Tại cuộc họp chiều 25-7 về dự thảo Quyết định điều chỉnh chỉ tiêu nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc điều chỉnh là cần thiết nhưng phải xuất phát từ thực tiễn, tránh hình thức. Mục tiêu phát triển một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 vẫn giữ nguyên, song cách đo lường tiến độ cần linh hoạt hơn để phản ánh đúng nỗ lực và năng lực của từng địa phương.
Hiện nay, thời gian thực hiện đầy đủ các bước lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội là rất dài. Ảnh: LÊ VŨ
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến ngày 30-6-2025, cả nước mới hoàn thành hơn 35.600 căn trên tổng số 100.275 căn nhà ở xã hội được giao trong năm, đạt khoảng 36% kế hoạch. Để kịp tiến độ, hơn 64.000 căn còn lại phải được hoàn thành trong 6 tháng cuối năm – một nhiệm vụ được đánh giá là “rất nặng”, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Nguyên nhân được các địa phương nêu ra gồm: thủ tục đầu tư kéo dài, khó khăn giải phóng mặt bằng, nhu cầu thực tế thấp hơn chỉ tiêu được giao. Một số tỉnh thành miền núi như Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng cho biết nhu cầu nhà ở xã hội không cao như tính toán ban đầu. Trong khi đó, các địa phương như Bắc Ninh, Hải Phòng lại đang triển khai hiệu quả và có thể nhân rộng mô hình.
Sau khi sáp nhập hành chính, Bộ Xây dựng đề xuất giữ nguyên tổng chỉ tiêu toàn quốc năm 2025 nhưng cộng dồn chỉ tiêu của các đơn vị hành chính cũ để giao cho đơn vị mới. Chỉ tiêu đến năm 2030 vẫn là 895.170 căn như Nghị quyết Chính phủ đặt ra.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, ở nhiều nơi, nguyên nhân sâu xa là do thiếu quan tâm từ cấp ủy, chính quyền. Không ít địa phương vẫn xem nhà ở xã hội như “phần phụ” trong dự án thương mại, trông chờ vào 20% quỹ đất bắt buộc, thay vì chủ động quy hoạch và bố trí quỹ đất riêng.
Do đó, ngoài việc rà soát lại toàn bộ số liệu và kế hoạch triển khai, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng và các địa phương bổ sung thêm một cách tiếp cận linh hoạt: ngoài số căn hộ đã hoàn thành, cần tính cả những dự án đủ điều kiện pháp lý, sẵn sàng khởi công trong năm. Đây là cơ sở để thúc đẩy tiến độ và ghi nhận nỗ lực thực chất, thay vì chạy theo số lượng.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách, bao gồm công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang, sinh viên mới ra trường – những nhóm có nhu cầu cao nhưng hiện chưa tiếp cận được nhà ở xã hội.
Trên cơ sở Nghị quyết 201/2025/QH15 và Nghị định 192/2025/NĐ-CP vừa có hiệu lực, các địa phương được phép áp dụng quy trình rút gọn, chỉ mất vài ngày đến một tuần cho khâu lựa chọn nhà đầu tư. Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ hướng dẫn và giám sát triển khai, không để vướng vì lý do thủ tục.
Cuối cùng, về tín dụng, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương sửa đổi Nghị định 100/2015/NĐ-CP, đặc biệt các quy định liên quan đến vay ưu đãi mua nhà, để người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn – đúng với tinh thần “quyền có nhà ở là quyền hiến định, không thể trì hoãn”.
Nhất Sơn