Theo thông tin từ Trang Nhà thờ Công giáo Việt Nam, nhà thờ thuộc Giáo hạt Pleiku (tỉnh Gia Lai), còn có tên gọi khác là Trung tâm Truyền giáo Pleichuet, do các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế trông coi. Ảnh: Bảo Ân
Nhà rông là công trình trung tâm trong đời sống cộng đồng của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, là nơi tổ chức lễ hội, sinh hoạt văn hóa và tôn giáo. Việc đưa hình thức nhà rông vào thiết kế nhà thờ được xem như một cách gìn giữ và tiếp nối bản sắc văn hóa địa phương. Ảnh: Bảo Ân
Nhà thờ được dựng trên tám cột lớn bằng gỗ đại thụ, mái lợp tôn màu đỏ, tạo hình mái nhọn xuôi dốc đặc trưng. Mặt bằng công trình cao hơn mặt đất khoảng hai mét, phần chóp mái vút nhọn, tạo ấn tượng mạnh về mặt thị giác. Ảnh: Bảo Ân
Không gian bên trong không bố trí ghế ngồi hay bàn quỳ mà là một sàn rộng lát gỗ. Ban thờ đặt ở vị trí trung tâm, với tượng Chúa Cứu Thế trên thánh giá được chạm khắc thủ công bằng gỗ. Nhà tạm được thiết kế theo hình chiếc gùi – vật dụng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của người Jrai. Ảnh: Bảo Ân
Toàn bộ công trình sử dụng gỗ làm vật liệu chủ đạo, từ cột, sàn, cửa đến những chi tiết trang trí. Họa tiết và hoa văn mang đặc trưng văn hóa Jrai hiện diện xuyên suốt không gian – từ các ô cửa, trần, tường cho đến gian chính. Ảnh: Bảo Ân
Tại khuôn viên nhà thờ, một cây nêu lớn được dựng phía trước. Bao quanh nhà thờ là hàng rào bằng đá tảng. Cạnh nhà thờ là tu viện của các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế. Ảnh: Bảo Ân
Nhà thờ Pleichuet với góc nhìn từ trên cao. Ảnh: Bảo Ân
Kiến trúc mang đậm bản sắc Tây Nguyên đã khiến nhà thờ Pleichuet trở thành điểm tham quan thu hút nhiều du khách khi đến với Gia Lai. Đây không chỉ là nơi hành lễ mà còn là công trình góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa. Ảnh: Bảo Ân
Bảo Ân Đăng Huy