Nhà nước công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình

Nhà nước công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình
4 giờ trướcBài gốc
Tuần Việt Nam xin lược đăng một số nhận định về quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc của PGS.TS Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản được giới thiệu trong kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Bối cảnh quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
PGS.TS Lê Hải Bình cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), và điện toán đám mây (Cloud), đã và đang làm thay đổi sâu sắc phương thức quản trị quốc gia và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đối với Việt Nam, sự thay đổi này mang lại cả cơ hội và thách thức, khi quốc gia không chỉ phải nâng cao hiệu quả quản trị, mà còn phải nắm bắt thời cơ để đẩy nhanh tốc độ phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới.
Việt Nam đang chuyển hướng từ quản lý theo kiểu truyền thống sang một nền quản trị dựa trên sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội. Ảnh: Minh Quân
Trong bối cảnh này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: "Dấu mốc Việt Nam bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thời điểm bắt đầu Kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng; từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.
Đích đến của Kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN), sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong Kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước XHCN phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại".
Để hiện thực hóa khát vọng này, hệ thống quản trị quốc gia phải phát huy tối đa vai trò kiến tạo và thúc đẩy toàn diện các lĩnh vực; đồng thời, duy trì sự ổn định và đồng thuận trong xã hội.
Thách thức và cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng các tiến bộ này trong quản trị quốc gia nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển.
Việc phát triển nền kinh tế số, xã hội số, chính phủ số là trọng tâm để bảo đảm hiệu quả và sự cạnh tranh trong dài hạn.
Đây không chỉ đơn thuần là áp dụng công nghệ, mà còn là cách mạng về tư duy, đòi hỏi năng lực thích ứng cao từ hệ thống pháp lý, hạ tầng kỹ thuật đến nguồn nhân lực. Nếu chậm chân trong cuộc đua này, Việt Nam có nguy cơ tụt hậu và bị ảnh hưởng bởi sự phụ thuộc vào các quốc gia đi trước trong lĩnh vực công nghệ số.
Nhu cầu về một phương thức quản trị quốc gia linh hoạt và thích ứng: Theo báo cáo phát triển con người của Liên Hợp quốc, các quốc gia hiện nay đang đối mặt với môi trường biến động và phức tạp, đòi hỏi một phương thức quản trị linh hoạt, có khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi.
Người dân kỳ vọng vào một hệ thống minh bạch, hiệu quả, có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh quốc gia chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống và những biến động kinh tế - xã hội phức tạp.
Chuyển đổi tư duy quản trị - từ quản lý đến kiến tạo phát triển: Việt Nam đang chuyển hướng từ quản lý theo kiểu truyền thống sang một nền quản trị dựa trên sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội.
Điều đó đòi hỏi Nhà nước phải tạo điều kiện cho các chủ thể khác tham gia sáng tạo và phát triển; đồng thời, khuyến khích hợp tác, sáng tạo và minh bạch trong hệ thống quản trị.
Chính phủ hiện đại không chỉ là chủ thể cung ứng dịch vụ công, mà còn là người bảo đảm an sinh xã hội và điều kiện phát triển bền vững.
Bối cảnh nội tại và những thách thức đặc thù của Việt Nam: Việt Nam hiện là một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng trong nhóm 20 quốc gia hàng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài, nhờ vị thế địa lý và tiềm lực phát triển cao.
Tuy nhiên, các thách thức vẫn còn, như tình trạng già hóa dân số và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Chính quyền cần phát huy hiệu quả thời gian còn lại để thực hiện kỳ vọng đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển.
Đặc trưng của quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả
Theo PGS.TS Lê Hải Bình, quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam được hiểu là quá trình Nhà nước với vai trò là trung tâm dựa trên những nguyên tắc, chuẩn mực phổ quát của quản trị tốt, sử dụng các công cụ, phương tiện, phương thức phù hợp huy động mọi nguồn lực của quốc gia và sự tham gia của các chủ thể trong xã hội để ban hành, tổ chức thực hiện các quyết sách, mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm đưa quốc gia phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả.
