Không dám dự thầu vì giá cao
Khoảng giữa tháng 11, hàng loạt mỏ đá tại Bình Dương và Đồng Nai thông báo điều chỉnh giá.
Ông Hoàng, nhà cung cấp cát, đá cho nhiều gói thầu giao thông tại TP Thủ Đức cho biết: "Giá đá tăng liên tục trong suốt cả năm qua. Có đơn vị điều chỉnh giá tăng 4 lần trong năm. Dù mỗi lần tăng giá chỉ từ 2.000 - 4.000 đồng/tấn, nhưng khi quy đổi ra mét khối và nhân với tổng khối lượng, dự toán bị đẩy lên hàng trăm triệu đồng".
Công suất các mỏ đá hạn chế trong lúc nhiều dự án giao thông thi công đồng loạt khiến giá đá liên tục tăng, khan hiếm cục bộ.
Theo ông Hoàng, với tỷ trọng quy đổi một mét khối đá tương đương 1,6 tấn, mỗi tấn tăng giá 4.000 đồng tương ứng mỗi khối tăng giá 6.400 đồng. Cứ dùng 100.000m3, nhà cung cấp đối mặt với tình thế bị bào mòn gần 650 triệu đồng.
Đại diện nhà thầu thi công Vành đai 3 tại TP Thủ Đức chia sẻ thêm, tình trạng trên mới chỉ phản ánh một phần từ đơn vị cung cấp. Ở góc độ nhà thầu trực tiếp thi công, giá đá thực sự gây áp lực lớn.
Hạch toán trên mới chỉ là giá đá đầu vào mỗi lần mỏ khai thác điều chỉnh tăng giá chứ chưa bao gồm các chi phí vận chuyển, tập kết. Khi cấu thành vào giá bán giao đến công trường, nhà thầu phải gánh thêm hơn 100.000 đồng/m3 đá bởi chi phí vận chuyển đường thủy, đường bộ.
"Mới tuần trước, công ty tôi đã quyết định không tham gia một gói thầu có giá trị lớn tại TP.HCM bởi xác định không thể đưa ra giá dự thầu thấp hơn giá gói thầu của chủ đầu tư", vị đại diện cho biết.
Nhiều mỏ báo tạm hết hàng
Ghi nhận trên đoạn sông Đồng Nai giáp khu vực mỏ đá Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), hàng trăm sà lan lớn neo đậu đợi lấy hàng giao về TP.HCM và các tỉnh miền Tây.
Nhà thầu phải mua gom đá từ các bến vật liệu xây dựng ven sông.
Ông Đệ (52 tuổi), một tài công chuyên đi lộ trình Thường Tân – Long An cho biết, số lượng sà lan đổ về đây tăng mạnh từ khoảng giữa năm nay nên thời gian chờ làm hàng rất lâu, có lúc còn kẹt cả đoạn sông.
"Thời gian neo lại lâu nên cước vận chuyển gần đây cũng tăng từ 40.000 đồng/m3 lên 50.000 đồng/m3 tùy lộ trình. Người ta tìm mua nhiều lắm mà kẹt hàng nên phải chờ lâu. Có sà lan phải nằm lại tới hôm sau mới có hàng", ông Đệ cho biết.
Lý giải tình trạng giá đá xây dựng không ngừng tăng và khan hiếm, ông Nguyễn Linh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết, các dự án giao thông trọng điểm đang tiêu thụ sản lượng rất lớn, áp lực từng ngày.
Trong khi đó, thủ tục gia hạn, cấp phép khai thác phức tạp, cần cả năm để nhà đầu tư mỏ hoàn thiện trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Đơn cử, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM cần khoảng 5.200.000m3, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cần tới gần 1.500.000m3, sân bay Long Thành dự kiến sử dụng 2.000.000m3.
Tại TP.HCM, nhu cầu tiêu thụ đá cũng áp đảo nhu cầu của thị trường chung. Từ đó, nguồn cung từng chủng loại đá gần như ưu tiên cho thị trường giao thông theo đặc thù giai đoạn.
"Các loại đá 1 x 1 quy cách dùng cho ngành bê tông tươi phục vụ xây dựng dân dụng đã khan hàng suốt một tháng nay. Các mỏ ở Bình Dương, Đồng Nai đều báo tạm hết hàng vì khách hàng cũ đã đặt mua toàn bộ khối lượng theo công suất khai thác", ông N - giám đốc doanh nghiệp kinh doanh bê tông tươi cho biết.
Sớm cải thiện nguồn cung
Theo khảo sát thị trường vật liệu đá xây dựng từ chứng khoán Funan, tổng sản lượng của top 5 doanh nghiệp đầu tư khai thác mỏ đá tại Bình Dương và Đồng Nai hiện nay là hàng trăm triệu mét khối nhưng chỉ khai thác khoảng 16.000.000m3/năm.
Mặt khác, sản lượng hàng năm phân bổ cho toàn thị trường Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ nên công suất chỉ ở ngưỡng vừa đủ, có thời điểm thiếu hụt nguồn cung là điều tất yếu.
Đại diện Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đã quy hoạch hơn 1.300ha đất cho mục đích khai thác khoáng sản nằm ở các huyện Vĩnh Cửu, TP Biên Hòa, huyện Xuân Lộc, huyện Thống Nhất và rải rác tại một số địa phương khác.
Lợi thế nguồn tài nguyên này giúp tỉnh có thêm nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Quan trọng nhất là giải quyết nguồn vật liệu xây dựng đáp ứng cho các tỉnh, thành phía Nam.
Để nguồn cung đá đáp ứng đủ, không xảy ra biến động giá, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch khai thác 40 mỏ với tổng diện tích hơn 1.400ha để phục vụ xây dựng dân dụng và các công trình, dự án trọng điểm giai đoạn từ nay đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đại diện Sở TN&MT tỉnh Bình Dương cho biết, đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý để đấu giá 4 mỏ đá tại huyện Phú Giáo và Bắc Tân Uyên. Khi các mỏ này hoàn tất thủ tục đấu giá, sẽ cung cấp ra thị trường 3.000.000m3 mỗi năm.
Cùng với công suất các mỏ đang khai thác, thêm những mỏ mới sẽ cơ bản giải quyết nhu cầu đá xây dựng cho khu vực miền Nam.
Nói về phương án căn cơ để chủ động nguồn vật liệu đá, đại diện một nhà thầu giao thông lớn tại TP.HCM chia sẻ, việc phụ thuộc vào nhà cung cấp có không ít rủi ro.
Khi thị trường có biến động, giá tăng hoặc khan hiếm đều tác động trực tiếp tới tiến độ dự án mà nhà thầu đang tham gia.
Vị này cho rằng, các doanh nghiệp thi công hạ tầng giao thông nên cân nhắc định hướng đầu tư khai thác trực tiếp các mỏ đá.
Quân Chính