Nhà ở xã hội: Giấc mơ ' trong mơ' của người lao động.

Nhà ở xã hội: Giấc mơ ' trong mơ' của người lao động.
3 ngày trướcBài gốc
Giấc mơ về nhà ở xã hội
Lao động tự do là những đối tượng không có bất kì giao kết hợp đồng lao động nào, họ là những người tự do buôn bán, làm việc không chịu sự ràng buộc của bất kỳ tổ chức nào. Công việc của họ chủ yếu là công việc thời vụ, phụ thuộc vào sức khỏe, thời tiết với thu nhập bấp bênh và không hề có khả năng chứng minh thu nhập. Theo Luật nhà ở, nếu lao động tự do không có hợp đồng lao động thì cần có xác nhận của địa phương về thu nhập. Tuy vậy đã có rất nhiều trường hợp, cả quê gốc cũng như nơi người lao động sinh sống tạm trú đều không có cơ sở để chứng minh thu nhập cho họ. Đây là một thực trạng vẫn còn tồn đọng trong suốt thời gian qua, chưa có hướng giải quyết.
Nhà ở xã hội luôn nằm trong chính sách ưu tiên phát triển của Đảng và Nhà nước. Ảnh minh họa
Trả lời về vấn đề khó khăn của người lao động khi mua nhà ở xã hội, Ông Đinh Hữu Chí (Chuyên gia bất động sản, Công ty cổ phần Bất động sản Doha Land) cho biết: “ Đầu tiên người lao động tự do rất khó để chứng minh thu nhập bởi vì họ không có lương chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng. Thủ tục hành chính đang rất rườm rà, khiến người lao động phải chạy đi chạy lại giữa nơi tạm trú đến nơi thường trú, gây tốn thời gian và công sức để xin xác nhận. Và việc giảm tải thủ tục hành chính là điều vô cùng cần thiết để người lao động tự do có thể mua nhà dễ dàng nhất.”
Tuy nhiên, đối với những người lao động rời xa quê hương để làm ăn luôn ước mơ được sử hữu một ngôi nhà riêng cho mình, trong đó có người lao động tự do. Dĩ nhiên, đó không phải là những căn chung cư thương mại mà là những căn nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của nhà nước, để họ có được một chỗ “ an cư” thay vì tình cảnh đi thuê trọ nay đây mai đó.
Chị Thanh Huyền (quê quán Lạng Sơn) chia sẻ: “ Công việc chính của tôi là đi phục vụ quán ăn, lương loanh quanh 7 triệu đồng có bao ăn 1 bữa ; chồng tôi chạy xe ôm, tháng khoảng 10 triệu đồnga. Nếu gia đình tôi chi tiêu tiết kiệm, thuê nhà trọ giá rẻ, cho con học trường công, thì cả tháng tiết kiệm được khoảng 2 triệu. Chúng tôi hy vọng sẽ được mua nhà ở xã hội được nhà nước hỗ trợ những gói vay lãi suất thấp, nhưng đó có lẽ là điều không thể đối với tình hình hiện tại của gia đình.”
Nhìn vào thực tế, chúng ta rất dễ nhận ra việc người lao động tự do khó có thể mua nhà ở xã hội bởi thu nhập của họ chỉ đang ở mức vừa đủ trang trải chi phí cuộc sống, tích lũy là điều khó khăn, chưa kể phát sinh ốm đau, bệnh tật. Nhìn từ góc độ các dự án nhà ở xã hội, vậy thì các dự án này có đang thực sự “ trong tầm với” để người lao động tự do có thể tiếp cận?
Trở ngại trong việc mua nhà ở xã hội
Theo khảo sát chuyên đề về nhà ở xã hội của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ ) có đến 57% người lao động có nhu cầu thuê hoặc mua nhà, trong đó có gần một nửa số lượng có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Điều này cho thấy nhu cầu tiếp nhận nhà ở xã hội rất lớn của người lao động. Vậy đâu là nguyên nhân khiến khiến các dự án nhà ở xã hội khó tiếp cận?
Nguyên nhân chính phải kể đến nguồn cung của dự án chưa thể đáp ứng được nhu cầu mua nhà ở xã hội của lao động tự do.
Dự án nhà ở xã hội đang được xây dựng. Ảnh minh họa
Thực tế cho thấy các dự án thương mại bắt buộc phải phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Hàng loạt các chung cư cao cấp, trung tâm thương mại xuất hiện ngày càng nhiều tại các đô thị lớn; khiến quỹ đất dành cho nhà ở xã hội ngày càng thu hẹp. Hiện tại, nhà nước cũng đã để các địa phương chủ động hơn trong việc quy hoạch quỹ đất cho nhà ở xã hội, tuy nhiên với 20% quỹ đất được cắt ra từ các dự án nhà ở thương mại thì nhiều nhà đầu tư ít lựa chọn bởi thu lời ít, thời gian xây dựng lại kéo dài.
Tiếp đó, thủ tục hành chính là một trong những rào cản khó vượt qua của cả người lao động tự do lẫn chủ đầu tư. Các chủ đầu tư triển khai dự án nhà ở xã hội gặp khó khăn từ việc xin cấp phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch đến hồ sơ xin phép đầu tư. Chưa kể ở mỗi địa phương có cơ chế quản lý không đồng đều khiến việc kiểm soát tiến độ xây dựng gặp nhiều trở ngại.
Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ từ phía nhà nước đang chưa phát huy đúng vai trò của nó. Về phía các doanh nghiệp gặp khó để tiếp cận các gói vay vì thủ tục vay vốn khó khăn và không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được điều kiện vay vốn. Người lao động tự do thì lắc đầu vì không có tài sản thế chấp, lãi suất cao, với tình hình thu nhập thì không thể trang trải nổi. Những điều này đang tác động hai chiều đến chính tiến độ triển khai nhà ở xã hội còn người có nhu cầu mua thì lại không thể tiếp cận.
Nhìn vào giá bán của các dự án nhà ở xã hội hiện tại vẫn còn rất cao so với thu nhập của người lao động tự do. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Pháp Luật, dự án chung cư nhà ở xã hội Ecohome( Đông Ngọc, Bắc Từ Liêm) cách đây 7 năm đã được giao bán với mức giá 15,5-16 triệu đồng/m2. Sau 7 năm được đưa vào sử dụng giá đã tăng lên mức 52-60 triệu đồng/m2. Đến nay, giá của dự án này đã tăng gấp 4 lần so với thời điểm mở bán.
Dự án chung cư nhà ở xã hội Ecohome( Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm)
Giải pháp nào cho nhà ở xã hội
“ An cư lạc nghiệp” chính là mong ước chính đáng của những người lao động tự do về một căn nhà ở xã hội. An sinh xã hội cũng chính là đích đến của chính phủ trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Để đạt được điều này, rất cần sự đồng lòng, thực thi của Nhà nước và các chủ đầu tư trong việc cởi mở chính sách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để người lao động tự do sớm ngày đạt được ước mơ về ngôi nhà của mình.
Ông Đinh Hữu Chí - Chuyên gia Bất động sản cho hay “ Nhà nước cần tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, thay vì người lao động tự do phải đi nhiều nơi để xin xác nhận cư trú thì họ chỉ cần đến xã, phường mà họ đang sinh sống xin xác nhận cư trú tại nơi họ muốn mua. Tiếp theo, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu về việc giảm lãi suất thấp hơn và kéo dài thời gian vay thay vì 5-10 năm sẽ là suốt thời gian vay. Đặc biệt tiếp tục dành thêm nhiều hơn những quỹ đất trong nội đô để làm sao người lao động có thể mua nhà ở xã hội tại xung quanh nơi họ làm việc, tiết kiệm về thời gian cũng như di chuyển thay vì phải di chuyển từ xa.”
Tựu chung lại, có những giải pháp cần quan tâm như: đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện cho người lao động được chứng minh thu nhập qua hóa đơn tiền nhà đang thuê, tiền điện nước hàng tháng thay vì lương. Triển khai đầu tư thêm nhiều dự án nhà ở xã hội tại các tỉnh để đáp ứng nhu cầu của người lao động tự do có thu nhập thấp. Nhiều gói vay ưu đãi với thời hạn kéo dài để người lao động tự do có thể tiếp cận. .
Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Đỉnh( Chuyên gia pháp lý bất động sản) cho biết: “ Chính sách nhà ở xã hội phải được coi là một bộ phận không thể tách rời của chính sách chung về phát triển thị trường bất động sản. Ở khía cạnh kinh tế, các dự án thương mại phải giao các doanh nghiệp thực hiện qua cơ chế cạnh tranh đấu giá, đấu thầu. Ở khía cạnh an sinh xã hội, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải do nhà nước chủ trì và có sự chủ động hơn. Nhà nước nên giữ vai trò điều tiết tổng thể giữa việc xây chung cư thương mại và nhà ở xã hội. Một là mục tiêu giải quyết nhà ở cho người giàu, hai là nhà ở cho người có thu nhập thấp để một phần lợi nhuận thu được từ nhà ở thương mại sẽ chi để đầu tư cho nhà ở xã hội. Từ đó sẽ thúc đẩy cả hai phân khúc cùng phát triển, thiết lập môi trường bất động sản cân bằng ổn định.”
Nhà ở xã hội là chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước dành cho những đối tượng thu nhập thấp nhằm đảm bảo an sinh, tiến bộ và công bằng xã hội. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận lại những thủ tục chính sách đang thực thi để đảm bảo người lao động tự do có thể tiếp cận được nhà ở xã hội.
Trong thời gian 5 năm tới, Chính Phủ giao Hà Nội 37,500 căn, Hà Nội đặt mục tiêu sẽ phát triển thêm 50 dự án nhà ở xã hội, với tổng quy mô khoảng 57,200 căn. “Giấc mơ” về nhà ở xã hội với nhiều người lao động đặc biệt là lao động tự do đang đến rất gần khi số lượng dự án đang ngày một nhiều. Điều quan trọng là Chính phủ và nhà đầu tư cần cởi hơn trong chính sách, thủ tục hồ sơ để người lao động tự do có thể tiếp cận nhà ở xã hội một cách chính đáng.
Minh Châu
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/media/nha-o-xa-hoi-giac-mo-trong-mo-cua-nguoi-lao-dong-post14799.html