Dự án nhà tái định cư thiếu người ở
Nhiều năm nay, Tp.HCM là một trong những địa phương triển khai thực hiện việc an sinh xã hội cho người dân rất tốt. Trong đó, Tp.HCM luôn chú trọng đến công tác xây dựng phát triển nhà tái định cư, nhà ở xã hội dành cho người dân trong diện bị giải tỏa, di dời để phục vụ các công trình dự án.
Tuy nhiên, nhắc đến tái định cư, nhiều người không khỏi lắc đầu ngao ngán vì trên địa bàn thành phố đang có hàng nghìn căn hộ bỏ trống, không hoạt động gây lãng phí tài sản và công trình lâu ngày bị xuống cấp.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, tại Tp.HCM khi nhắc đến dự án tái định cư, nhưng không có người dân ở, hoặc lác đác vài hộ sinh sống phải kể đến khu vực Tp.Thủ Đức, Tp.HCM.
Dự án nhà tái định cư thiếu người ở, gây lãng phí tại Tp.HCM.
Đơn cử tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, bên cạnh đại lộ Mai Chí Thọ, đây là một trong những khu vực đất có vị trí "vàng", khi kết nối vào trung tâm quận 1 chỉ vài phút, hay di chuyển tới các công trình giao thông trọng điểm như cao tốc, đường sắt trên cao, bến xe chỉ trong bán kính từ 5 - 15km.
Theo ghi nhận, tại dự án khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh, thuộc chương trình xây dựng 12.500 căn hộ dùng để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Được xây dựng hoàn thành vào năm 2015, tuy nhiên, gần chục năm qua, lượng người dân về sinh sống tại khu tái định cư trên rất ít. Còn khoảng hơn 5.000 căn hộ đang làm thủ tục chuyển sang nhà ở thương mại, nơi đây hiện vẫn còn hàng nghìn căn hộ không người ở.
Ghi nhận thực tế cho thấy, khu vực dự án tái định cư trên đã được xây dựng hoàn chỉnh, rất khang trang và hiện tại. Tuy nhiên, khi tiếp cận vào nội khu thì sẽ thấy cảnh ảm đạm vắng vẻ, bên ngoài các tòa nhà, nhiều mảng tường đã bong bóc, bạt hết sơn vì mưa gió.
Cơ sở vật chất đang dần hư hỏng theo thời gian.
Khu vực nội khu bị bỏ hoang lâu ngày không ai chăm sóc nên cỏ dại mọc um tùm... Điều đáng nói, công trình trên hoàn thành từ năm 2015, đã qua 4 lần bán đấu giá nhưng đều chưa có đơn vị nào mua.
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản phía Nam, điển hình là tại Tp.HCM đang phát triển rất mạnh mẽ, giá nhà tại thành phố này cũng không ngừng tăng theo thời gian. Điều này khiến ước mơ có nhà của những người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình ngày càng xa vời.
Tuy nhiên, có thể thấy một ngịch lý hiện đang tồn tại nhiều năm qua tại Tp.HCM chính là hàng nghìn căn nhà tái định cư để trống, không thực hiện được đúng chức năng nhiệm vụ gây lãng phí. Trong khi đó, nhiều công nhân, người dân có thu nhập thấp vẫn mong ước sở hữu được căn nhà trên.
Khu vực sảnh khu tái định cư Thủ Thiêm trở thành nơi chứa đồ đạc.
Anh Nguyễn Hiếu (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) cho biết "Nhiều lần đi ngang qua khu căn hộ chung cư tại khu đô thị Thủ Thiêm cảm thấy rất tiếc nuối, nhìn cả cụm dự án khang trang, xây dựng hoàn thiện nhưng rất ít người dân ở. Trong khi những người cần nhà như chúng tôi lại không có điều kiện được tiếp cận. Nếu người dân không nhận tái định cư thì Nhà nước nên có cơ chế chuyển đổi để chúng tôi được mua với giá phù hợp, chứ nhà ở thương mại hiện nay đã rất đắt, đặc biệt là Tp.Thủ Đức bây giờ không có căn hộ nào dưới 2,5 tỷ đồng".
