Nhà sưu tập Trần Đình Thăng nổi tiếng ở thành phố “Hoa phượng đỏ” là người sở hữu bộ sưu tập cổ vật đồ sộ, trong đó có đến 18 Bảo vật Quốc gia. Thế nhưng, tư gia của ông lại không bày nhiều cổ vật, trái với sự hình dung của những người khách ghé thăm.
Hóa ra, hầu hết các hiện vật và Bảo vật Quốc gia trong bộ sưu tập An Biên của ông được trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng từ tháng 5 đến 12/2024 nhân Lễ hội Hoa phượng đỏ năm 2024.
Ông bảo rằng ông chỉ là người may mắn có duyên với các cổ vật chứ không phải là người sở hữu chúng. Các cổ vật, di vật hay Bảo vật Quốc gia đều thuộc về nhân dân.
Từ một cậu bé yêu lịch sử…
Ông Thăng chia sẻ, từ khi còn đi học, ông đã đặc biệt yêu thích môn lịch sử, cứ có cơ hội là ông tìm đến các bảo tàng, say sưa tìm hiểu. Khi bắt đầu đi làm là ông đã dành dụm để sưu tầm cổ vật.
“Ở tuổi đôi mươi, khi những người bạn cùng trang lứa thích đi du lịch, mua xe, thì tôi như một cụ già, chỉ lọ mọ đi tìm cổ vật, lang thang các bảo tàng tìm hiểu về di sản văn hóa, lịch sử của nhân loại,” ông Thăng kể.
Ông từng có thời gian học tập và làm việc nhiều với người nước ngoài. Đây chính là cơ hội để ông dung nạp, bổ trợ kiến thức và nguồn tài chính thực hiện niềm đam mê với đồ cổ.
Lư hương gốm men lam xám, Bình gốm hoa nâu, Bình đồng Đông Sơn - ba Bảo vật Quốc gia trong sưu tập An Biên. (Ảnh: Trần Đình Thăng)
Năm 25 tuổi, sau khi đi học ở nước ngoài trở về, ông Thăng bắt đầu sưu tập cổ vật. Là một doanh nhân, ông Thăng thường xuyên tranh thủ các chuyến công tác để tìm cổ vật. Mỗi khi sưu tập được một món đồ tâm đắc, về đến nhà ông sẽ ngồi ngắm đến quên ăn quên ngủ.
"Có thể là tôi may mắn khi sớm nhận ra di sản văn hóa, cụ thể là cổ vật là tài sản hiện thực phản ánh đời sống của một người hay lớn hơn là của cộng đồng, dân tộc trong một thời điểm cụ thể. Khi tôi bước vào nghiên cứu sâu lĩnh vực này, rất ít người nhận thức được cổ vật nào quý, giá trị mà thế giới đánh giá cao,” ông Thăng nói.
Ông Thăng được hai nhà nghiên cứu cổ vật (gốm, sứ, đồng) là ông Motohiko Yamazaki, Trưởng hãng Toyota tại Việt Nam và ông Nguyễn Bá Thanh Long, Ủy viên Ban chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam hướng dẫn, chỉ bảo và cùng nhau vạch ra hướng sưu tập cổ vật có giá trị hiện đang lưu hành tại lãnh thổ Việt Nam.
Gia tài đồ cổ của ông hiện nay có rất nhiều loại, các hiện vật thể hiện sâu sắc nét văn hóa bản địa Việt Nam, Trung Hoa hay quốc gia khác, với định hướng, ưu tiên số một là cổ vật của dân tộc.
“Chưa khi nào tôi thống kê mình có bao nhiêu cổ vật. Vừa qua tôi lựa ra hơn 500 hiện vật lập hồ sơ khoa học đăng ký với cơ quan nhà nước. Hiện vật gồm các chất liệu: Gốm, đồng, sứ, gỗ với nhiều loại hình có niên đại từ thế kỷ 5 trước Công Nguyên tới thế kỷ 19,” ông Thăng cho hay.
Theo đó, bộ sưu tập mang tên “Cổ vật An Biên” được lưu giữ, trưng bày tại nhà riêng của ông, chia theo bốn không gian văn hóa gồm: Cổ vật thuộc nhà nước Đại Việt (thế kỷ 11-thế kỷ 19), Cổ vật Trung Hoa (thế kỷ 9-thế kỷ 19), Cổ vật thời Bắc thuộc (thế kỷ 5 trước Công Nguyên-thế kỷ 9) và nghệ thuật Phật giáo (tượng Phật gỗ, đá thế kỷ 17-thế kỷ 19).
Để thể hiện cái tâm hướng về nguồn cội, ông đặt tên cho bộ sưu tập của mình là An Biên - tên gọi đầu tiên của Hải Phòng do Nữ tướng Lê Chân đặt khi lập nên vùng đất “Hải tần phòng thủ.”
…đến chủ nhân của 18 Bảo vật Quốc gia
Qua tìm hiểu, ông thấy các nhà sưu tập cũng như bảo tàng nước ngoài đánh giá cao đồ gốm men trắng triều Lý nên tập trung tìm kiếm nhóm này. Từ năm 1985 đến 1995, ông Thăng đã đi khắp Việt Nam mua hàng trăm hiện vật gốm thời Lý.
