Nhà ở xã hội Ecogarden ở trung tâm thành phố Huế với hạ tầng đồng bộ. Ảnh: Ngọc Hòa
Phát biểu này đã chạm vào đúng điểm yếu cố hữu của chính sách nhà ở xã hội lâu nay: Tồn tại trên giấy rất hoành tráng ở không ít địa phương, nhưng ngoài thực tế lại nghèo nàn cả về vị trí lẫn chất lượng sống.
Và đây cũng không chỉ là câu chuyện của vài địa phương yếu kém trong quy hoạch, mà là hệ quả kéo dài của một tư duy sai lầm: Coi nhà ở xã hội là nghĩa vụ phụ trợ, là chính sách an sinh dạng tối thiểu chứ không phải là thành phần thiết yếu trong chiến lược phát triển đô thị, kinh tế và xã hội bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh rằng, nhà ở xã hội phải “đầy đủ hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông, xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục”. Đây không phải là yêu cầu xa xỉ, mà là điều kiện sống cơ bản để một gia đình có thể ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc và nuôi dạy con cái.
Khi nhà ở xã hội được quy hoạch thiếu kết nối, không có trường học gần, không có chợ, trạm y tế hay giao thông công cộng, thì bản thân “căn nhà” ấy cũng không còn là giải pháp, mà chỉ là một nơi cư ngụ tạm thời, dễ bị bỏ hoang hoặc xuống cấp nhanh chóng.
Nói cách khác, nếu chỉ đầu tư vào cái vỏ, là những căn hộ giá rẻ, mà không đầu tư vào hệ sinh thái sống xung quanh, thì nhà ở xã hội vẫn sẽ tiếp tục bị coi là “hàng rẻ tiền” cho người nghèo, và sẽ không bao giờ giải được bài toán bất bình đẳng về tiếp cận cơ hội.
Nhà ở xã hội không chỉ là chính sách xã hội, mà còn là một phần trong quy hoạch chiến lược để giữ chân lực lượng lao động, đảm bảo nguồn nhân lực ổn định cho khu công nghiệp, đô thị và các trung tâm dịch vụ. Khi nhà ở xã hội được xây dựng gần nơi làm việc, sẽ giảm được chi phí đi lại, giảm áp lực hạ tầng giao thông và tăng năng suất lao động. Khi các khu nhà được bố trí hợp lý về hạ tầng xã hội, người dân sẽ có động lực ở lại, gắn bó và phát triển cùng địa phương. Đây chính là lý do vì sao Nghị quyết 201/2025/QH15 của Quốc hội được đánh giá là một bước đột phá: Không chỉ tháo gỡ thể chế, rút ngắn thủ tục hành chính mà còn cho phép hình thành Quỹ nhà ở quốc gia, mở rộng đối tượng được thuê, được hưởng chính sách…
Việc cắt giảm thủ tục xây dựng nhà ở xã hội không chỉ giúp giảm chi phí đầu tư, mà còn rút ngắn thời gian hiện thực hóa chính sách - điều mà doanh nghiệp và người dân mong mỏi bấy lâu nay.
Tuy nhiên, như Thủ tướng nhấn mạnh, chính sách dù có đột phá đến mấy cũng không thể tự triển khai; nếu người đứng đầu địa phương không quyết liệt vào cuộc, nếu các sở, ngành vẫn trì hoãn, né trách nhiệm hoặc đùn đẩy sang cấp khác, thì việc cắt giảm thủ tục chỉ nằm trên giấy.
Đặc biệt, phải chấm dứt tình trạng nhiều địa phương không muốn đưa nhà ở xã hội vào những khu đất “vàng” hoặc đất lõi đô thị. Nhà ở xã hội vì thế thường bị đẩy ra các khu “đầu thừa đuôi thẹo” - nơi không có giá trị thương mại cao, để tránh “ảnh hưởng tới quy hoạch đất ở thương mại”.
Một vấn đề khác là vai trò của doanh nghiệp. Thực tế đã có không ít doanh nghiệp muốn làm nhà ở xã hội, nhưng vướng mắc quá nhiều về thủ tục, thời gian hoàn vốn dài, trong khi lại không được hưởng ưu đãi đủ hấp dẫn.
Nghị quyết 201 đã mở nhiều “cửa” cho khối tư nhân, trong đó có quy định miễn giấy phép xây dựng, giao đất không qua đấu giá… Nhưng điều mà doanh nghiệp cần hơn là một môi trường minh bạch, thủ tục rõ ràng, không phát sinh “chi phí ngoài luồng”.
Chúng ta không thể trông chờ doanh nghiệp làm nhà ở xã hội như một nghĩa vụ đạo đức. Cần nhìn đây là một phân khúc thị trường đặc biệt, nơi Nhà nước đóng vai trò tạo lợi nhuận ổn định, lâu dài bằng chính sách tài khóa, đất đai và cơ chế bảo lãnh tài chính. Nếu không, dù Nghị quyết có đột phá đến đâu, cũng sẽ thiếu người làm thật sự.
Nhà ở xã hội không phải là giải pháp rẻ tiền cho một vấn đề đắt giá. Nó là đầu tư vào tương lai của lực lượng lao động, là “hạ tầng mềm” cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Khi Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề không được xây nhà ở xã hội ở nơi “khỉ ho cò gáy”, đó không chỉ là một tuyên bố chính sách, mà là lời nhắc: muốn phát triển thật sự, phải thay đổi tận gốc tư duy về giá trị con người trong quy hoạch đô thị và hệ thống an sinh.
Từ Ân