Nhà sử học Dương Trung Quốc cùng các đại biểu bên lề Hội thảo Thực hiện Đề cương văn hóa Việt Nam trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vào năm 2023. Ảnh: Hải Yến
Độc lập, Tự do, Hạnh phúc là tiêu ngữ dưới quốc hiệu Việt Nam Dân chủ cộng hòa và nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn nguyên giá trị và là mục tiêu phấn đấu. Mục tiêu này dành cho toàn dân với một chính quyền thực thi như Cụ Hồ xác định nhiệm vụ là của dân, do dân, vì dân. Ý nghĩa toàn dân ấy được nhà sử học Dương Trung Quốc nói rõ thêm nhân sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
- Trong sự kiện 30-4-1975, ta dùng chữ “giải phóng” là đúng, giải phóng không chỉ hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc, mà quan trọng nhất, thiêng liêng nhất là thống nhất nước nhà. Ngày nay, chúng ta tiếp tục sự nghiệp ấy bằng sự bảo toàn lãnh thổ. Mục tiêu không phải để chúng ta chiến thắng đối phương, mà để đạt tới mục tiêu thống nhất đất nước, thống nhất có bao hàm nghĩa hòa hợp dân tộc.
* Dừng lại ở nội hàm hòa hợp dân tộc, là một nhà sử học, ông có những cứ liệu lịch sử cụ thể nào minh chứng cho điều này, xóa bỏ một bộ phận “cao ngạo”, “tự kiêu” cách mạng?
- Rất nhiều minh chứng cho vấn đề hòa hợp dân tộc. Năm 2008, Tòa soạn Tạp chí Xưa & Nay (ông Dương Trung Quốc là Tổng biên tập - NV) nhận được bản thảo cuốn Võ Văn Kiệt - Trí tuệ và sáng tạo của nhà văn Hoàng Lại Giang, trong đó có đoạn hồi ký Nhớ lại và suy nghĩ do nhà văn Hoàng Lại Giang chấp bút. Tạp chí Xưa & Nay đã trích đăng trong số tháng 6-2024, có đoạn: “Tôi nhớ mãi câu nói của đồng chí Lê Duẩn sau ngày thống nhất đất nước, khi đồng chí vừa bước xuống Sân bay Tân Sơn Nhất: “Thắng lợi này là thắng lợi của cả dân tộc Việt Nam, chứ không của riêng ai”. Cuộc chiến tranh kéo dài suốt 30 năm. Suốt 30 năm, mọi người Việt Nam yêu nước hoặc ít, hoặc nhiều đã đóng góp vào cho cuộc chiến thắng này. Ngoại trừ một số ít làm tay sai bán nước, còn đại bộ phận dân tộc chúng ta đều yêu nước, mỗi người yêu nước bằng cách của riêng mình”.
Đồng Nai vừa có một việc làm rất ý nghĩa trước thềm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dựng tượng Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Di tích Trung ương Cục miền Nam ở xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, minh chứng sứ mạng thống nhất dân tộc của Tổng Bí thư Lê Duẩn, tác giả Dự thảo Đường lối Cách mạng miền Nam khi ông là Bí thư Xứ ủy ngay sau Hiệp định Genève 1954, mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt có nhắc trong Nhớ lại và suy nghĩ.
Từ thời điểm kết thúc cuộc chiến tranh, ai cũng nhớ đến lời nói của tướng Trần Văn Trà khi ngồi với ông Dương Văn Minh, Tổng thống chế độ cũ, tại Dinh Độc Lập, ngay trong ngày 30-4-1975, rằng: “Ở đây không có người Việt Nam nào thua, chỉ có kẻ xâm lược thua thôi”. Cá nhân tôi từng gặp Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Duy - những người từng có thời gian đứng về chiến tuyến bên kia, nhưng rồi họ cũng nghĩ được và quay trở về đất nước. Hòa hợp nhìn chung là trên ý nghĩa đó.
* Là người nghiên cứu lịch sử, ông có suy nghĩ gì về hòa hợp, đại đoàn kết toàn dân tộc?
- Chúng ta có thể giải quyết được vấn đề này. Sự trăn trở này có cả những yếu tố chủ quan và khách quan. Những yếu tố bên ngoài và bản thân con đường phát triển của chúng ta gặp không ít khó khăn có thể làm người dân chưa thể hài lòng, nhất là chúng ta còn đang trên tiến trình xây dựng một nền dân chủ mọi người có quyền làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ đất nước mình. Đây là một quá trình dài phấn đấu và chúng ta không thể quá vội vã nhưng cũng không thể thỏa mãn những gì đã làm được.
* Mỗi dịp 30-4, cảm xúc thế nào, thưa ông?
- Đại đoàn kết để thực hiện mục tiêu chung là Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh. Đấy vẫn là những mục tiêu ở phía trước.
Cứ mỗi dịp 30-4, chúng ta càng thấm thía rằng, mục tiêu không chỉ gìn giữ độc lập, mà quan trọng hơn nền độc lập ấy phải gắn với toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất quốc gia là sự nghiệp vô cùng to lớn, vô cùng cao cả mà thế hệ chúng ta, thời đại chúng ta đạt được những vấn đề căn bản nhưng vẫn còn rất nhiều điều ở phía trước.
Tại sao chúng ta có thể hòa giải với rất nhiều quốc gia từng đem quân sang Việt Nam như Pháp, Nhật, Mỹ, nâng quan hệ ngoại giao là Đối tác Chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ (9-2023), Nhật Bản (10-2023), Pháp (10-2024); trong khi những vấn đề của chính chúng ta lại chưa thực hiện được, điều đó buộc chúng ta phải suy nghĩ. Mỗi con người với ý thức công dân của mình, trách nhiệm của mình phải tham gia vào quá trình hòa hợp dân tộc và phải tự hỏi chính mình đã làm được gì.
* Ở góc độ lịch sử, ông có ý kiến gì nhân một sự kiện lịch sử không chỉ Việt Nam mà có tầm vóc thế giới?
- Những gì dân tộc ta trải qua trong thế kỷ XX cũng chỉ lặp lại những gì ông cha ta đã làm trong quá khứ, suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Đó là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết trong chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Nhưng đúng là với thế kỷ XX thì thử thách ấy dữ dội vô cùng. Thời nhà Trần 3 lần đánh thắng quân Nguyên (1258-1288), cách nhau 30 năm nhưng mỗi lần giặc tràn sang chỉ vài tháng là cùng. Thế kỷ XX, chúng ta trực diện đánh các cường quốc, kéo dài liên tục 30 năm (1946-1975). Rồi chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc… Không thống nhất dân tộc, không thể làm được điều đó. Nhưng đã thống nhất, cần thống nhất hơn để đạt thành tích có tầm vóc cao hơn từ năm 2025, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Đúng nửa thế kỷ đã qua, dùng “kỷ nguyên mới” không là một mỹ từ thời thượng, mà phải thực sự độc lập, thống nhất, hòa hợp dân tộc và cách mạng bộ máy để phát triển, “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như Bác Hồ mong muốn.
* Xin cảm ơn ông!
Trần Chiêm Thành (thực hiện)