Một trường hợp khác là chị Phan Thu Hoa (ngụ Tp.Thủ Đức) cho rằng "Khu tái định cư này đã xây xong từ lâu, vì là căn hộ chung cư nên nhiều người dân không thể kinh doanh buôn bán, trong khi cộng đồng cư dân rất vắng người. Trước đây khu vực này được sử dụng làm bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19, đến nay nhiều đồ đạc vẫn còn sót lại chưa được dọn dẹp".
"Nhiều người làm việc lâu năm nhưng không có nhà ở, trong khi các căn hộ ở đây lại bỏ trống thì quá lãng phí. Hy vọng, chính quyền thành phố sớm có giải pháp chuyển đổi công năng để người có nhu cầu được tiếp cận mua để ở", chị Hoa cho hay.
"Cởi trói" để dự án sớm thực hiện đúng chức năng
Với nghịch lý khi hàng nghìn căn hộ bỏ trống tại khu đô thị Thủ Thiêm, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM nhưng không được sử dụng đúng công năng, chức năng, Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến các căn hộ này bị "ế".
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Tp.HCM, trước đây quy định của Luật đất đai 2013, nhà nước thu hồi đất cho phép người dân lựa chọn đền bù bằng cả ba hình thức: tiền, căn hộ và nền đất. Khi giá bồi thường sát thị trường, người dân lựa chọn việc nhận tiền để tự lo nơi ở nên mới có việc số căn hộ tái định cư dôi dư.
UBND Tp.HCM từng có chủ trương chuyển các căn hộ tái định cư sang căn hộ thương mại nhưng còn vướng mắc các vấn đề như tính giá căn hộ đã ở mức gần 30 triệu đồng/m2, trong khi đó chưa tính các chi phí như khoản tiền bồi thường, chi phí đất, các chi phí khác theo lãi vay.
Nhiều người mơ ước có nhà ở, nhưng nhiều khu vực lại bỏ trống hàng nghìn căn hộ.
Một phương án khác cũng được tính toán là chuyển căn hộ tái định cư sang căn hộ nhà ở xã hội nhưng cũng được đánh giá là chưa phù hợp vì nhà ở xã hội phải được miễn tiền sử dụng đất trong giá thành, nhưng vẫn phải tính toán các chi phí bồi thường nên giá vẫn ở mức rất cao…
Nếu được chuyển đổi hoặc sử dụng đúng mục đích phục vụ để ở, hàng nghìn căn hộ tái định cư sẽ có "lối thoát", thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Hà Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trần Anh (Trần Anh Group) cho rằng: "Trước đây, những khu tái định cư thường được bố trí khá xa khu vực trung tâm, thiếu tiện ích gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển, sinh hoạt nên mới xảy ra tình trạng người ở người không. Tuy nhiên, tại Tp.HCM các khu tái định cư được xây dựng khang trang, tiện lợi về hạ tầng giao thông kết nối khu vực với nhau, đơn cử như khu tái định cư Thủ Thiêm, Tp.Thủ Đức, nhưng khu vực trên vẫn chưa thể lấp đầy người dân sinh sống, gây ra hiện tượng lãng phí".
"Theo tôi tìm hiểu, khu tái định cư tại Thủ Thiêm đã nhiều lần được đưa ra đấu giá nhưng không thành vì giá khá cao, chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội vẫn chưa phù hợp vì không đúng với các quy định quy chuẩn của nhà ở xã hội do diện tích lớn.
Nếu Tp.HCM có thể làm việc với nhiều doanh nghiệp thương mại để tìm hướng đi mới, hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác về pháp lý, chi phí tiền sử dụng đất và giá cả lợi nhuận căn hộ… điều này để tránh gây lãng phí các căn hộ bỏ trống, trong khi nhiều người đang rất cần nhà để ở", ông Thiện cho hay.
