Giữa tháng 1/2025, UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt cập nhật danh mục 72 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trong Kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2021-2025. Đáng chú ý, trong số 72 dự án mới được phê duyệt có 8 dự án nhà ở xã hội, với tổng diện tích sàn 255.722m2 với 1.583 căn hộ.
Trong đó, riêng trên địa bàn huyện Thường Tín có tới 5 dự án, còn quận Long Biên có 2 dự án và quận Hoàng Mai (1 dự án).
Bên cạnh đó, danh mục 72 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị còn có 7 dự án nhà ở xã hội được điều chỉnh thông tin với tổng diện tích 75.366m2 sàn (1.140 căn hộ). Chưa hết, còn có 14 dự án nhà ở xã hội được đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2025 tại huyện Đông Anh, huyện Thanh Trì và quận Long Biên.
Giá nhà ở xã hội đang liên tục tăng.
Không chỉ tại Hà Nội, phân khúc nhà ở xã hội tại nhiều khu vực trên cả nước đang dần sôi động khi hàng loạt doanh nghiệp địa ốc, trong đó có những chủ đầu tư vốn chỉ làm dự án cao cấp, đã gia nhập cuộc đua xây nhà ở xã hội với quy mô lên đến hàng chục nghìn căn.
Đáng chú ý, các chuyên gia và cả doanh nghiệp cũng đang chờ đợi quy định tại bộ 3 Luật Đất đai 2024, Nhà ở 2023, Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ tạo "hiệu ứng domino", giải quyết những vướng mắc lâu nay của các dự án địa ốc, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Việc hàng loạt các nút thắt được tháo gỡ đang giúp niềm tin của doanh nghiệp tăng lên giúp phân khúc nhà ở xã hội có sức sống hơn, nguồn cung theo đó cũng được kỳ vọng tăng.
Nguồn cung tăng rõ ràng là tín hiệu vui, tuy nhiên giá bán lại là vấn đề đáng lo ngại khi liên tục leo thang. Đơn cử, mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội thông tin về dự án Nhà ở xã hội tại ô đất NO1, thuộc khu đô thị mới Hạ Đình, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì được khởi công cuối năm ngoái, sẽ có giá tạm tính khoảng 25 triệu đồng/m2.
Theo Sở Xây dựng, với đơn giá trên, căn hộ diện tích 70m2 tại dự án ở Tân Triều có giá khoảng 1,75 tỷ đồng. "Chủ đầu tư sẽ công bố giá chính thức sau khi được cơ quan quản lý thẩm định theo quy định", văn bản của Sở nêu.
Nếu được duyệt, đây sẽ là mức giá nhà ở xã hội cao nhất từ trước đến nay tại Hà Nội. Gần nhất - tháng 3/2023, dự án nhà xã hội NHS Trung Văn ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm ghi nhận mức giá mở bán cao kỷ lục tại Thủ đô khi đó, hơn 19,5 triệu đồng một m2 (gồm VAT).
Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6, nhận định phân khúc nhà ở xã hội sẽ là xu hướng trong năm 2025 và nhiều năm tới. Về giá, không còn câu chuyện giá cao nhất là 19,5 triệu đồng như hồi năm 2021, bởi chi phí về đầu tư xây dựng không ngừng tăng lên do lạm phát, điều này kéo theo giá phê duyệt cũng sẽ tăng lên.
Trong thời gian tới, ông Quê dự báo giá bán nhà ở xã hội tại Hà Nội sẽ dao động từ 17 đến 22 triệu đồng/m2, còn giá nhà ở xã hội nói chung trên cả nước sẽ dao động từ 12 đến 22 triệu đồng/m2.
Sự leo thang của giá nhà ở xã hội gây hoang mang cho người mua nhà. Anh Đông (33 tuổi, quê Hưng Yên), nhân viên truyền thông, đang ở trọ tại Thanh Xuân, Hà Nội, chia sẻ sau hơn 10 năm làm việc tại thủ đô, đã tích cóp được khoảng 600 triệu đồng để mua nhà.
Năm 2025 này, anh Đông chờ đợi sẽ có cơ hội tiếp cận các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trước thông tin giá nhà liên tục tăng theo từng năm, anh không khỏi lo lắng. “Với giá nhà thương mại hiện nay, mức giá 20-25 triệu đồng của nhà ở xã hội là “mềm”, nhưng với những người lao động thì vẫn là mức giá rất cao, mà với đà này thì giá có thể còn tăng nữa”, anh Đông bày tỏ với VnBusiness.
Từ diễn biến thực tế, các chuyên gia cho rằng trong thời gian tới rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía Chính phủ và địa phương trong việc tăng cường chính sách hỗ trợ hấp dẫn cho các chủ đầu tư nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào phân khúc này. Còn đối với người dân, có thể xem xét bổ sung thêm các gói tín dụng ưu đãi, cho vay lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng.
Hưng Nguyên