Đặc trưng của quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả mà chúng ta hướng tới là:
Sự tham gia rộng rãi của người dân và các chủ thể trong xã hội
Sự vận động và phát triển của xã hội trong bối cảnh mới đang làm thay đổi, dịch chuyển các cấu trúc và phương thức vận động của sự phát triển.
Mô hình quản trị hiện đại cần gắn kết đa chiều giữa Nhà nước, Xã hội, Thị trường.
Từ vị trí trung tâm, Nhà nước đảm nhận vai trò kiến tạo “khung khổ pháp lý - luật chơi” và “xác lập các thiết chế - sân chơi”, bảo đảm cho mọi thành phần đều có không gian đóng góp vào sự phát triển của quốc gia, không chỉ với tư cách là đối tượng quản lý, mà còn là các chủ thể đồng hành có trách nhiệm, bổn phận vì lợi ích chung.
Trong nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, vai trò của người dân và các chủ thể ngoài nhà nước không chỉ giới hạn ở việc tuân thủ các chính sách, pháp luật, mà còn bao gồm quyền tham gia trực tiếp vào giám sát, phản biện, đóng góp cho sự phát triển xã hội.
Để thúc đẩy sự tham gia của người dân, cần thiết lập các cơ chế pháp lý cụ thể, bảo đảm quyền và trách nhiệm của người dân trong việc giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tham gia phản biện, đóng góp ý kiến vào các quyết sách.
Mọi hoạt động của cơ quan nhà nước cần vận hành theo nguyên tắc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Ảnh: Thạch Thảo
Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm công khai thông tin liên quan đến những vấn đề mà người dân quan tâm, bảo đảm tính minh bạch. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin chính xác và đầy đủ. Đồng thời, việc phản hồi và giải trình từ phía chính quyền về các ý kiến, kiến nghị của người dân cần được thực hiện kịp thời và nghiêm túc.
Điều này giúp hình thành một kênh đối thoại hai chiều giữa Nhà nước và người dân, tăng cường niềm tin vào bộ máy công quyền, cũng như củng cố sự đồng thuận trong xã hội.
Từ đó, sự tham gia chủ động của người dân sẽ góp phần bảo vệ lợi ích công, ngăn ngừa tham nhũng, lạm quyền, và tạo sự cân bằng, hài hòa giữa Nhà nước và xã hội trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Pháp quyền và trách nhiệm của nhà nước
Nhà nước cần có hệ thống pháp luật đầy đủ, dân chủ và mang tính pháp quyền cao. Pháp luật phải dựa trên yêu cầu thực tiễn và là công cụ hỗ trợ phát triển, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mọi công dân và tổ chức. Đồng thời, bảo đảm kiểm soát quyền lực và duy trì trật tự xã hội.
Thứ nhất, Nhà nước phải có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Nhưng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền cần được tiếp cận theo hướng: Nhà nước pháp quyền là nhà nước “tiết kiệm pháp luật”, không được lạm dụng pháp luật. Luật ban hành phải xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn, nhằm tạo khuôn khổ thể chế để kiến tạo, hỗ trợ cho sự phát triển, không phải lạm dụng pháp luật để cản trở, kìm hãm sự phát triển xã hội.
Thứ hai, phải xem pháp luật là tối thượng. Mọi chủ thể trong xã hội phải luôn có tinh thần thượng tôn pháp luật, phán quyết bằng pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mọi công dân, tổ chức.
Thứ ba, pháp luật thực sự dân chủ.
Thứ tư, có cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực của Nhà nước. Thiết kế pháp luật nhất là về bộ máy nhà nước, không chỉ là trao quyền cho cơ quan nhà nước hoạt động, mà còn là phương thức để kiểm soát quyền lực của các cơ quan nhà nước.
Bảo đảm mọi hoạt động của cơ quan nhà nước phải được kiểm soát, hợp pháp, hợp lý và hướng tới sự bảo vệ giá trị công, lợi ích công. Không có tư lợi, vụ lợi, “lợi ích nhóm”, tham nhũng trong hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật.
Thứ năm, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính chuyên nghiệp và một hệ thống tư pháp độc lập, nhằm tránh sự tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật và bảo đảm công lý được thực thi.
Thứ sáu, tôn trọng, bảo đảm và hiện thực hóa pháp luật. Chú trọng hướng tới tính khả thi, tính hợp lý, tính hiệu quả và các điều kiện để pháp luật được thực hiện.
Thứ bảy, pháp luật bảo đảm duy trì trật tự và ổn định đất nước, người dân sống một cuộc sống hạnh phúc.
Pháp luật sinh ra để bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Pháp luật để trừng trị hành vi cố tình vi phạm, không phải nhằm mục đích cai trị, cai quản con người.
Hình thành hệ thống pháp luật để tạo khung khổ pháp lý với mục đích tạo điều kiện để công dân được bảo vệ, được sáng tạo, và phát huy tốt nhất năng lực của mình.
Điều kiện của nguyên tắc pháp quyền trong quản trị quốc gia là trách nhiệm của Nhà nước trong việc xác lập và bảo đảm nền chính trị dân chủ; nhận thức của công dân về dân chủ, pháp luật và đạo đức được nâng cao; cải cách hệ thống lập pháp, hệ thống tư pháp và hoàn thiện hệ thống giám sát, phản biện xã hội.
Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình
Trong bối cảnh mới với công nghệ số và sự tham gia rộng rãi của người dân và toàn xã hội, mọi thứ không còn là bí mật nữa, thì mọi hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức cần vận hành theo nguyên tắc “tối đa hóa công khai” và “tối thiểu hóa bí mật”.
Mọi hoạt động của cơ quan nhà nước cần vận hành theo nguyên tắc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, đặc biệt trong việc ra quyết sách và cung cấp thông tin liên quan đến lợi ích của người dân.
Trách nhiệm giải trình giúp gia tăng niềm tin và sự tham gia của xã hội. Đồng thời, tạo môi trường lành mạnh, ngăn ngừa tình trạng thông tin sai lệch, tin giả.
Khi Nhà nước và công chức thực hiện được trách nhiệm giải trình sẽ xây dựng lên một cơ chế thông tin đối thoại, tham vấn. Ảnh: Thạch Thảo
Trách nhiệm giải trình bao gồm 2 nội dung: Năng lực giải trình và chịu trách nhiệm trước hậu quả xảy ra của cơ quan nhà nước và cán bộ công chức khi thực thi công vụ.
Yêu cầu của công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị quốc gia bao gồm các nội dung:
Thứ nhất, nghĩa vụ cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước và công chức về hành động và các quyết sách của mình khi có yêu cầu của các chủ thể: Cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp, của người dân và xã hội.
Thứ hai, cơ chế để bảo đảm người dân và các chủ thể trong xã hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước và công chức phải có trách nhiệm giải trình về hành động và các quyết sách của mình.
Thứ ba, nghĩa vụ cung cấp thông tin một cách khách quan, công bằng, minh bạch và đúng sự thật về hoạt động của cơ quan nhà nước, của công chức.
Thứ tư, nghĩa vụ cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của các chủ thể trong xã hội.
Thứ năm, trách nhiệm của Nhà nước và công chức về hậu quả của những hành vi và quyết sách của mình.
Khi Nhà nước và công chức thực hiện được trách nhiệm giải trình sẽ xây dựng lên một cơ chế thông tin đối thoại, tham vấn thông suốt giữa một bên là Nhà nước và một bên là công dân và xã hội. Đó cũng là cách thức gia tăng niềm tin của người dân vào nhà nước liêm chính, nhà nước phục vụ.
Do đó, cần xem công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình không chỉ là nghĩa vụ, là sự bị động của chính quyền và cán bộ, công chức, mà còn là quyền và sự chủ động cung cấp thông tin, giải thích và chịu trách nhiệm của chính quyền và cán bộ, công chức trước nhân dân, xã hội về những việc mà chính quyền đã, đang và sẽ làm.
