các cuộc đàm phán quốc tế. Chừng nào Ukraine chưa thể bao vây thành công thành phố Enerhodar, Moskva chưa có lý do để từ bỏ nhà máy có tiềm năng năng lượng khổng lồ này.
Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc