Tăng tự chủ, giảm can thiệp hành chính
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, dự thảo Luật lần này được xây dựng trên tinh thần tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, đồng thời thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Một thay đổi căn bản được đưa vào dự thảo là quy định rõ Nhà nước bình đẳng với các nhà đầu tư khác, không trực tiếp điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp tự chủ và phát triển theo cơ chế thị trường.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng
Dự thảo cũng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp, giảm bớt thủ tục hành chính và tăng tính tự chịu trách nhiệm. Các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sẽ được quyền tự quyết các nội dung quan trọng như chiến lược kinh doanh 5 năm, kế hoạch hằng năm, quyết định đầu tư, chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng, cũng như xử lý các khoản chi phí sau thuế theo quy định pháp luật chuyên ngành.
Liên quan đến công tác giám sát và kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng trong việc chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ các luật liên quan như Luật Doanh nghiệp và các quy định về thanh tra, kiểm toán.
“Luật không buông lỏng quản lý, mà sẽ chuyển sang tăng cường hậu kiểm để bảo đảm tính tự chủ nhưng vẫn kiểm soát được hiệu quả sử dụng vốn nhà nước,” Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Phân loại rõ ràng vai trò Nhà nước theo tỷ lệ sở hữu
Với các doanh nghiệp có vốn nhà nước từ 50% đến dưới 100%, người đại diện phần vốn được trao quyền chủ động quyết định nhiều nội dung theo thẩm quyền, chỉ phải báo cáo trước khi tham gia biểu quyết các vấn đề quan trọng. Với doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50%, Bộ trưởng khẳng định vai trò của Nhà nước là nhà đầu tư thuần túy - đánh giá hiệu quả đầu tư và quyết định tiếp tục góp vốn hay thoái vốn trên cơ sở thực tiễn.
“Không phải cứ có lãi là thành tích. Phải đánh giá hiệu quả đầu tư so với lãi suất ngân hàng, so với hiệu quả bình quân trong ngành”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh về việc cần có thước đo cụ thể, minh bạch để khen thưởng hoặc xử lý nếu người đại diện không hoàn thành nhiệm vụ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cũng đề cập đến vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong việc quản lý và gia tăng hiệu quả vốn đầu tư công. Ông dẫn chứng mô hình thành công của Temasek (Singapore) khi tham gia góp vốn vào các tập đoàn lớn tại Việt Nam, cho thấy nếu lựa chọn đúng lĩnh vực và có cơ chế vận hành hiệu quả, nguồn vốn nhà nước có thể mang lại lợi ích lớn cho ngân sách.
“Chúng ta cần chủ động hơn trong đầu tư, không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước mà thông qua doanh nghiệp nhà nước để góp vốn, gia tăng lợi ích tài chính dài hạn”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) đang tiếp tục được Quốc hội thảo luận, kỳ vọng sẽ tạo ra cơ chế quản lý hiện đại, minh bạch và phù hợp với thực tiễn phát triển doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh mới.
Huy Tùng