Nhà thầu giao thông Việt Nam trước cơ hội làm hạ tầng đường sắt tốc độ cao

Nhà thầu giao thông Việt Nam trước cơ hội làm hạ tầng đường sắt tốc độ cao
3 giờ trướcBài gốc
Một tuyến đường sắt tốc độ cao ở châu Âu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam có tổng chiều dài 1.541km với 60% là kết cấu cầu, 30% kết cấu nền đất, 10% kết cấu hầm sẽ là cơ hội mang lại khối lượng công việc khổng lồ cho các nhà thầu xây lắp hạ tầng giao thông Việt Nam.
Để chuẩn bị cho siêu dự án này, các nhà thầu lớn trong nước đều rốt ráo chuẩn bị nguồn lực và với kinh nghiệm “thực chiến” qua hai giai đoạn của Dự án cao tốc Bắc-Nam nên chắc chắn có đủ năng lực thực hiện hạng mục xây lắp.
Nhà thầu nội đủ sức với “đầu bài” đưa ra
Luôn theo dõi sát sao quá trình hình thành từ ý tưởng, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, ông Cao Đăng Hoạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Định An đánh giá đây là dự án rất lớn, cần có nhà thầu, tư vấn, nhà cung cấp thiết bị có năng lực thực sự.
“Với sự quyết tâm và ý thức đây là các công trình mang lại sự thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, dự án này chính là vận hội mới cho Tập đoàn Định An và đất nước nên thời gian qua, đơn vị đã làm việc với các tổ chức doanh nghiệp đối tác nước ngoài, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các tập đoàn khác để cùng tổ chức các lớp học cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên lao động, chuyên gia kỹ thuật có các bằng cấp về chứng chỉ chuyên ngành đường sắt nhằm chuẩn bị cho dự án,” ông Hoạt khẳng định.
Chỉ ra thế mạnh của Tập đoàn Định An đó là phần hạ tầng nhờ vào năng lực con người, tài chính, ông Hoạt nhìn nhận ở góc độ tiêu chuẩn kỹ thuật, đường sắt tốc độ cao cũng có cầu cạn, hầm xuyên núi, nền đường như dự án đường bộ cao tốc nên nhà thầu trong nước chắc chắn sẽ chủ động đảm đương 100% khối lượng công việc.
“Nước ta có 20-30 doanh nghiệp nhà thầu đủ năng lực triển khai hạ tầng đường sắt tốc độ cao như Tập đoàn Đèo Cả, Tổng công ty Trường Sơn, Tập Đoàn Trung Nam, Trung Chính, Cienco 4, Tập đoàn Sơn Hải, Phương Thành, Tập đoàn Hải Đăng, Bắc Trung Nam, Tập đoàn Định An, Tổng Cty 319… Chính ‘thao trường’ tại các Dự án cao tốc Bắc-Nam khi đối mặt với khó khăn như đại dịch, bão giá, nguồn cung vật liệu hay vấn đề chậm trễ giải phóng mặt bằng nhưng đều hoàn thành, vượt tiến độ với khối lượng công việc khổng lồ chỉ hơn 2 năm đã cho thấy năng lực tài chính, kinh nghiệm, đội ngũ lao động,” Chủ tịch Tập đoàn Định An đưa ra dẫn chứng.
Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) cho biết đường sắt tốc độ cao gồm hạng mục hạ tầng như nền, cầu, hầm có độ chính xác, độ cứng cầu siêu cao nên đòi hỏi nghiêm ngặt, chính xác hơn so dự án đường bộ.
Do đó, ông Khôi cho rằng khi triển khai dự án, công tác tư vấn thiết kế, giám sát nên thuê nước ngoài để hỗ trợ, hướng dẫn trong công tác thi công, quản lý chất lượng.
Hành khách đi tàu đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Theo ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, đối với các dự án có quy mô lớn, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước có năng lực quản trị, đã có những sản phẩm cụ thể tổ chức dẫn dắt, kết nối, đào tạo cho các doanh nghiệp khác và ưu tiên đối với các doanh nghiệp địa phương nơi có dự án đi qua.