Cũng theo ông Thiện, hiện nay với đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Chính phủ đưa ra, Tp.HCM cũng có thể nghiên cứu và điều chỉnh, dựa vào các quy định cơ chế đặc thù của thành phố để chuyển công năng từ nhà tái định cư sang nhà ở xã hội góp phần tăng nguồn cung nhà, lại giúp người dân tiếp cận được với những căn hộ giá rẻ.
Khu tái định cư nằm vị trí đắc địa nhưng nhiều năm không được sử dụng hoạt động theo đung chức năng.
Ông Trần Văn Hưng, Giám đốc Công ty CP C-Luxury cho rằng: "Đối với quỹ nhà tái định cư đang bỏ hoang, nếu để lâu thì công trình sẽ xuống cấp và mất giá trị. Tp.HCM cần sớm xem xét, đưa ra phương án tổ chức đấu giá, hoặc thực hiện chuyển đổi công năng sang nhà ở thương mại, NOXH theo cơ chế đặc thù bán cho người dân có nhu cầu, thu hồi vốn cho ngân sách Nhà nước, tránh lãng phí cũng như không để cả khu vực nhếch nhác".
Liên quan đến vấn đề đấu giá các dự án, ông Lê Tứ (Công ty thẩm định giá) cho biết: "Hiện nay với hàng nghìn căn hộ tái định cư tại Tp.HCM mang ra đấu giá một lúc thì sẽ khó khăn vì khu vực đất Thủ Đức đã tăng giá rất cao, tiền thuế và nhiều nghĩa vụ khác phải đóng, trong khi thời điểm hiện tại kinh tế thị trường vẫn chưa ổn định, những người thực sự có điều kiện cũng sẽ không đầu tư vào căn hộ tái định cư khi nghỉ về chất lượng và quy trình quản lý vận hành. Tuy nhiên, nếu đấu giá thì cơ quan chức năng đấu giá theo block, hạ giá thành để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận và phát triển bán dự án đến tay người dân.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, Luật sư Lê Thị Bích Hằng (Đoàn Luật sư Tp.HCM) nhận định: "Việc đấu giá các căn hộ tái định cư hoặc chuyển đổi công năng vẫn phải phụ thuộc vào rất nhiều quy định của pháp luật. Đặc biệt Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản bổ sung sửa đổi đã có hiệu lực thì các quy trình thủ tục vẫn sẽ kéo dài vì quy định ngày càng chặt chẽ hơn.
Để tránh lãng phí tài sản, phát huy tốt nguồn lực nhà đất, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhà ở, UBND Tp.HCM cần quyết liệt hơn trong việc "cởi trói" các thủ tục để xử lý nhà tái định cư, hoặc có thể áp dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 về cơ chế chính sách đặc thù của UBND thành phố để giải quyết vấn đề nhà tái định cư chưa được sử dụng này.
Tổ chức đấu giá hàng nghìn căn hộ tái định cư vẫn đang "vướng"
Liên quan đến "số phận" của hàng nghìn căn hộ tái định cư chưa được sử dụng, UBND Tp.HCM có chủ trương đấu giá 4.927 căn hộ và 42 nền đất, bao gồm 3.790 căn ở khu tái định cư Thủ Thiêm, Tp.Thủ Đức và gần 1.000 căn ở khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Cuối năm 2024 cơ quan chức năng sẽ hoàn tất cá thủ tục để đấu giá hơn 3.700 căn hộ tái định cư ở phường Bình Khánh, Tp. Thủ Đức.
Trong cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn Tp.HCM tổ chức vào chiều 28/11, ông Nguyễn Văn Hoan, Phó phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản thông tin về dự án 3.790 căn hộ Thủ Thiêm cho biết hiện vẫn đang hoàn tất cả thủ tục và thành lập các tổ công tác và tổ chức báo giá do Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM tổ chức các công tác báo giá, tham mưu thành phố. Tuy nhiên, Quốc hội đã sửa đổi bổ sung, ban hành một số luật mới như: Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đấu giá,... do đó cần xử lý trực tiếp, cần thời gian, vì vậy việc đấu giá các căn hộ trên vẫn "tắc".