Từ hàng trăm hiện vật mua về, ông Thăng cùng các nhà nghiên cứu lọc ra chín món đạt tới đỉnh cao nghệ thuật chế tác, với kiểu dáng, họa tiết trang trí, màu men độc đáo, thuần Việt để làm hồ sơ đề nghị Chính phủ xem xét, công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Một số hiện vật gốm trong sưu tập An Biên. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Năm 2021, 9 hiện vật gốm men trắng, có từ triều Lý gồm 4 ấm, 2 liễn và 3 đĩa nằm trong bộ sưu tập An Biên được công nhận Bảo vật Quốc gia. Tiếp đó, năm 2022, ông có thêm 6 hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia gồm 2 chiếc đĩa gốm men ngọc (niên đại: Thời Lý, thế kỷ 11-12); đĩa gốm men lam tím (niên đại: Thời Lê sơ, thế kỷ 15); lư hương gốm hoa lam (niên đại: Thời Lê sơ, thế kỷ 15); 2 đài đồng đốt trầm, nắp tượng nghê (niên đại: thế kỷ 16-17).
Năm 2023, 3 bảo vật tiếp theo được công nhận là bảo vật quốc gia gồm: Bình đồng Đông Sơn (An Biên), niên đại Văn hóa Đông Sơn, khoảng thế kỷ 2 trước Công nguyên; Bình gốm hoa nâu, niên đại thế kỷ 16-17; Lư hương gốm men lam xám, đời vua Mạc Mậu Hợp, niên hiệu Hưng Trị (1588-1591).
Tổng cộng, bộ sưu tập An Biên có 18 món đồ được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Với ông Thăng, những món đồ mà ông sưu tầm được đều là vô giá, ông không bao giờ nhượng lại hoặc chia sẻ cho người khác. Ông bảo đã chơi cổ vật thì giá trị kinh tế không quan trọng bằng sự trân trọng và hiểu về món đồ đó.
“Có những hiện vật được trả giá cao gấp trăm lần khi mua nhưng tôi không bán. May mắn là tôi chưa từng quá cần tiền đến mức phải bán cổ vật. Thỉnh thoảng tôi tặng cho một vài người. Đó đều là những người sưu tập có tầm văn hóa, yêu quý và nâng niu cổ vật,” ông chia sẻ.
Ông tâm sự, Việt Nam là quốc gia văn hiến có lịch sử lâu đời. Các bậc tiền nhân không để lại cho hậu thế nhiều cung điện nguy nga tráng lệ, đền đài lầu son gác tía mà trao truyền những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể chứa đựng hồn cốt văn hóa “con Lạc, cháu Hồng.” Vì vậy, ông muốn lưu giữ bảo vật, trao truyền đến thế hệ trẻ ngọn lửa nhiệt huyết trong bảo tồn, phát huy giá trị cổ vật.
Nhà sưu tập Trần Đình Thăng (giữa) đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch nước và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng. (Ảnh: haiphong.gov.vn)
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Thăng bảo rằng ông chưa từng nghĩ mình là người sở hữu các Bảo vật Quốc gia, mà chỉ là người lưu giữ, bảo quản di sản văn hóa.
“Cha tôi Trần Đình Thành tham gia cách mạng từ năm 1930. Năm 1955, giải phóng thành phố, cụ Trần Đình Thành là một trong những cán bộ về tiếp quản Hải Phòng. Ông thể hiện lòng yêu nước bằng cách tham gia kháng chiến còn tôi yêu nước thông qua việc bảo tồn văn hóa,” ông Thăng tâm sự.
Quả thực, không chỉ “nặng lòng” với cổ vật, ông Thăng cũng dốc sức đóng góp vào công tác bảo tồn, trùng tu nhiều di tích tại Hải Phòng.
Nhà sưu tập Trần Đình Thăng đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch nước và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng cho những đóng góp tích cực vào quá trình lưu giữ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa Việt Nam./.
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng bày tỏ sự ấn tượng khi tham quan trưng bày hơn 300 cổ vật trong bộ sưu tập An Biên.
“Sự đa dạng loại hình và độc đáo của từng hiện vật thể hiện sâu sắc, rõ nét, có sức sống mãnh liệt, phát triển ổn định suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Hiếm có bộ sưu tập, bảo tàng tư nhân nào có những hiện vật đặc sắc, kỹ mỹ nghệ cao, tính toàn vẹn nguyên gốc như ở bộ sưu tập này. Điều đó cho thấy chủ sở hữu đã ý thức, dày công trong quá trình sưu tập,” ông Nam nói.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ (bìa trái) tham quan bộ sưu tập An Biên tại Hải Phòng. (Ảnh: haiphong.gov.vn)
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho rằng chủ sở hữu sưu tập An Biên đã và đang ứng xử đúng với bảo vật.
Theo đó, nhà sưu tập cần tiếp tục có chế độ bảo quản đặc biệt và phối hợp với bảo tàng, di tích để quảng bá, đẩy mạnh quảng bá qua nhiều hình thức, không chỉ trưng bày ở Bảo tàng Hải Phòng mà còn các địa phương khác, kể cả ở nước ngoài.
“Với chính sách cởi mở của Nhà nước hiện nay, để phát huy giá trị bộ sưu tập tương xứng với giá trị và tiềm năng, chủ sưu tập cũng tham khảo các mô hình trong nước và thế giới, tiến tới thành lập thành bảo tàng cổ vật tư nhân. Nhìn từ sưu tập An Biên, thiết nghĩ, cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ tương hỗ giữa nhà nước, các nhà khoa học và chủ sưu tập tư nhân,” ông Trụ nói.
(Vietnam+)