Không hiểu sao mỗi khi xuống Hải Phòng tôi đều tìm mọi cách để gặp nhà thơ Thi Hoàng. Anh rất nồng hậu với bạn bè, nhất là lứa văn bút sau anh cả thế hệ như tôi. Thi Hoàng hồn nhiên và có phần ngờ nghệch. Đến mức khi nhà văn Bùi Ngọc Tấn chưa mất, tôi luôn bắt anh và các bạn văn Hải Phòng dẫn đến gặp cụ Tấn. Dù đêm đã rất khuya hoặc tờ mờ sáng, các anh Thi Hoàng, Đình Kính, Kim Chuông đều lập tức xuất hiện dẫn tôi đi.
Hải Phòng là đất cảng biển cũng là đất văn chương. Không phải ngẫu nhiên, nhân vật Tám Bính của nhà văn Nguyên Hồng xuất hiện ở Thành phố cảng Hải Phòng. Và Hải Phòng có Thi Hoàng.
Ngày trước, mỗi khi vào Thành phố Hồ Chí Minh, tôi thường mời nhà thơ Thanh Tùng, lừng danh với "Thời hoa đỏ" từng in ở Văn nghệ quân đội trong một bối cảnh khá đặc biệt đến cơ quan phía Nam. Văn chương và cuộc sống không phải điều gì cũng thuận thảo theo lẽ tự nhiên. Tôi càng không bao giờ hỏi tại sao Thanh Tùng sớm rời mảnh đất Hải Phòng chôn rau cắt rốn bôn ba phương Nam, cũng là cách tôn trọng mọi cá tính trong con người mỗi văn nghệ sĩ.
Nhà thơ Thi Hoàng cũng vậy, chẳng bao giờ tôi hỏi anh sống ra sao, sáng tác ra sao, mà chỉ trò chuyện với anh về những điều phải xử lý, có việc là ngay lập tức để có ích cho việc chung, nhất là với các biểu hiện trong công tác và sáng tác. Với kinh nghiệm và sự tinh nhạy từ cái vỏ bên ngoài rất khù khờ của Thi Hoàng, tôi đã khai thác được ở anh nhiều điều, điều này chắc gì anh đã biết?
Anh em sáng tác trẻ chúng tôi luôn rất tin tưởng Thi Hoàng. Tin tưởng anh ở sự trung thực và nhất là công bằng trong nhận định các tác phẩm văn học ở một khu vực rất khó, đó là thơ. Các nhà thơ Việt Nam phần đông rất ít phục nhau cũng là một lẽ thường tình. Văn mình vợ người cũng cần thiết trong cuộc sống. Nói như nhà thơ Nguyễn Anh Nông: Một bước ngỡ tới đâu/ Ngàn vạn bước chửa tới mình/ Ta như kẻ tập đi với đôi chân bé bỏng/ Đường đời dài rộng/ Đường tình chông chênh/ Phận mình lênh đênh/ Thăm thẳm đèo mây hun hút gió/ Đăm đắm bàn tay lá cỏ/ Đường cực lạc vinh quang đâu tá/ Bao ngựa xe gục ngã ven đường (Tha hương).
Thi Hoàng dường như chưa bao giờ nói về thơ mình, anh càng chẳng bảo ban gì chúng tôi về làm thơ phải thế này phải thế khác. Nhưng chúng tôi cũng đủ khôn ngoan để đọc thẳng vào thơ anh mà học tập. Không dễ gì viết những câu thơ:
Ông từ giữ đền ơi xin ông đấy
Chấp với bọn trẻ ranh rửng mỡ làm gì
Thế là ông cười rồi ông nhỉ
Cho chúng nó chơi đừng đuổi chúng đi.
Chợt ngẫm thấy trẻ em là giỏi nhất
Làm được buổi chiều rất giống ban mai
Thánh cũng hân hoan đố ai biết được
Ngài ở trong kia hay ở ngoài này.
(Những đứa trẻ chơi trước cửa đền)
Dường như là chưa có buổi chiều nào
Xanh như buổi chiều nay, xanh ngút mắt
Cây cứ đứng với nền trời khao khát
Nâng chiếc mầm trên tận đỉnh cây cao.
Sau chiều nay ta phải tốt lên nhiều
Thiên nhiên ở với mình cao cả quá
Tiếng lá động ân cần như tiếng mẹ
Và vòm trời mong ngóng lại như cha
(Ở giữa cây và nền trời)
Nước đi làm suối làm nguồn
Mẹ có nỗi buồn cũng để nuôi con
Mẹ xa vời tít núi non
Lại gần, ngay giữa lòng con mẹ à
Chim ơi đỗ xuống mái nhà
Hót lên cho nhẹ tuổi già mẹ tôi
(Thơ viết dâng mẹ)
Thơ Thi Hoàng luôn luôn như vậy.
Thi Hoàng rất biết tạo ra những thi ảnh cao cường trong mỗi tứ thơ, bài thơ và nhất là câu thơ. Các cặp câu thơ trong thơ Thi Hoàng nhiều khi là những câu đối đã hoàn chỉnh. Ví dụ như: Cây cứ biếc như quặn mình mà biếc/ Trời cứ xanh như rút ruột mà xanh.
