Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát Nhà thơ làm phim về nhà thơ

Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát Nhà thơ làm phim về nhà thơ
4 giờ trướcBài gốc
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chỉnh trang phục cho NSND Lê Khanh (vai diễn trong phim "Hồng Hà nữ sĩ").
“Hồng Hà nữ sĩ” là bộ phim truyện điện ảnh được Nhà nước đặt hàng sản xuất, do nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát viết kịch bản và sản xuất. Bộ phim kể lại hầu hết cuộc đời đầy biến động từ thuở niên thiếu đến lúc từ trần khi mới ngoài 40 tuổi của nữ sĩ lừng danh Ðoàn Thị Ðiểm, quê xã Nguyễn Văn Linh (Yên Mỹ), một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn hiếm có, sống đầu thế kỷ 18. Ðoàn Thị Ðiểm không chỉ có tài văn chương, nổi tiếng nhất là bản dịch chữ Nôm “Chinh phụ ngâm” (thơ chữ Hán của Ðặng Trần Côn) lưu truyền mãi cho hậu thế, mà còn là một phụ nữ yêu nước và có tầm nhìn của một chính trị gia.
Phóng viên: Thưa bà, đầu xuân có thông tin mới về bộ phim “Hồng Hà nữ sĩ”, xin bà vui lòng chia sẻ?
Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Tin vui mới là bộ phim “Hồng Hà nữ sĩ” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn công chiếu miễn phí toàn quốc trong đợt phim kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025) và mừng Xuân Ất Tỵ 2025, diễn ra từ ngày 3 đến 16/2/2025. Bộ phim góp phần thể hiện sâu sắc tinh thần yêu nước, tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc. Tôi được biết, trong dịp này khán giả Hưng Yên có thể xem miễn phí bộ phim ở Rạp Phố Hiến (thành phố Hưng Yên).
Phóng viên: Phim về đề tài lịch sử luôn là một thể loại khó, và “Hồng Hà nữ sĩ” đã được các nhà phê bình đánh giá cao, chạm được tới tình cảm, nội tâm của khán giả. Bà vui lòng chia sẻ về quá trình ra đời của bộ phim, từ khi “thai nghén” kịch bản đến khi ra mắt?
Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Tôi hình thành đề cương kịch bản “Hồng Hà nữ sĩ” nhờ sự gợi ý, hỗ trợ của nhiều người, đồng thời đọc rất nhiều sách viết về bà, tìm đọc thơ và gia thế của bà, rồi gửi đề cương đó lên Cục Điện ảnh. Khi ấy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Ðông về kiêm nhiệm phụ trách Cục Ðiện ảnh đọc được đề cương tôi viết. Ông trực tiếp gọi điện và đặt tôi viết kịch bản. Rồi kịch bản được duyệt, dựng thành phim. Tôi chỉ dựa những ý chính về cuộc đời bà mà sử liệu ghi chép lại, còn thì phải hư cấu và tưởng tượng ra sao cho logic và hấp dẫn… để cố gắng tái hiện sinh động cuộc đời của nữ sĩ Ðoàn Thị Ðiểm, một danh nhân văn hóa của đất nước.
Phóng viên: Những khó khăn khi thực hiện bộ phim có bối cảnh lịch sử cách đây 300 năm là gì, thưa bà?
Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Khó khăn nhất của đoàn phim là về bối cảnh, làm sao cải tạo bối cảnh giống như 300 năm trước? Trong khi khắp nơi nhà cao tầng và dây điện cao thế? Khó khăn thứ hai là về phục trang, mẫu quần áo ngày đó như thế nào? May sao chúng tôi có đội ngũ họa sĩ rất chuyên nghiệp. Nghệ sĩ ưu tú Trung Phan từ Thành phố Hồ Chí Minh ra với đoàn phim, vẽ lại từng bối cảnh và đội ngũ dựng cảnh cứ vậy mà làm theo… (tiếc là anh đã qua đời). Mỗi bộ phim mà tôi sản xuất đều gặp rất nhiều khó khăn. Kinh phí thì ít - đòi hỏi chất lượng lại cao. Phim công chiếu sao cho các bạn đồng nghiệp ít chê trách nhất. Và khán giả đi xem hào hứng nhất. Thật đúng là thách thức không nhỏ.
Phóng viên: Phim có tiết tấu chậm rãi, với cảnh quay rất đẹp và ấn tượng, bà có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ khi quay tại Hưng Yên?
Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: May cho đoàn phim khi về Hưng Yên quay vào đúng mùa nhãn ra hoa, rặng nhãn ở Hưng Yên thật đẹp, hoa nhãn nở chi chít. Nhiều cảnh rất đặc sắc, khi Ðoàn Thị Ðiểm đi về thăm nhà và cảnh chiếc xe ngựa của Tiến sĩ Nguyễn Kiều, chồng bà cũng đã hoàn thành việc đi sứ Trung Quốc, trở về quê tìm gặp vợ con. Rồi cảnh bắt lính, dong lính đi hàng dài ở đầu phim cũng quay tại rặng nhãn này. Ba trường đoạn tuyệt đẹp đó lột tả cảnh đẹp Hưng Yên, quê hương bà Ðoàn Thị Ðiểm. Ngoài cảnh rặng nhãn, chúng tôi còn quay cảnh ở Văn Miếu Xích Ðằng khi các sĩ tử đi thi và Ðoàn Thị Ðiểm gặp Ðặng Trần Côn ở đó, hay trường đoạn Tiến sĩ Nguyễn Kiều ngỏ ý cùng Ðoàn Thị Ðiểm về sống chung một nhà được quay ở đền Mẫu… Tôi mong khán giả Hưng Yên đi xem bộ phim này để thêm yêu quý cuộc sống, yêu cảnh, yêu người Hưng Yên hơn.
Phóng viên: Là bộ phim về đề tài lịch sử duy nhất ra mắt trong 2 năm qua, khi khởi chiếu thì chật kín khán giả tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Ðiều bà tâm đắc nhất về bộ phim này, thưa bà?
Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Tôi thấy mình đã hết lòng, hết sức làm bộ phim này. Mỗi lần xem lại, tôi đều xúc động và thấy cả ê kíp đều cùng tôi xây dựng được nên số phận một nhà thơ, nhà nho, nhà Hán Nôm rất giỏi chữ nghĩa văn chương nhưng sống một cuộc đời dung dị, vị tha, đầy đức hy sinh, căm ghét sự bất công áp bức, lối sống sa đọa của bọn tham quan vô lại. Nữ sĩ Ðoàn Thị Ðiểm ngoài công việc dạy học, bốc thuốc nuôi sống gia đình, bà còn chăm chỉ đọc sách, viết sách… Bộ phim đã giúp khán giả hình dung về những đóng góp lớn của bà, không chỉ qua tác phẩm thơ dịch nổi tiếng “Chinh phụ ngâm”, mà bà còn viết truyện để bày tỏ quan điểm bàn việc dân, việc nước. Với tầm suy nghĩ như một chính trị gia, bà mượn lời nhân vật nữ chính trong truyện “Ðền thiêng cửa bể” để dâng vua 10 điều xây dựng đất nước… Bộ phim không chỉ khắc họa những thăng trầm, biến cố trong cuộc đời bà mà còn làm sống lại câu chuyện tri kỷ giữa bà và danh sĩ Ðặng Trần Côn, tác giả của kiệt tác "Chinh phụ ngâm". Ðồng thời, phản ánh bối cảnh lịch sử thời vua Lê - chúa Trịnh và cuộc sống của tầng lớp trí thức đương thời trong giai đoạn biến động của đất nước…
Phóng viên: Là người phụ nữ đa tài, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà quản lý, nhà sản xuất phim, nhìn lại, bà thích mình ở vai trò nào nhất? Bước sang tuổi 75, điều gì khiến bà lúc nào cũng dẻo dai và nhiều năng lượng như thế?
Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Tôi thích được gọi là nhà thơ nhất. Vì thơ chính là tôi nhất. Tôi cũng hay về quê lắm. Mỗi lần về, tôi như được tiếp thêm năng lượng sống, làm việc. Tình cảm họ hàng, gia đình lúc nào cũng ấm áp, dễ chịu. Tôi đặc biệt thích về Phố Hiến, vì ở đó có các bạn bè văn chương, nhà báo, các anh lãnh đạo tỉnh rất ưu ái chúng tôi, những người con xa quê làm việc ở Hà Nội. Tôi rất quý trọng những tình cảm yêu mến như vậy.
Phóng viên: Nhân dịp xuân mới, bà có thể chia sẻ cùng độc giả mong muốn và dự định công việc trong thời gian tới?
Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Nhiều khi mải mê công việc, tôi cũng quên mất là mình tuổi cũng đã lớn, đã đến lúc phải chững lại, chậm lại trong mọi việc. Thơ thì lúc nào có cảm xúc, còn cảm xúc thì tôi vẫn viết. Cuối đời có lẽ tôi sẽ viết về những trải nghiệm trong đời, trong nghề chăng? Tôi bắt tay vào viết “Chuyện đời chuyện nghề”, một dạng như hồi ký hoặc như kiểu “nhớ gì ghi nấy”. Ðể lại cho các con, các cháu đọc cho vui, để biết rằng cuộc đời tôi đã trải qua những sự việc như thế, như thế, đã biết vượt khó, vượt khổ như thế, như thế để vươn lên. Ðã gặp được những người thầy tốt, người lãnh đạo tốt và bạn bè tốt như thế. Tất nhiên không thể thiếu cả những người không được tốt lắm, không được hay lắm… Bởi đó mới chính là cuộc đời!
Năm 2012, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với cụm tác phẩm, gồm 3 kịch bản: “Canh bạc”, “Cha tôi và hai người đàn bà”, “Trăng trên đất khách”.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!
Minh Huệ thực hiện
Nguồn Hưng Yên : http://baohungyen.vn/nha-tho-lam-phim-ve-nha-tho-3179149.html