Nhà máy xử lý nước thải Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) đã hoàn thiện từ lâu nhưng vẫn chưa hoạt động.
Ngày 18-2, có mặt ở Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên), phóng viên Báo Hànôịmới nhận thấy, trong khuôn viên nhà máy xử lý nước thải cỏ mọc um tùm, có chỗ còn cao kín đầu. Nước trong bể lắng thì đen kịt, mạng nhện giăng đầy, nhiều hạng mục như máy bơm, trạm phát, hệ thống ống dẫn bong tróc, hoen gỉ, trơ lõi thép do lâu ngày không được duy tu, bảo trì.
Theo ông Phan Đăng Tuấn, một người dân địa phương, nhà máy xử lý nước thải là hạng mục thuộc Dự án cải tạo chỉnh trang tuyến phố Ngô Gia Tự và đầu tư xây dựng hạ tầng Khu đô thị Việt Hưng do Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, nhà máy đạt công suất khoảng 7.600m2/ngày đêm, áp dụng công nghệ xử lý AO, sau khi xử lý, nước thải được thoát vào mương Việt Hưng, rồi chảy ra sông Cầu Bây.
Tháng 12-2016, nhà máy xử lý nước hoàn thiện việc xây dựng, đến tháng 1-2017 thì chạy vận hành, thử nghiệm. Thế nhưng, sau 8 năm nằm bất động, nhà máy vẫn chưa được bàn giao cho đơn vị chức năng quản lý.
Ngoài việc các hạng mục công trình, thiết bị vận hành, xử lý xuống cấp theo thời gian thì nước thải sinh hoạt của hơn 20.000 người dân sống trong khu đô thị vẫn chưa được xử lý, hằng ngày chảy thẳng ra mương Việt Hưng khiến con mương thường xuyên bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường.
Chị Trần Thu Hương, một người dân sống ở Khu đô thị Việt Hưng phản ánh: "Nhiều năm nay, chúng tôi phải sống chung với tình trạng ô nhiễm do nước thải chưa được xử lý, chảy thẳng ra môi trường. Sợ nhất là mỗi khi đi vào Công viên Long Biên tập thể thao, lỡ không đeo khẩu trang hít phải mùi hôi thối thì rất dễ chóng mặt, buồn nôn, không thể luyện tập".
Được biết, Nhà máy xử lý nước thải Khu đô thị Việt Hưng là một trong 5 nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn quận Long Biên xây dựng xong nhưng chưa hoạt động, gây lãng phí tài sản, đất đai của Nhà nước.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Việt Hưng Nguyễn Xuân Hùng cho biết, để giải quyết tình trạng trên, năm 2019, Sở Xây dựng Hà Nội đã hướng dẫn HUD hoàn thiện các thủ tục pháp lý còn thiếu như giấy phép xả thải, tính toán định lượng hóa chất và vật tư tiêu hao, đồng hồ đo lưu lượng, hệ thống quan trắc tự động cùng một số thiết bị bị lỗi chưa hoạt động… Trên cơ sở đó, HUD đã tiếp tục các thủ tục đầu tư bổ sung để hoàn thiện các hạng mục của nhà máy xử lý nước thải và thực hiện thủ tục tiếp nhận, bàn giao công trình. Đến cuối năm 2023, Sở Xây dựng Hà Nội lựa chọn nhà thầu thực hiện công tác quản lý và bảo dưỡng Nhà máy xử lý nước thải Khu đô thị Việt Hưng.
Cũng theo ông Hùng, tại thời điểm này, Sở Xây dựng đã đề nghị HUD tiếp tục thực hiện công tác vận hành và bảo dưỡng nhà máy bằng nguồn kinh phí của đơn vị theo cam kết. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng hoàn thành việc khắc phục các tồn tại trong quá trình kiểm đếm như hệ thống quan trắc, thay thế mô tơ cổng trạm, xin gia hạn giấy phép môi trường và hiệu chỉnh thiết bị phòng thí nghiệm… nhưng không biết vì lý do gì, đến nay, việc vận hành chạy thử và công tác tiếp nhận bàn giao cho nhà thầu có năng lực vẫn chưa được thực hiện.
Đến nay, Nhà máy xử lý nước thải Khu đô thị Việt Hưng vẫn trong tình trạng cửa đóng, then cài, xuống cấp, gây lãng phí tiền bạc, trong khi nước thải chưa được xử lý được xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Nguyên Hà