Thi Hoàng từng là kỹ sư cầu đường trước khi nhập ngũ. Mọi xuất xứ nào có hề gì như người đời từng định luận anh hùng sá kể xuất thân, dường như luôn đúng với Thi Hoàng. Trong thơ cũng như trong đời sống, Thi Hoàng vừa rất cẩn trọng vừa rất quyết liệt. Nếu đem một bài thơ dở ra thử thách Thi Hoàng, lập tức anh tuyệt đối không phát biểu càng không bảo thế này thế khác. Nhưng nếu một bạn trẻ thế hệ sau anh có đôi chút lấp lánh, anh sẽ rất biết động viên, thậm chí là định vị một cách chân thành để người viết trẻ trưởng thành. Đây cũng là một đức tính của người đã đi qua cơ man thử thách, biết nặng biết nhẹ để giữ mình cũng là để răn mình.
Gần đây, có bạn Nguyễn Hữu Quang người mà Thi Hoàng quý mến giới thiệu với tôi thực hiện viết một số Trường ca về các nhân vật lịch sử. Tôi đã khá ngạc nhiên khi Nguyễn Hữu Quang có cung cách làm việc hăng say, tâm huyết và nhất là độ mở trong Trường ca về nhân vật lịch sử. Nguyễn Hữu Quang bảo có người thầy là nhà thơ Thi Hoàng. Tôi thấy anh phấn chấn và say mê nói về người thầy của mình, không chỉ riêng thơ mà còn là đường ăn nết ở trong cuộc sống. Nguyễn Hữu Quang từng gặp nhiều biến động có lúc là bước ngoặt lớn và anh rất hiểu ở đời có được một người bạn đã khó còn như có một người thầy như Thi Hoàng còn khó hơn nhiều. Vậy mà anh đã có được điều đó từ sự chân thành, tin cậy và nhất là tấm lòng sẻ chia trong sáng tác của nhà thơ đi trước một cách rất tự nhiên. Đó là điều đáng quý nhất.
Với các công việc ở Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam mà Thi Hoàng nhiều năm là thành viên cốt cán, phải đọc và thẩm định, có ý kiến quyết định với nhiều cây bút luôn không phải việc dễ dàng. Sẽ có rất nhiều áp lực dội vào anh. Sẽ có không ít những phỉnh phờ, tâng bốc, thậm chí là giương vây với Thi Hoàng, song anh đều vượt qua một cách nhẹ nhàng, thanh thoát. Tại sao lại như vậy? Bởi vì Thi Hoàng luôn trung thực với chính mình, bởi trong dòng máu và trái tim của Thi Hoàng đã, đang và sẽ là một người lính từng vượt qua lửa đỏ chiến tranh.
Ít ai biết Thi Hoàng rất thành thạo ngôn ngữ lính và nhất là rất hòa đồng với người lính trong đó có những người lính trận. Thi Hoàng còn rất tinh tế khi tham mưu, góp ý cho chúng tôi ở những việc nằm ngoài thơ ca. Khi tôi thực hiện kịch bản văn học bộ phim mang tên "Con tàu Tập kết" - biểu tượng của "Bài ca chiến thắng", chính Thi Hoàng chứ không phải ai khác đã gợi mở cho tôi rất nhiều điều. Khi trò chuyện với các nhân chứng lịch sử tại thành phố Hải Phòng, Thi Hoàng đã chăm chú lắng nghe từ đầu và gợi ra cho tôi - tác giả kịch bản văn học đang rất bí bách những khung khổ và tầm vóc của những con tàu Tập kết chuyên chở hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, con em đồng bào miền Nam ra Bắc kể từ dấu mốc tháng 10 năm 1954. Từ những gợi mở tâm huyết và sâu sắc của Thi Hoàng, tôi đã thực hiện một mạch kịch bản văn học phim tài liệu "Con tàu Tập kết" - biểu tượng của "Bài ca chiến thắng".
Năm tháng thời gian mải miết, cho dù bận bịu đến mấy, tôi vẫn luôn dành thời gian điện thoại hoặc xuống thăm Thi Hoàng tại Hải Phòng. Gặp anh nhiều khi cũng chẳng có chuyện gì lớn lao, song trò chuyện với anh luôn cho tôi sự tự tin, thậm chí là quyết sách được một điều gì đó mà có khi Thi Hoàng cũng hoàn toàn không biết.
Nhà thơ Thi Hoàng, anh đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc trong sáng tác và công tác. Thi Hoàng cũng để lại nhiều bài thơ, câu thơ mà thế hệ chúng tôi, sau tôi sẽ đọc chúng, sẽ từ những câu thơ ấy mà làm trong trẻo hơn, sinh động và hữu ích hơn đời sống tinh thần của mình. Đó cũng là điều tôi muốn nói ra trong bài viết nhỏ này về Thi Hoàng - một người anh rất đáng trân trọng của tôi.
PHÙNG VĂN KHAI