Với dự án đường sắt tốc độ cao, ông Nam kiến nghị cần có cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này được tham gia. Trong đó, các hạng mục từ phần dưới ray trở xuống có tính chất tương tự công trình đường bộ (cầu, đường, hầm), cần giao cho doanh nghiệp trong nước có kinh nghiệm thực hiện. Hợp phần đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu… xem xét giao doanh nghiệp trong nước liên danh với doanh nghiệp nước ngoài triển khai.
Để “đón đầu” các dự án đường sắt, Tập đoàn Đèo Cả đã hợp tác với các trường đại học để tuyển sinh đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành đường sắt, mô hình hợp tác gồm đặt hàng tại nguồn và đào tạo tại chỗ; nghiên cứu thực tiễn quá trình đào tạo ngành đường sắt-metro của các nước tiên tiến như Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... nhằm chọn lọc "nhập khẩu" chương trình và chuyên gia đào tạo.
Dự án cần chia thành các gói thầu lớn
Theo lộ trình đề xuất, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam sẽ khởi công năm 2027, hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035. Để hoàn thành dự án, các doanh nghiệp nhà thầu Việt Nam đưa ra quan điểm, công tác khảo sát thiết kế ban đầu, giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật tư vật liệu phải đi trước một bước khi dự án khởi công.
“Cần phải đảm bảo khi dự án được khởi công, nhà thầu sẽ nhận được toàn bộ mặt bằng sạch để tổ chức thi công đồng bộ các hạng mục, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khắt khe của tuyến đường sắt tốc độ cao,” ông Cao Đăng Hoạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Định An nói.
Muốn đảm bảo tiến độ, theo ông Hoạt, cơ quan Nhà nước cần chủ động nguồn vốn, khảo sát thiết kế kỹ càng, tư vấn giám sát cho các chủ đầu tư; tính đúng tính đủ hệ số đơn giá định mức, lựa chọn các nhà thầu có năng lực tài chính kinh nghiệm; có cơ chế đặc thù nguồn vật liệu giao mỏ cho các nhà thầu giảm khâu trung gian, tránh đội giá; công tác giải phóng mặt bằng thành hạng mục riêng hoàn thành 100% trước khi đấu thầu hoàn thành dự án.
Ngoài việc các doanh nghiệp nhà thầu Việt phải chuẩn bị đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm đường sắt tốc độ cao, có máy móc thiết bị chuyên dụng đầu tư, Chủ tịch Tập đoàn Định An cũng kiến nghị dự án cần chia thành các gói thầu lớn, liên danh liên kết giữa các tổng thầu với nhau đã có kinh nghiệm triển khai các dự án trọng điểm của Nhà nước để thi công, bởi nếu chia nhỏ gói thầu thì công tác quản lý giám sát manh mún, tốn kém và không phát huy hiệu quả khối lượng công việc.
“Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với cách nghĩ cách làm các dự án hạ tầng giao thông như thời gian vừa qua, nhà thầu tự tin hoàn toàn làm được và bảo đảm mốc tiến độ sẽ hoàn thành vào năm 2035,” ông Hoạt quả quyết.
Dự án đường sắt tốc độ cao sẽ là cơ hội mang lại khối lượng công việc khổng lồ cho các nhà thầu xây lắp hạ tầng giao thông Việt Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Đồng tình quan điểm này, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Công ty Phương Thành Tranconsin cho rằng dự án đường sắt tốc độ cao muốn nhanh và hiệu quả, việc phân chia gói thầu phải “ra tấm ra món” mới tạo điều kiện cho các nhà thầu phát huy tối đa năng lực. Cơ chế chỉ định thầu cần được tiếp tục xem xét áp dụng để có thể chọn đúng và trúng những doanh nghiệp có tiềm lực.
“Cơ quan chức năng cần chọn các nhà thầu lớn, có kinh nghiệm để đại diện cho các gói thầu lớn. Cơ chế chỉ định thầu như ở dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam là một điểm mở, cần nghiên cứu triển khai,” ông Khôi góp ý.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy đánh giá nước ta đã có đội ngũ nhà thầu có thể làm tất cả về kết cấu hạ tầng giao thông nên dự án đường sắt tốc độ cao sẽ là cơ hội không thể tốt hơn cho nhà thầu xây lắp có bước chuyển mình mạnh mẽ và đảm nhận việc triển khai công việc./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/nha-thau-giao-thong-viet-nam-truoc-co-hoi-lam-ha-tang-duong-sat-toc-do-cao-post988276.vnp