Quản trị nhằm đáp ứng kỳ vọng của người dân và xã hội ở mức cao
Kỳ vọng của bất cứ người dân nào vào chính quyền tập trung ở hệ thống chính sách an sinh xã hội và các bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Kỳ vọng của người dân và xã hội đề cập đến mức độ mà mọi người có thể tham gia vào đời sống xã hội và kinh tế của cộng đồng, đem lại hạnh phúc cho người dân.
Người dân luôn được đặt là trung tâm trong các quyết sách của chính quyền. Chỉ số hạnh phúc, sự thụ hưởng và hài lòng của người dân cần trở thành chỉ số quan trọng để hoạch định và đánh giá chính sách.
Trong kỷ nguyên phát triển từ GDP sang kỷ nguyên hạnh phúc, tiếp cận hạnh phúc trong phân tích chính sách là một kênh thông tin mới bổ sung cho cách tiếp cận truyền thống, giúp các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn trong việc đưa ra những quyết sách điều hành đất nước.
Bảo đảm sự đồng bộ trong xây dựng và thực hiện chính sách xã hội với các chính sách kinh tế, chính sách văn hóa, lao động và việc làm. Vì vậy, trong quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả cần có tư duy tiếp cận hạnh phúc, đưa các yếu tố, chỉ số đo lường về sự thụ hưởng, sự hài lòng của người dân trong cả 3 giai đoạn: Hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Từ đó, đáp ứng sự kỳ vọng của dân, và củng cố niềm tin của người dân đối với Nhà nước.
Trong quản trị quốc gia hiện đại, những thay đổi mới về nhu cầu của con người trong bối cảnh mới đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với việc đổi mới và xây dựng chính sách xã hội.
Quản trị tạo sự đồng thuận và công bằng xã hội
Quản trị quốc gia hiện đại hướng tới sự đồng thuận cao, dựa trên giá trị công lý và công bằng xã hội.
Đồng thuận đó không phải là sự phục tùng, mà là kết quả của quá trình điều hòa lợi ích giữa các chủ thể trong xã hội, tạo nền tảng cho xã hội ổn định, phát triển hài hòa.
Cơ sở của đồng thuận chính là sự tương đồng dựa trên những giá trị, chuẩn mực chung. Trong quản trị quốc gia, cần có cách thức để tìm được sự đồng thuận giữa xã hội và chính phủ thông qua các hoạt động nhằm điều hòa lợi ích của người dân, của các tổ chức và của nhà nước, có như vậy mới thiết lập được một xã hội có tính đồng thuận cao và bảo đảm được lợi ích của cả cộng đồng.
Quản trị quốc gia hiện đại hướng tới mục tiêu tạo sự đồng thuận, dựa trên công lý, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, cơ hội, không phải các giá trị thực dụng (thiểu số phục tùng đa số).
Để đạt được sự đồng thuận, thể chế phải bảo đảm cho sự công bằng được thực hiện trên thực tế. Nhà nước cần nhận thức được rằng, mọi người đều có khả năng và cơ hội trở thành người vượt trội.
Thể chế công bằng tạo cơ hội phát triển toàn diện phù hợp với năng lực và điều kiện của mỗi cá nhân. Không ai bị bỏ lại phía sau. Không ai bị tụt hậu trong sự phát triển chung của xã hội.
Trách nhiệm quốc gia trong tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu
Sự cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, thúc đẩy việc tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu để nâng cao vị thế, vai trò, tầm ảnh hưởng của của quốc gia trên trường quốc tế. Trách nhiệm quốc gia trong tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu trở thành đặc điểm quan trọng của quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả.
Thách thức đặt ra cho mỗi quốc gia là làm thế nào để luôn “đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trước hết, trên hết” nhưng vẫn tuân thủ những chuẩn mực, giá trị chung của nhân loại. Không bị kéo theo sự cạnh tranh của các nước lớn để vẫn giữ được sự tôn trọng, độc lập, chủ quyền, tự chủ, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Các bên cùng thắng, cùng có lợi trong môi trường đa chủ thể và cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia.
Bài 2: Quản trị quốc gia trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Lan Anh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/nha-nuoc-cong-khai-minh-bach-va-co-trach-nhiem-giai-trinh-2343277.html